Câu hỏi thẳng thắn này được ông Nguyễn Sĩ Dũng (Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), đặt ra tại buổi tọa đàm "Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng Covid-19”, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 1/7.
Cùng với đó, ông phản ánh nhiều người lo ngại về tác dụng phụ của vaccine, đặc biệt khi tiêm mũi 3 và mũi 4, tác dụng phụ càng mạnh hơn. "Thực chất là không có chứng cứ gì cả nhưng cứ lan tỏa như vậy làm người dân ái ngại", ông Dũng nói.
Chất lượng vaccine luôn được đảm bảo
Ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế), khẳng định vaccine được nghiên cứu rất kỹ, đặc biệt là sự ổn định. Hạn sử dụng của vaccine là 9 tháng nghĩa là hiệu quả được bảo đảm trong khoảng thời gian đó là như nhau, không có chuyện "7 tháng tốt hơn 9 tháng".
Ở Việt Nam, mọi người đi tiêm cũng đều đề nghị nhân viên y tế cho xem hạn sử dụng trên lọ vaccine nên việc này hiện nay đảm bảo.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh việc tiêm mũi bổ sung vaccine cho các lực lượng tuyến đầu. Ảnh: Việt Linh. |
Hơn nữa, ông Lân khẳng định trong các hoạt động, từ phân bổ vaccine, được giám sát rất đầy đủ của các bên: Bộ Y tế, chính quyền các cấp. "Vấn đề chất lượng vaccine từ hướng dẫn, vận chuyển, bảo quản đến sử dụng đều rất bảo đảm sự an toàn để bà con yên tâm để đi tiêm. Đấy là trách nhiệm của ngành y tế, của chính quyền và bản thân người dân cũng giám sát để bảo đảm tốt nhất cho những người được tiêm phòng", ông Lân nói.
Về băn khoăn khi tiêm mũi 3, mũi 4 sẽ khiến tác dụng phụ mạnh hơn, GS Lân cho biết nghiên cứu của các nước phát triển cho thấy trong 4 mũi tiêm, tiêm mũi 3 và mũi 4 có ý nghĩa nhắc lại lần 1 và lần 2, nên phản ứng ở giữa mức của mũi 1, mũi 2.
Ví dụ như vaccine Pfizer thì tiêm mũi 2 phản ứng hơn mũi 1 còn mũi 3, mũi 4 ít phản ứng hơn mũi 2. Đó là những nghiên cứu bài bản và có công bố quốc tế thường xuyên, có kiểm tra giám sát.
"Không phải chỉ bây giờ mà kể cả những biến thể tương lai nếu có thì tiêm vaccine sẽ giúp giảm nhẹ rất nhiều", ông Lân khuyến cáo.
Cục trưởng Cục y tế dự phòng cho biết đến tháng 2, các mũi cơ bản gần như được phủ hết trên toàn quốc. Hiện nay đã là 4-6 tháng người dân được tiêm hết các mũi cơ bản, miễn dịch đã bắt đầu giảm.
Do đó, cần phải tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều để duy trì miễn dịch.
Vaccine an toàn với trẻ em
Về tình hình tiêm vaccine cho trẻ em, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển cho biết Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo cho nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi đi tiêm mũi 3 và nhóm trẻ từ 5 đến 11 tuổi đi tiêm mũi 1 và 2. Đây là một trong những yếu tổ cần thiết để tạo miễn dịch cộng đồng.
"Con tôi đã mắc rồi thì có nên đi tiêm hay không?" là thắc mắc được nhiều cha, mẹ đặt ra. Ông Điển giải thích biến thể trong giai đoạn trước khác với biến thể trong giai đoạn này, trẻ em hoàn toàn có thể mắc trở lại nếu không được bổ sung kháng thể.
Trước sự lo lắng của phụ huynh về tính an toàn của vaccine đối với trẻ em, đặc biệt là mũi nhắc lại, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định "vaccine an toàn".
“Chúng ta ưu tiên chế phẩm Pfizer dành cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi liều giống như người lớn, với trẻ từ 5 đến 10 tuổi chúng ta phải có chế phẩm riêng. Đây là những ưu tiên rất lớn của Chính phủ đối với trẻ em”, ông Điển nói.
Chuyên gia khẳng định việc tiêm vaccine cho trẻ em là an toàn. Ảnh: B.H. |
Trước lo ngại về những biến chủng mới đang xuất hiện, bà Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết nghiên cứu đến thời điểm hiện tại chỉ ra các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định mức độ độc lực của các biến chủng này có cao hơn hay không.
Bà Socorro Escalante cũng khẳng định vaccine hiện tại Việt Nam đang dùng có hiệu quả chống lại các biến chủng này.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thông tin thêm về việc biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 khoảng 10-13%. “Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5”, ông Lân cho hay.
Không thể dùng mệnh lệnh hành chính trong tiêm vaccine
"Việc tiêm vaccine là rất cần thiết, nhưng khi chúng ta đang "bình thường mới", việc này không thể dùng mệnh lệnh hành chính vì đó là quyền và trách nhiệm của mỗi người", theo TS Nguyễn Sĩ Dũng.
Cùng chia sẻ quan điểm về việc này, bà Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho rằng tiêm vaccine là trách nhiệm để bảo vệ bản thân, người khác và cộng đồng.
"Chúng ta muốn mở cửa càng sớm càng tốt, trẻ con được đến trường, mở cửa du lịch… thì phải sử dụng công cụ để bảo vệ bản thân, bảo vệ những người khác, đó là vaccine", bà nói.