Sau khi khởi tố bị can Nguyễn Phương Hằng, Công an TP.HCM cho biết đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ vai trò của nhiều người khác liên quan đến các buổi livestreams của bà Hằng.
Trong số đó, công an sẽ xác minh làm rõ những cá nhân khác đã sử dụng mạng xã hội YouTube, Facebook, TikTok để chia sẻ loạt video livestream của bà Hằng, qua đó lan truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.
Chia sẻ với Zing, bà Đỗ Trần Mai Anh, nguyên kiểm sát viên Viện KSND Hà Nội, đánh giá động thái trên là hoàn toàn có căn cứ. Theo vị chuyên gia, trước hết cần phải thấy rằng nhiều tài khoản mạng xã hội chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật khi chia sẻ các video livestream nội dung xuyên tạc đời tư của nhiều cá nhân do bà Hằng phát ngôn.
Bên cạnh đó, hành động chia sẻ video còn được thể hiện như một phong trào trên mạng xã hội, hoặc cũng có thể vì mục đích "câu view" hay thậm chí do tính tò mò của các chủ tài khoản mạng xã hội muốn được nhiều người biết đến.
Bà Nguyễn Phương Hằng bị tạm giam 3 tháng. Ảnh: Công an cung cấp. |
Theo nguyên kiểm sát viên, quá trình điều mở rộng đối với các tài khoản YouTube, Facebook, TikToksẽ có 2 trường hợp xảy ra.
Thứ nhất, khi cơ quan chức năng có đủ căn cứ pháp lý cho thấy những người chia sẻ video của bà Phương Hằng mà có sự thông đồng, hưởng lợi từ bị can hoặc ai đó, thì họ sẽ bị xem xét xử lý với vai trò đồng phạm của bà Hằng.
"Tuy nhiên, cơ quan tố tụng cần làm rõ mục đích, động cơ của người chia sẻ clip hoặc chứng minh được họ làm việc này là do ai đó tác động rồi trả tiền", bà Mai Anh nhìn nhận.
Thứ 2, nếu người dùng mạng xã hội thấy các video livestream của bà Phương Hằng chứa nhiều nội dung gây tò mò, có thể giúp tài khoản của họ "tăng view" thì các chủ tài khoản sẽ chia sẻ. Khi đó, cơ quan chức năng khó xử lý các trường hợp này vì họ không phải đồng phạm với bà Hằng.
Công an thu giữ nhiều tài liệu liên quan bà Hằng. Ảnh: Thanh Phúc. |
Còn theo trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an), thời gian quan, việc bà Nguyễn Phương Hằng tố đích danh sai phạm của một số cá nhân gây hiệu ứng xã hội mạnh mẽ trên truyền thông phi chính thống. Điều này khiến dư luận xã hội dậy sóng, còn cơ quan chức năng ở nhiều tỉnh, thành phố đã phải mất nhiều công sức vào cuộc điều tra xác minh.
Ông Hiếu đánh giá thời gian đầu, nhiều người cảm thấy lôi cuốn và thích thú với thông tin độc lạ mà bà Hằng đưa ra, vì được thỏa mãn sự tò mò. Hơn nữa, góc nhìn của người phát ngôn tạo cảm giác đứng từ lợi ích của nhiều người dân.
Tuy nhiên càng về sau, với sự lan truyền của các video, bà Hằng dường như bị ảo giác bởi những tung hô của cộng đồng mạng. Từ đó, người phụ nữ này dùng ngôn từ không phù hợp, làm người bị công kích cảm thấy tổn thương.
Không dừng lại trước các cảnh báo, bà Hằng tiếp tục đẩy câu chuyện đi quá xa, với những cáo buộc khá cụ thể, mang màu sắc đấu tố cá nhân.
"Đánh giá tội danh mà bà Hằng bị khởi tố, tôi thấy có sự thỏa đáng. Đồng thời nhận định câu chuyện có thể không dừng lại với tội danh này nếu kết quả điều tra xác định đương sự có thêm các sai phạm khác đến mức phải xử lý hình sự", trung tá Đào Trung Hiếu phân tích.
Theo Công an TP.HCM, sau khi nhận được tố giác tội phạm của bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh) cho rằng bà Phương Hằng có hành vi sử dụng mạng xã hội đăng tin bịa đặt, sai sự thật nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự của nhiều cá nhân, ca sĩ, nghệ sĩ trong nước, trong đó có ca sĩ Vy Oanh, cơ quan điều tra quyết định phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Ngày 24/3, công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Phương Hằng về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ luật Hình sự.