Những ngày đầu năm, người dân phải đối mặt với nhiều thử thách khi vừa phòng chống dịch bệnh, vừa giải quyết tình trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đỉnh xâm nhập mặn có lúc ở mức 100-110 km sâu vào đất liền, có nơi lên đến 4 gram/lít. Vốn mưu sinh chủ yếu bằng nghề trồng lúa và cây ăn trái, “cú đánh” của thiên nhiên khiến sinh hoạt thường nhật của người dân nơi đây trở nên khó khăn, chi phí đầu tư canh tác nhiều nhưng kết quả thu lại không là bao.
Xâm nhập mặn khiến nhiều nông dân đồng bằng sông Cửu Long đối mặt khó khăn. Ảnh: Việt Tường. |
Trước thực trạng này, các giải pháp tổng thể nhanh chóng được triển khai. Nhà nước vận hành hợp lý và liên hoàn các công trình thủy lợi, thường xuyên theo dõi, thông báo kịp thời độ mặn. Nhà nông gia cố bờ bao, tích trữ nước đầu nguồn, chọn cây trồng chịu mặn cao… Tuy nhiên, thời gian để thấy được hiệu quả từ giải pháp tổng thể không phải ngày một ngày hai, người dân cần tìm cách khẩn cấp hơn để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Mặc dù vậy, nguồn thu không có, nước sinh hoạt còn bấp bênh từng ngày, nên nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long chẳng dám nghĩ đến việc đầu tư lớn. Nhiều người đỏ mắt đứng nhìn cây trồng khô héo, xác xơ, bao công sức dần đổ sông đổ biển. Ông Hồ Văn Khởi ngụ xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre là một trong số đó.
Ông Hồ Văn Khởi trước vườn trái cây tưới nước từ túi chứa được tặng. |
Cả gia đình ông Khởi trông chờ vào mảnh đất 6.000 m2 trồng tắc. Thế nhưng từ đầu năm nay, tình trạng xâm nhập mặn kéo dài khiến vườn đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới. Người đàn ông trạc 50 tuổi nhìn xa xăm nhớ lại những ngày khó khăn phải đối mặt.
Ngay sau đó, ánh mắt ông Khởi nhanh chóng ánh lên niềm vui, bởi gia đình vừa nhận túi trữ nước từ Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam và Lavifood. “Nhờ có túi trữ nước, tôi kết nối vào hệ thống tưới nhỏ giọt, vừa tiết kiệm vừa được liên tục”, ông Khởi hào hứng chia sẻ.
Túi chứa nước ngọt có dung tích 7 m3, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường được Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam và Lavifood trao tặng người dân 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. |
Không chỉ ông Khởi, người dân tại 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng được hỗ trợ từ Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam và Lavifood với 3.331 túi chứa nước ngọt. Như “nắng hạn gặp mưa rào”, những chiếc túi trở thành phao cứu sinh cho cuộc sống sinh hoạt cũng như diện tích cây trồng đang gồng mình gắng gượng chống lại hạn mặn khắc nghiệt.
Hồ hởi thử nghiệm túi trữ nước ngọt mới được lắp đặt trước căn nhà tranh tạm bợ, anh Nguyễn Văn Ẩn ngụ ấp Lao Dên, xã Viên Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng không giấu nổi niềm phấn khởi. "Những ngày qua, gia đình tôi rất khó khăn để tìm được nguồn nước sạch đủ dùng trong sinh hoạt mỗi ngày. Tất cả vật dụng được huy động để chứa nước như lu, thùng nhựa nhưng thể tích không lớn. Chiếc túi đựng nước ngọt này rất hữu ích, giúp gia đình tôi giảm nỗi lo thiếu nước sinh hoạt", anh Ẩn cho hay.
Anh Nguyễn Văn Ẩn thử nghiệm túi chứa nước vừa được hỗ trợ. |
Nhận hàng nghìn túi chứa nước ngọt giữa hạn mặn kéo dài, những người nông dân không ngừng cảm ơn Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam và Lavifood. Món quà không chỉ mang giá trị vật chất, mà còn thể hiện sự tương thân tương ái, đoàn kết, chia sẻ của doanh nghiệp với nông dân khó khăn.
Túi được làm bằng nhiều lớp PEPP theo tiêu chuẩn ASTM (American Society for Testing and Materials - Hiệp hội Vật liệu và Thử nghiệm Mỹ), phía trên bố trí đầu van để kết nối ống bơm nước, phía dưới đặt một van xả để dẫn nước ra. Sản phẩm có thể thích nghi với nhiều vị trí đặt khác nhau như mặt đất, ao hồ với độ bền 8-10 năm, thích nghi với môi trường, không chỉ giúp duy trì sản xuất, mà còn hỗ trợ người dân trong sinh hoạt hàng ngày.
Chia sẻ về hàng nghìn túi đựng nước ngọt dành tặng 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam và Lavifood cho biết luôn mong muốn tri ân người nông dân. “Dù gặp rất nhiều khó khăn trong điều kiện trồng trọt, người nông dân vẫn kiên trì bám trụ, linh động với nhiều giải pháp để canh tác trên mảnh đất của mình, góp phần cung cấp đa dạng nông sản cho thị trường”, ông Đinh Hùng Dũng - Phó tổng giám đốc, đại diện Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam và Lavifood - cho biết.
Bà Trương Huệ Vân - Chủ tịch Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam, trao tài trợ cho Hội Nông dân tỉnh Bến Tre. |
Dõi theo nông dân từ những hạn xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, ông Phan Văn Mãi - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre, hiểu rõ ý nghĩa của chiếc túi chứa nước ngọt do Lavifood trao tặng. Ông bộc bạch: “Trong bối cảnh hạn mặn, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Từ đầu mối doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh và người dân có thể nhận biết tín hiệu, nhu cầu thị trường để điều chỉnh sản xuất phù hợp, chú trọng giống cây có khả năng thích ứng với điều kiện hạn mặn. Đặc biệt, đóng góp của Lavifood rất thiết thực, trợ lực cho nông dân vượt qua đợt hạn mặn lần này”.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhận định: “Lavifood là đơn vị đồng hành thực hiện ý tưởng và tài trợ xuyên suốt dự án, hỗ trợ nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sản xuất. Trước mắt, việc tặng túi chứa nước giúp người dân vùng chịu ảnh hưởng hạn mặn giải quyết tạm thời khó khăn về nước tưới hoa màu và dùng sinh hoạt”.
Trong khuôn khổ dự án, Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam và Lavifood còn hỗ trợ người dân triển khai 50 ha mô hình trồng lúa tím kết hợp với nuôi cá hoặc tôm theo hướng hữu cơ tại Bến Tre (16 ha), Vĩnh Long (17 ha) và Sóc Trăng (17 ha). Nhà tài trợ cho biết tiếp tục phối hợp với các viện nghiên cứu, trường học, chuyên gia… đưa ra quy trình cụ thể để nông dân sản xuất lúa tím hiệu quả. Những giải pháp khẩn cấp kết hợp tổng thể, dài hạn này sẽ góp phần giúp nông dân đi qua giai đoạn khó khăn, ứng phó với diễn biến bất thường có thể xảy ra.
Bình luận