Từ khi hơn 30 tuổi đến nay, đã 22 năm anh tha phương nơi đất khách quê người để nhân lên những lượt khách bước vào những chiếc máy bay màu xanh mang biểu tượng bông sen vàng. Anh bảo nghề này nhìn ngoài làm cứ tưởng chơi, nhưng mà chơi đến đổ mồ hôi, sôi nước mắt...
Một mình...
Gặp anh Lê Dũng - Giám đốc văn phòng khu vực của Vietnam Airlines tại châu Âu kiêm trưởng văn phòng Pháp trong cơ quan đại diện của Vietnam Airlines trên đại lộ Cham Elyse - một trong những đại lộ trục trung tâm của thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp) - với tôi - một người Việt, là một niềm tự hào. Bởi ngay cả dân Pháp hay một nước nào đó mà có được văn phòng ở vị trí đắc địa nhìn thẳng Khải hoàn môn - niềm tự hào của Paris - cũng là đáng nể. Nói chuyện với anh, tôi lại thêm một lần thầm tự hào về người Việt mình, bởi chứng kiến hành trình gây dựng mạng đường bay nước ngoài của Vietnam airlines (VNA) từ những ngày trứng nước thật gian truân đến khó tưởng tượng nổi...
Ông Lê Dũng - người chuyên mở đường bay cho VNA. |
Đã bước vào tuổi 53 nhưng anh Dũng vẫn giữ được dáng vẻ thư sinh, giống thày hơn là một dân kinh doanh. Cảm nhận đầu tiên của tôi về anh đó là một người tư duy mạch lạc và có trí nhớ đáng nể. Câu chuyện ngược về hơn 22 năm trước, song nghe anh kể tôi có cảm giác vừa mới xảy ra đây thôi.
“Tôi vốn là dân ngoại thương, vào hàng không từ năm 1983. Lúc đầu học kiểm soát không lưu, đến khi VNA thành lập, tôi về Ban quan hệ quốc tế. Khi đó VNA mới có hai đường bay ngoại tới Băngkok (Thái Lan) và Kuala Lumpur (Malaysia) bằng máy bay TU và đang có kế hoạch mở rộng mạng đường bay nước ngoài đến Hồng Kông - TQ, Singapore, Đài Loan - TQ nên mở lớp đầu tiên đào tạo các đại diện trưởng. Tôi mới đang học gần xong đã bị kéo đi luôn để chuẩn bị mở đường bay Singapore... Bây giờ VNA có tới trăm máy bay đủ các loại hiện đại chứ khi đó VN đang bị cấm vận chỉ bay bằng TU. Rất may , một đối tác đã giúp mình thuê “ngầm” một chiếc Airbus A310 để chuẩn bị mở đường bay sang Singapore. Tuy nhiên, lúc đó VNA chưa bay thường xuyên Singapore mà mới bay các chuyến theo hợp đồng đơn lẻ, chủ yếu chở người thuộc diện HO, HCR. Nay định mở đường bay thường xuyên nên tôi được phân công chuẩn bị 'lót ổ' tại Singapore”.
“Những ngày đầu tha phương thật gian nan - khuôn mặt anh Dũng bỗng trầm tư - rất may khi đó anh Phạm Ngọc Minh - phó giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất (hiện là TGĐ của VNA) - đang học ở Singapore đã chỉ bảo mình rất tận tình từ việc gặp nhà chức trách hàng không chuẩn bị các thủ tục, gặp khách hàng, xây dựng đại lý, mạng bán vé, chuẩn bị khai thác tại sân bay Changi... Bây giờ nhớ lại ngày 22/11/1991 bắt đầu bước vào nghiệp “tha phương” trên đất Singapore ấy, mình cũng không hiểu sao khi đó “liều” thế. Chỉ có một mình lo tuốt tuồn tuột mọi việc trên trời, dưới đất. Có khi cả tuần không ngủ, vẫn không thấy mệt”. Tôi thắc mắc: “Sao anh nhớ thế, đã hơn 22 năm?”.
Anh Dũng cười thật hiền: “Sao không nhớ chứ, là lần đầu tiên đi mở đường bay ở xứ người mà. Cái gì đầu tiên cũng khiến người ta ghi tâm khắc cốt”. Rồi tháng 6/1992, đường bay sang Singapore được khai trương. Nhà chức trách Singapore tổ chức rất long trọng. Mặc dù trước đó 15 ngày Mỹ phát hiện và cấm đối tác này không được cho VNA thuê chiếc Airbus A310 nữa, song VNA vẫn quyết định bay đến Singapore như đã chuẩn bị bằng máy bay TU. Chuyến bay chậm một tiếng song vẫn là một thành công lớn của hàng không VN. Vì khi đó ngay cả sứ quán VN tại Singapore cũng chưa được mở”.
“Có một chi tiết rất vui là ngày đó mình liên tục đi làm bằng... máy bay theo danh sách tổ lái” - anh Dũng nheo mắt cười dí dỏm. Tôi ngạc nhiên “Thế là sao?”. “Vì không có visa nên mình không thể ở lại Singapore. Thế là cứ khi máy bay bay sang Singapore thì mình sang làm mọi việc từ bán vé, khai thác... rồi đến chuyến về thì lại lên máy bay về TPHCM. Một tuần bay 2-3 chuyến, mình cứ như con thoi đi đi, lại lại. Cũng may khi đó VNA đã xin được phép thuê chiếc Airbus A310 cho đường bay Singapore nên cũng đỡ vất hơn bay TU. Phải mất 6 tháng trời ròng rã đi làm bằng... máy bay như thế, rồi VNA mới cử người sang làm trưởng đại diện chính thức. Mình được bớt việc, không phải lo bán vé nữa, chỉ lo hàng hóa, sân bay và tài chính”.
Câu chuyện của anh Dũng khiến tôi bất ngờ bởi không thể tưởng tượng nổi một hãng hàng không tầm cỡ, chuyên nghiệp như VNA hiện nay đã được khởi đầu trong gian khó đến vậy. Và hình như càng gian khó, càng bật sáng bản lĩnh Việt kiên trì, bền bỉ mà anh Dũng là một minh chứng.
“Gieo” hồn Việt nơi đất khách
Hình như việc mở đường bay ở Singapore hiệu quả đã gắn anh với “nghiệp tha phương”. Cho đến nay đã 22 năm anh Dũng liên tiếp được cử đi các đường bay quan trọng của hãng đến Nhật, Đài Loan rồi sang đại diện tại Pháp và bây giờ mở rộng ra Châu Âu.” Vậy là anh liên tục tha phương suốt 22 năm?” - Tôi hỏi. Anh lặng im một lúc rồi nhỏ nhẹ: “Hình như đó là nghiệp của mình. Thấm thoắt thế mà cũng 22 năm”.
“Anh có buồn và nhớ quê hương? Có khi nào cảm thấy mệt mỏi vì những cuộc di cư liên tiếp?”. Có cảm giác như khuôn mặt anh chợt chùng xuống, đôi mắt xa xăm: “Thực ra mình rất mê nghề này. Không phải lúc trẻ mới tuổi đang xoan đâu, mà cho đến bây giờ đã hơn 50 tuổi rồi vẫn vậy. Tuy chỉ là một hãng hàng không, nhưng công việc của chúng mình là “gieo” hồn Việt, văn hóa Việt vào những con người, những vùng đất mới”. Thấy tôi nhau mày tỏ ra khó hiểu, anh giải thích: “Nếu nói đơn giản mình chỉ là anh bán vé máy bay. Nhưng thêm một người bay đến Việt Nam là thêm một lần khái niệm Việt Nam được lan tỏa, được gieo vào hiểu biết của mỗi người. Vì thế thành công của VNA chỉ là nhỏ, thành công của Việt Nam mới là lớn”.
“Khi đến Pháp làm trưởng đại diện năm 2006, mình đã luôn suy nghĩ làm sao kéo được các kiều bào VN về thăm đất nước, kéo được du khách Pháp đến Việt Nam. Có nhiều kiều bào hàng chục năm nhưng chưa một lần về lại quê hương. Đây chính là nguồn khách hàng tiềm năng ”.
Trăn trở ấy qua nỗ lực của anh Dũng và các cộng sự biến thành các sự kiện văn hóa Việt Nam được VNA thường xuyên tổ chức hằng năm tại Paris, thu hút hàng nghìn người tham dự, tạo dấu ấn sâu đậm. Nhiều Việt kiều rơi nước mắt khi những bài ca điệu nhạc gợi nhớ về một thời ký ức khi còn ở quê nhà. Nhiều du khách Pháp và châu Âu đã ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tự nhiên đầy cảnh sắc, tài năng độc đáo của con người và nét đặc sắc mới lạ của văn hóa Việt Nam. Có lẽ những phút khắc ghi đó đã là động lực đưa khách đến với Việt Nam ngày càng nhiều. Hiện hệ số sử dụng ghế trên đường bay Pháp đạt tới 86%, trong khi lúc anh Dũng mới sang là 74% và doanh thu hiện tăng gấp đôi. Đặc biệt VNA đã bay thẳng từ Paris đến Hà Nội và TPHCM hằng ngày, trở thành một đường bay thuận lợi, độc đáo nhất giữa Pháp và Việt Nam”.
Thế còn mặt trái của nghề? - Tôi hỏi, lôi anh ra khỏi niềm say sưa với công việc. Anh trầm ngâm: thực ra mình không thấy gian khổ khó khăn là mặt trái, mà chỉ nghĩ rằng để đạt được hiệu quả công việc phải trả giá bằng cố gắng, nỗ lực. Chỉ có điều mình mắc nợ vợ con. “Mắc nợ?” - “Là con gái mình cứ liên tục phải chuyển trường. Vài năm lại đến một đất nước khác, một ngôi trường khác và bạn bè khác. Vợ thì không thể đi làm vì liên tục thay đổi môi trường. Cô ấy khó tìm được việc phù hợp, nên nhiều khi cũng buồn nhớ quê hương trong khi mình đi suốt. Nhưng họ cũng đã cảm thông và tha thứ cho mình...”. Tôi thấy mắt anh lấp lánh niềm vui.
Từ số 0 đến số 1
Bây giờ VNA đã có tới 4 đường bay tới các vùng khác nhau của Nhật Bản và đường bay Nhật cũng là đường bay quy mô, hiệu quả số 1. nhưng cách đây 18 năm (tháng 10/1995) khi anh Dũng được VNA cử từ Singapore sang Nhật khai thác đường bay từ trứng nước, lúc đó hệ số sử dụng ghế trên tuyến Việt Nam - Nhật Bản chỉ đạt 35%.
Đấy là của các hãng Nhật, còn VNA khi đó chưa có đường bay. Khi đó Nhật vừa trải qua trận động đất Kobe, hầu hết đường cao tốc trên cao bị gãy nát, kinh tế suy giảm, hàng không rất vắng khách. Để đón đầu nền kinh tế Nhật phục hồi, VNA đã đưa ra quyết định táo bạo chuẩn bị mở đường bay đến Nhật. Lúc đó ít người tin sẽ thành công, vì ngay cả các hãng Nhật cũng khó khăn. Ban đầu mở văn phòng tại Nhật khó khăn đủ đường.
Các cơ chế tài chính đều mới mẻ, phải vừa làm vừa xây dựng. Người Nhật lại rất nguyên tắc, phải am hiểu và tuân thủ luật pháp Nhật. Thời gian đầu Nhật chỉ cho VNA bay Kansai. Thế là phải tìm cách mở hàng loạt chuyến charter đến các địa phương, khách Nhật mới bắt đầu biết đến VN. Sau 5 năm bền bỉ gây dựng thị trường, năm 2000 Nhật đã mở cửa cho VN. Lượng khách trên đường bay Nhật tăng mạnh.
Năm 2002 VNA được phép mở đường bay đến Tokyo và đạt tới gần 200.000 khách/năm. Tức là chỉ sau 7 năm, từ một đường bay hầu như thưa thớt khách, Việt Nam đã là điểm đến của hàng trăm nghìn du khách Nhật. Hiện nay Nhật đang là thị trường hàng đầu của VNA. Khách Nhật đến du lịch VN ngày càng tăng mạnh, đóng góp nguồn thu không nhỏ cho đất nước.