Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người CSGT lúc nào cũng kè kè lọ xịt hen

“Cách đây 5 tháng, do phải làm việc nhiều, hít bụi, khói xe liên tục nên khi đang làm nhiệm vụ trên đường Phạm Văn Đồng tôi bị lên cơn hen, không thở được, ngã vật xuống đường”, Đại úy Lành kể.

Người CSGT lúc nào cũng kè kè lọ xịt hen

“Cách đây 5 tháng, do phải làm việc nhiều, hít bụi, khói xe liên tục nên khi đang làm nhiệm vụ trên đường Phạm Văn Đồng tôi bị lên cơn hen, không thở được, ngã vật xuống đường”, Đại úy Lành kể.

Đi cấp cứu mới biết mắc bệnh hen

Bỏ vội chiếc mũ cảnh sát giao thông đang đội trên đầu, treo ngay ngắn lên mắc trên tường, tháo chiếc đai với đủ thứ công cụ hỗ trợ như súng, bộ đàm để lên bàn, hít một hơi thật sâu, Đại úy Nguyễn Văn Lành, Đội CSGT số 6, Công an Hà Nội, cười nói: "Anh vừa mới hết ca trực lúc 18h, chưa kịp về đội thì nhận được tin báo xảy ra vụ tai nạn giao thông lại phải đến giải quyết. Xong việc 19h mới về cơ quan, vẫn còn mệt, để anh nghỉ một chút rồi làm việc nhé".

Vừa nói Đại úy Lành vừa lấy lọ xịt hiệu Ventolin cho lên miệng hít sâu. Khoảng 3 phút sau, khi sức khỏe đã ổn định anh Lành mới chia sẻ về căn bệnh hen suyễn mà anh đã mắc phải do thời gian công tác suốt 32 năm trong ngành CSGT.

Đại úy Nguyễn Văn Lành, Đội CSGT số 6, Công an Hà Nội.

Sinh năm 1961, quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, học xong trường trung cấp cảnh sát, năm 1978 anh Lành bắt đầu nhận nhiệm vụ công tác trong ngành công an. Năm 1981 anh được phân công về làm việc tại Phòng cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội. Được lãnh đạo phòng phân công, điều chuyển công tác từ đội CSGT số 1, rồi đội 5 và mới đây anh được chuyển về công tác tại đội CSGT số 6.

Anh Lành cho biết, làm CSGT phải làm việc ngoài trời tiếp xúc trực tiếp với bụi, khói xe ô tô, xe máy, môi trường ô nhiễm nặng, thêm vào đó là thời tiết khắc nghiệt nắng nóng, mưa nhiều nên người CSGT rất dễ bị mắc bệnh do nghề nghiệp.

Trong suốt thời gian công tác, để tự đảm bảo cho sức khỏe của mình, anh thường tranh thủ những lúc nghỉ để đi tập thể dục thể thao. Đến khi có tuổi, áp lực chăm lo cho gia đình, công việc và đặc biệt là môi trường ngày càng ô nhiễm, các phương tiện giao thông ở Hà Nội quá nhiều nên anh bị mắc bệnh hen suyễn lúc nào cũng không hay.

“Sau 25 năm công tác trong ngành CSGT, đến năm 2006, trong lúc đang làm nhiệm vụ điều tiết giao thông trên đường Trần Nhật Duật thì tôi thấy người tự nhiên rất khó thở, kèm theo đó là ho thắt càng lúc càng nặng hơn. Thấy người tôi tím tái rồi không thở được nữa, đồng đội vội đưa tôi vào bệnh viện Xanh Pôn để cấp cứu. Khi vào viện các bác sĩ chẩn đoán tôi bị hen suyễn nặng và phải điều trị suốt 3 tháng tại đây”, Đại úy Lành nhớ lại.

Sống chung với bệnh

Trong thời gian điều trị tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết căn bệnh hen suyễn của anh Lành không thể chữa khỏi. Để duy trì bệnh tình không nặng hơn, ngày nào anh cũng phải uống thuốc và mang kè kè lọ thuốc xịt hen phòng khi cơn hen tới.

Tuy nhiên, cũng có lần do công việc bận rộn, phải trực thêm giờ, anh Lành quên cả uống thuốc nên anh bị lên cơn hen. Mỗi cơn hen như vậy là một lần tính mạng anh bị đe dọa.

“Lúc đó là gần vào dịp tết 2013, khi tôi đang trực ca tại đầu cầu Chương Dương thì thấy người rất khó thở, da tím tái, vội lấy bình xịt hen hít liên tục nhưng không đỡ. Thấy vậy đồng đội đưa tôi vào bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu và phải nằm tại đây hơn 1 tháng. Từ đó ngày nào tôi cũng phải uống thuốc”, anh Lành kể lại.

Anh Lành cho hay: “Hiện nay mỗi tháng tôi phải chi phí mất hơn 1 triệu tiền thuốc, các bác sĩ bảo tôi bị bệnh hen không chữa được nên đành phải sống chung với lũ vậy. Bây giờ bệnh tôi rất nhạy cảm với thời tiết, khói, bụi, chỉ cần thời tiết thay đổi là bệnh hen lại tái phát ngay”.

Từ khi anh bị mắc bệnh hen, lãnh đạo cơ quan cũng sắp xếp, bố trí công việc cho anh hợp lý hơn. Tuy nhiên do đặc trưng của ngành CSGT phải làm việc trực tiếp ở ngoài trời, hít thở bụi, khói nên bệnh tình cũng không thuyên giảm.

Căn bệnh hen cũng không cho phép anh Lành vận động nặng nên khi hết giờ làm trở về nhà anh cũng không thể giúp đỡ công việc nhà cho vợ con, bởi cơn hen lúc nào cũng trực chờ tái phát.

“Cùng cơ quan với tôi có Trung tá Nguyễn Thế Hưng cũng bị mắc bệnh hen nhưng anh Hưng bị nặng hơn. Sang năm 2014 là tôi và anh Hưng được nghỉ hưu rồi. Khi nghỉ tôi sẽ có nhiều thời gian rảnh rỗi, chịu khó tập thể dục để ổn định sức khỏe, cơn hen sẽ ít tái phát hơn”, anh Lành nói.

"Mỗi ngày CSGT phải làm việc 8 tiếng cho 1 ca trực, chia làm 2 kíp trực, mỗi kíp 4 tiếng, kíp 1 từ 6h - 10h và từ 14h – 18h, ca 2 từ 10h -14h và từ 18h – 22h. Thông thường mỗi 1 chốt trực có 2 người, chưa kể có việc đột xuất, hay những hôm có sự kiện lớn thì thời gian làm việc nhiều hơn.

CSGT là người làm việc ở ngoài trời, thời tiết khắc nghiệt, môi trường ô nhiễm, bụi khói, dầm mưa dãi nắng nên rất dễ mắc bệnh về đường hô hấp, thấp khớp do phải đứng ngoài trời nhiều giờ.

Ngoài việc phải làm việc vất vả, môi trường khắc nghiệt, mắc bệnh nghề nghiệp thì cán bộ, chiến sĩ CSGT cũng thường xuyên bị các đối tượng vi phạm giao thông đâm thẳng xe vào người, hành hung, nhiều người đã bị thương, thậm chí hy sinh trong khi làm nhiệm vụ".

Trung tá Nguyễn Chí Công, Đội trưởng Đội CSGT số 6, Công an Hà Nội.

Xuân Hải

Theo Infonet

 

 

Xuân Hải

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm