Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người chồng cần chủ động ‘phanh lại’ khi tranh cãi

Khi cuộc tranh cãi của đôi bên kịch liệt hơn, người vợ luôn ở trong tâm trạng kích động, lúc này quả thực cần sự khoan dung và lý trí của các ông chồng để khống chế cục diện.

Có một truyện cười thế này, khi tham gia hôn lễ của người khác, một bé trai đã hỏi bố mẹ mình: “Tại sao cô dâu, chú rể phải cúi chào?”. Cha cậu bé đáp: “Hai vận động viên đấm bốc khi bước vào trận thi đấu cũng như vậy”.

Giữa hai vợ chồng, đối lập và tranh cãi là việc khó tránh được, thi thoảng giận hờn nhỏ sẽ không ảnh hưởng tới tình cảm vợ chồng, chỉ coi như thay đổi không khí, một khi phạm vi mở rộng, thì sẽ dẫn tới phiền phức.

Cả vợ và chồng đều phải giữ cái đầu tỉnh táo, đặc biệt là chồng, bởi vì lý trí của chồng luôn mạnh mẽ hơn vợ. Trước khi “chiến hỏa” lan xa, người chồng phải kiềm chế cảm xúc của mình, kịp thời “phanh lại” khi tình hình xấu đi.

Một khi hai vợ chồng cãi nhau, người rút khỏi chiến trường trước không phải kẻ đào ngũ, mà là kẻ mạnh mẽ khôn ngoan. Lúc này người chồng nên mở rộng tấm lòng của mình, đừng tính toán so đo ai thắng ai thua, để câu cuối cùng trong cuộc tranh luận cho vợ.

Theo kinh nghiệm của nhiều ông chồng cho thấy, mỗi lần xảy ra xung đột, câu cuối cùng đều là vợ nói, nếu chồng lại nói thêm một câu sẽ nảy sinh cuộc tranh luận mới. Để bảo vệ gia đình “vững bền đoàn kết”, các ông chồng không thể không lấy đó làm bài học.

nguyen tac lam mot nguoi chong tot anh 1

Cả vợ và chồng đều phải giữ cái đầu tỉnh táo, đặc biệt là chồng, bởi lý trí của chồng luôn mạnh mẽ hơn vợ. Nguồn: songdep.

Khi cuộc tranh cãi của đôi bên kịch liệt hơn, người vợ luôn ở trong tâm trạng kích động, lúc này quả thực cần sự khoan dung và lý trí của các ông chồng để khống chế cục diện. Mắt thấy “chiến hỏa” sắp lan rộng, bạn có thể thử theo các cách dưới đây:

Đổi chủ đề. Giữa hai vợ chồng có lúc khó tránh được thốt ra những lời khiến đối phương không vui. Ví dụ chồng nói vợ thế này: “Em không quan tâm tới người khác”, vợ thì nói chồng: “Sao tay chân anh vụng về thế”, chồng lại nói: “Sao em không nghe lời anh, lúc nào cũng cho mình là đúng”…

Hai người sống với nhau quen rồi, không chừng việc nào đó khiến bạn thất vọng bạn liền thốt ra những lời nói tổn thương người khác. Hoặc là, một ngày nào đó tâm trạng bạn không vui, những lời nói ra cũng khó nghe, sau đó vợ bạn cũng đáp lại bạn bằng những lời như vậy, cuối cùng dẫn tới tranh cãi kịch liệt.

Cách tốt nhất để tránh xung đột là chuyển chủ đề. Có lúc, một bên thốt ra một câu nói làm tổn thương người kia, giống như ném một quả lựu đạn đi, nhưng nếu bạn mở rộng tấm lòng đón lấy câu nói đó, biến nó thành một câu nói khiến người khác vui vẻ, giống như lựu đạn bị bẻ đi kíp nổ không thể nào nổ được.

Trong Kinh Thánh chỉ ra: Câu trả lời ôn hòa có thể xua đi phẫn nộ!

Có một hôm, hai vợ chồng đi mua đồ, người chồng vốn muốn mua một chiếc cà vạt, vợ liên tục hỏi anh ta: “Cái này thế nào?”, “Cái kia thì sao?”. Anh chồng vẫn cứ lắc đầu liên tục. Cô vợ nóng quá liền hét lên với anh chồng: “Anh kén chọn thế”.

Nếu nói lúc đó anh chồng không tức giận chút nào thì là giả dối, nhưng anh không hề cãi lại cô mà bình thản nói một câu: “Nếu anh không kén chọn thì năm xưa anh đã không kết hôn với em rồi”.

Cô vợ nghe anh chồng nói vậy cũng không còn giận nữa, lại tiếp tục chọn cà vạt cho chồng.

Đưa ra lời cảnh cáo. Khi bạn cảm thấy mình giận dữ hoặc không vui, hãy nói ra sớm, đưa ra lời cảnh cáo sớm sẽ dễ dàng tránh được miệng đao lưỡi súng, nếu không một khi tranh cãi nổ ra thì rất khó để kết thúc.

Có lúc những lời của vợ khiến bạn giận dữ, anh một câu tôi một câu cứ tiếp tục như vậy sẽ nổ ra tranh cãi, lúc này thà rằng nói ra cảm xúc của mình, nói cho cô ấy biết: “Những lời này của em khiến anh tổn thương”, “Cứ tiếp tục thế này chúng ta sẽ cãi nhau đấy”, “Anh không biết tại sao nhưng những lời này của em khiến anh rất phiền, chúng ta nên bình tĩnh một chút, được không?”. Nói những lời này ra rất nhiều chuyện phiền phức sẽ bay biến đi.

Đặt ra khẩu lệnh. Mỗi cặp vợ chồng trong cuộc sống hàng ngày đều gặp phải cục diện đang nói chuyện tự dưng không thể tiếp tục được nữa. Con người về mặt cảm xúc đều có một vài chỗ nhạy cảm, khó mà giảng hòa được, giữa hai vợ chồng cũng gặp phải một số chuyện ngăn tình cảm phát triển.

Hai vợ chồng có thể đặt ra một “khẩu lệnh” trước đó, mỗi khi nói chuyện gặp trở ngại, nếu tiếp tục nói sẽ tổn thương tình cảm, hãy ra “khẩu lệnh” với đối phương. “Khẩu lệnh” kiểu này có thể hài hước, có thể hoài niệm, đôi bên đều lĩnh ngộ được ý nghĩa đặc biệt của nó là được.

Nghe thấy “khẩu lệnh” bạn sẽ lập tức nhớ tới tình cảm vợ chồng sâu đậm, sau đó điều chỉnh cảm xúc của bản thân, không thốt ra những lời tổn thương người khác. […]

Chekhov nói điều quan trọng nhất trong cuộc sống hôn nhân chính là nhẫn nại. Vợ có thể nhẫn nại mùi dầu mỡ nhiều năm và chuyện nội trợ vụn vặt, khi tâm trạng cô ấy không vui, muốn nổi cáu, người chồng nên nhẫn nại trước cơn nóng giận của cô ấy một chút.

Đối mặt với tranh cãi, người chồng nên thể hiện sự độ lượng của mình, nghĩ cách hóa giải mâu thuẫn, chứ không phải dùng những lời sắc bén kích động mâu thuẫn. Người chồng cần xử sự phù hợp với hoàn cảnh, không nhất định phải tranh cãi chuyện nhỏ kia là đúng hay sai.

Người Nhật Bản so sánh hôn nhân với nhu đạo, cách so sánh này rất hình tượng. Hôn nhân giống như nhu đạo, là môn nghệ thuật lấy lùi làm tiến, người chồng tốt phải nắm được bí quyết trong đó.

Khi vợ cảm thấy bạn thật sự nhượng bộ, cô ấy sẽ chủ động điều chỉnh cảm xúc của mình, một khi cô ấy kiểm soát được cảm xúc một cách thuần thục, không những có lợi cho cuộc sống của các bạn mà trong công việc và các lĩnh vực khác cũng có ích. Cứ như vậy, cơn giận ngầm sẽ giống như hoa tuyết mùa xuân, nhanh chóng tan chảy dưới ánh nắng ấm áp của sự khoan dung.

Trác Nhã / Quảng Văn Books & NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY