Người Dalit tại Ấn Độ đòi lại nhân phẩm từ việc đặt tên - Thế giới - ZNEWS.VN
Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Dalit tại Ấn Độ đòi lại nhân phẩm từ việc đặt tên

Ngày càng nhiều người Dalit chống lại việc sử dụng những cái tên xấu xí, mang tính xúc phạm đặt cho con mới ra đời của họ.

Theo truyền thống đã có hàng trăm năm ở các vùng nông thôn, mỗi khi đứa trẻ được sinh ra, gia đình sẽ tìm tới các đền thờ của đạo Hindu để xin tên đặt cho con họ.

Với người Dalit, tức thuộc tầng lớp thấp nhất trong xã hội, những cái tên thường mang tính xúc phạm, hay nhẹ nhàng hơn là mỉa mai hoặc hoàn toàn vô nghĩa. Việc đặt tên này giống như một hủ tục mà ngày càng nhiều người thuộc tầng lớp Dalit phản đối, theo South China Morning Post.

Harlal Bairwa là một người thuộc tầng lớp Dalit, người sáng lập phong trào Garima Bhawan. Tại các làng mạc, phong trào này xây dựng những căn phòng mà trên tường dán hàng trăm cái tên cùng ý nghĩa của chúng để các gia đình lựa chọn cho con mới sinh của họ.

Người Dalit vẫn bị phân biệt đối xử vì sự kỳ thị tầng lớp xã hội. Ảnh: SCMP.
nguoi dalit an do anh 1
nguoi dalit an do anh 1

Người Dalit vẫn bị phân biệt đối xử vì sự kỳ thị tầng lớp xã hội. Ảnh: SCMP.

Tại những khu vực nghèo, lạc hậu như Chittorgarh, việc vận động người dân dừng sử dụng những cái tên xấu xí, mang tính xúc phạm có xu hướng khó khăn hơn.

"Tại những bang kém phát triển, giáo dục và nhận thức của người dân ở mức thấp, các cha mẹ người Dalit hậm chí không nhận ra cái tên mang tính xúc phạm. Họ chỉ đơn giản là chấp nhận những cái tên được trao cho. Chúng ta phải làm họ hiểu trước tiên", ông Bairwa nói.

Bairwa cho biết ông phải làm các phụ huynh Dalit hiểu "Chúa" không ban cho họ những cái tên thông qua các thầy tu đạo Hindu - vốn là những người thuộc tầng lớp cao hơn trong xã hội.

Một khi các phụ huynh Dalit hiểu họ thực sự có thể thay đổi tên của con mình, họ được khuyến khích đến Garima Bhawan để được tư vấn về tên.

Họ tên có vai trò quan trọng, đôi khi là sức mạnh ở Ấn Độ. 90% những cái tên hé lộ tầng lớp xã hội, tôn giáo, thậm chí nơi sinh sống của người mang tên. Sự phân biệt đối xử dựa trên họ tên bắt đầu từ khi sinh ra, có thể gây ảnh hưởng tới cuộc đời của mỗi người.

Việc phân chia xã hội thành các giai cấp là một hủ tục phi pháp tại Ấn Độ. Tuy vậy, sự kỳ thị và định kiến xã hội với người Dalit vẫn tồn tại. Một số người Dalit tránh sử dụng họ, chỉ sử dụng tên riêng, tránh để người khác nhận ra tầng lớp của họ.

"Nếu cái tên của bản thân không có sự tôn trọng, cuộc đời sau này của họ còn có thể có gì tốt đẹp? Sẽ thật đau đớn khi trẻ con suốt đời bị gọi bằng những cái tên mang tính xúc phạm", ông Bairwa nói.

Tại các Garima Bhawan, mỗi khi một gia đình chọn tên mới cho con, ông Bairwa sẽ tổ chức một buổi lễ nhỏ với trà, bánh quy. Gia đình sẽ trao một món quà nhỏ, thường là tiền mặt, cho đứa trẻ. Đến nay, khoảng 200 trẻ em đã được đặt tên mới theo cách này.

Các chức sắc đạo Hindu đã bắt đầu phản ứng với hoạt động của Garima Bhawan.

"Họ đã giận dữ chất vấn chúng tôi có quyền gì mà tổ chức những nghi lễ như đặt tên, vốn do họ thâu tóm. Họ nói việc đặt tên dựa trên chiêm tinh và tài liệu tôn giáo", ông Bairwa cho biết.

Họ tên có tác động lớn tới mức năm 2021, Phòng Thương mại Dalit đề xuất che tên các ứng viên tham gia cuộc thi công chức hàng năm để bảo đảm tính công bằng, bảo vệ người Dalit khỏi sự kỳ thị giai cấp, đặc biệt trong vòng thi phỏng vấn.

Tại bang Maharashtra, chính quyền địa phương đã vận động suốt nhiều năm nhằm chống lại hủ tục đặt những cái tên mang tính xúc phạm cho trẻ em gái nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính. Cái tên được dùng phổ biến nhất là nakoshi, tức "không mong muốn".

Mục đích của cái tên "không mong muốn" là nếu cha mẹ của đứa trẻ thể hiện rõ họ không hài lòng với giới tính của con mình, tạo hóa có thể đáp ứng mong muốn của họ bằng một bé trai trong lần sinh con tiếp theo.

Bộ sách cung cấp cái nhìn toàn diện về Ấn Độ

Mục Thế giới giới thiệu bộ sách thuộc nhiều lĩnh vực giúp độc giả hiểu hơn về đất nước, văn hóa, xã hội, kinh tế, con người Ấn Độ.

Bộ sách gồm 8 cuốn, gồm cả sách dịch và sách được biên soạn như Ấn Độ: Đất nước - Xã hội - Văn hóa, Người Ấn Độ - Sự thật về lý do tại sao thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ Ấn Độ, Người Ấn Độ thích tranh luận… Bộ sách được ra mắt nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt - Ấn vào năm 2018.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.
Bài liên quan

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm