Cách đây ít ngày, có cuộc ra mắt sách của Nhà xuất bản Trẻ với ba nhà văn nữ khả ái: Y Ban, Võ Thị Xuân Hà và Thùy Dương.
Thời buổi người viết không thiếu, tác giả cứ bỏ tiền ra là in nhưng bị người đọc thờ ơ là có thật, nhưng sách của cả ba nhà văn nữ kể trên vẫn được nhà xuất bản có uy tín và bạn đọc tìm đến là việc đáng nhắc đến.
Nhà văn Thùy Dương. Nguồn: hanoimoi. |
Văn của họ đã có lượng độc giả định hình, mỗi người mỗi giọng điệu và lối viết khác nhau nhưng sức hấp dẫn thì như nhau. Họ cũng là “bộ ba không thể tách rời”, đều đẹp và thân nhau từ bao giở bao giờ, tuy mỗi người mỗi tính cách.
Ngoài đời, Y Ban là người đàn bà hay cười, nụ cười tươi rói, tính tình bộc trực đáo để có thể “ăn tươi nuốt sống kẻ tiểu nhân” nhưng ẩn sâu là một tâm hồn nhạy cảm, hát rất hay.
Võ Thị Xuân Hà ngược lại, vẻ mặt lúc nào cũng u buồn, càng u buồn càng đẹp, dịu dàng phong cách Huế từ dáng vẻ thướt tha đến giọng nói nhẹ nhàng, nhưng ẩn bên trong là một tâm hồn mãnh liệt.
Thùy Dương khác hai người còn lại. Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng vì nàng không chỉ đẹp, thời trang có “gu”, luôn chọn những gam màu trang nhã, kiểu dáng sang trọng mà nàng còn có phong cách nho nhã của người Hà Nội một thời.
Cũng không phải không mạnh mẽ như hai người bạn thân, nhưng Thùy Dương có khả năng tiết chế cảm xúc, thậm chí dám hy sinh những cảm xúc nhất thời, dù rất đẹp để chọn lựa sự an bình, vốn là điều mà văn nghệ sĩ thường giễu cợt. Thùy Dương biết tổ chức cuộc sống riêng, biết để dành cảm xúc của mình đặt lên trang văn, còn trong cuộc sống thường ngày, Thùy Dương chọn những xúc cảm mang tới cho chồng con hạnh phúc.
Điều đó, không chỉ thể hiện trong gia đình, nó còn giúp Thùy Dương thể hiện và hoàn thành xuất sắc công việc của mình trên cương vị Phó tổng biên tập tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp, quyền Chánh văn phòng Văn phòng công tác hiệp hội của VCCI, nơi chỉ có những phóng viên, biên tập viên vừa giỏi chuyên môn báo chí mà còn là nơi những người có tri thức sắc sảo về nhiều phương diện làm việc.
Tôi quen thân với cả ba người đàn bà kể trên, thiện cảm với những sáng tác của họ. Hôm nay viết về Thùy Dương, bởi vừa đọc xong Lạc lối, cuốn sách mới nhất, cuốn thứ 6 sau Ngụ cư, Thức giấc, Nhân gian, Chân trần... Lạc lối viết về những mảng đời mạt kiếp. Trong khi Thùy Dương có một đời sống khá ổn định, có thể nói là sang trọng và tinh khôi. Điều đó cho thấy, nhà văn có tâm hồn đa cảm, có tình yêu thương đồng loại, nhìn thấy góc khuất tăm tối đau khổ của cuộc sống, rồi đồng cảm và sẻ chia…
Chị tâm sự rằng: “Khi nhìn vào cuộc sống thực tế, tôi luôn lo lắng và bức xúc bởi thang giá trị bị đảo lộn, nghịch lý phơi bày, những mục tiêu tốt đẹp mà loài người hướng tới ngày càng trở nên xa vời, trong khi đó hàng ngày cái xấu, cái ác điềm nhiên trưng ra bộ mặt trần trụi nhơn nhơn của nó...
Sao có thể ngồi yên?” Chị cho rằng là nhà văn với ý thức trách nhiệm phải không ngừng tự vấn, xông vào “cuộc chiến” với cái xấu, cái ác để bảo vệ cái Đẹp, văn chương phải kêu gọi lòng khoan dung, khơi rộng con đường đến với điều thiện, lay động con người nói vâng với điều thiện… một cách không mệt mỏi…
Chị nói: văn chương đi đến tận cùng sẽ gặp thân phận Người. Nhà văn như một cái “máy chiếu” soi rọi và đưa ra dưới ánh mặt trời những khía cạnh còn bị giấu kín của mỗi thân phận và mỗi tâm hồn Người. Mà ở đó, lịch sử đong đầy trong mỗi số phận, với ký ức chưa bị xóa, với hiện tại ngổn ngang bất ổn và tương lai vẫn đầy hồ nghi…”.
Chị xây dựng những nhân vật có số phận riêng, có ngôn ngữ riêng, có nỗi ám ảnh và khắc khoải riêng, có phần thiện và phần ác khác nhau… Chị đặt cho mình song hành trải nghiệm cùng nhân vật, nhọc nhằn tìm lại “Cái Tôi” đích thực của mình. Chị bảo: “Đôi khi trong tác phẩm của mình, tôi phải trả cho nhân vật cuộc sống của chính nó - khác xa với những dự định ban đầu của tác giả.
Các tác phẩm của nhà văn Thùy Dương. Nguồn: cand. |
Tôi muốn: Nghe thấy cuộc đối thoại của thời đại mình - nghe thấy thời đại mình trong một cuộc đối thoại vĩ đại… thông qua các nhân vật của mình. Đó là sứ mệnh của nhà văn - để thời đại mình sống hiện lên qua tác phẩm trong mỗi hơi thở, mỗi gương mặt Người, cả sự thiện và sự dữ đi qua mỗi trái tim, mỗi ngày…”.
Đọc sách của Thùy Dương thấy được sự khoan dung, lòng khát khao công chính, nỗi quan tâm đến kẻ yếu, mong mỏi cái thiện, chia sẻ với mất mát đau thương… và thấy mong ước bày tỏ, phản đối thậm chí là phẫn nộ…
Tuy nhiên, giống như bản tính của mình, Thùy Dương tiết chế những xúc cảm chua ngoa, mà giãi bày bằng những trang sách nhiều rung cảm song hiền hòa. Nếu nhân vật chính trong Chân trần (NXB Trẻ, 2013) là một nhà báo có thâm niên và kỳ cựu trong nghề, được xây dựng theo hình ảnh “rút ruột” từ bản thân ra mà viết, khai thác mình cho đến cạn kiệt với một lối uyển chuyển và thâm hậu, thì trong Ngụ cư chị để bản thân mình khuất sau nhân vật.
Ngụ cư (đoạt Giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ II, 2002-2004, của Hội Nhà văn Việt Nam). Vẫn là cái nhìn đầy cảm thông với cuộc đời, trong Ngụ cư, mãnh liệt hơn và có cái nhìn xa hơn về nỗi mất mát của cuộc đời sau các cuộc chiến. Còn Lạc lối có lẽ chị lấy cảm hứng từ chính bộ ba của mình, mỗi người mỗi vẻ.
Tác giả mô tả những người đàn bà thời nay, không ngây thơ, cũng không mòn mỏi giấu nỗi đắng cay sau vạt áo mỗi ngày, mà là những người đàn bà biết yêu bản thân mình, biết chăm chút cho cái tôi có khả năng chịu đựng và vượt qua mọi va đập đủ loại của cuộc đời.
Trong Lạc lối nếu có sự ưu ái với các thân phận đàn bà, thì tác giả bày tỏ sự tiếc thương và buồn giận với những nhân vật tha hóa về nhân cách, buôn thần bán thánh. Dường như chị xa xôi gọi tên “thời mạt kiếp”. Dù có mạnh mẽ hơn, sắc lạnh hơn, nhưng Lạc lối vẫn là giọng văn của một người nhân hậu, chị vẫn đi vòng chứ không “chém” thẳng vào mặt kẻ ác... […]
Đôi khi, người ta thấy văn nghệ sĩ rất khác với những gì được viết, vẽ, sáng tạo ra. Có người còn nói, tốt nhất không nên đến gần vì thần tượng dễ bị hạ bệ. Nhưng với Thùy Dương thì có vẻ như, nàng vẫn thế, nàng không lên gân dạy dỗ ai thông qua nhân vật của mình trong sách. Nàng chỉ giãi bày, thậm chí giống như một lời cầu xin: chúng ta, cả tôi và mọi người hãy nhìn nhận lại, hãy cùng làm gì đó để thay đổi. Chỉ thế thôi.