Tôi kết hôn với chồng gần 30 năm và có chung 2 con gái. Mới đây, tôi phát hiện chồng ngoại tình. Tôi đã cảnh báo nhiều lần nhưng anh ta không thay đổi. Việc này khiến tôi chán nản và muốn ly hôn.
Trong trường hợp ly hôn, tôi có được ưu tiên giành quyền nuôi con không?
Độc giả H.V. (55 tuổi, ở Hà Nội).
Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa
Khoản 2, Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định khi ly hôn, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi cũng như nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Trường hợp không thỏa thuận được, tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi, căn cứ quyền lợi về mọi mặt của con. Nếu con từ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Từ quy định này, khi xét xử, tòa án sẽ ưu tiên sự thỏa thuận của vợ chồng trong việc trực tiếp nuôi con. Trường hợp không thể thỏa thuận, tòa án căn cứ điều kiện về vật chất (thu nhập thực tế, công việc, chỗ ở ổn định); tinh thần (thời gian có thể chăm sóc, giáo dục con; tình cảm dành cho con, nhân cách đạo đức) để đưa ra phán quyết về quyền nuôi con.
Nếu con dưới 36 tháng tuổi thì sẽ giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện nuôi dưỡng hoặc có thỏa thuận khác.
Từ những quy định này, có thể thấy việc phán quyết của tòa án sẽ dựa trên quyền lợi về mọi mặt của con. Việc người chồng ngoại tình không đương nhiên dẫn tới hậu quả bị mất quyền nuôi con dành cho người này nhưng đây sẽ là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới phán quyết của tòa án. Hành vi ngoại tình đã vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình nên sẽ là yếu tố lỗi để tòa án xem xét về điều kiện tinh thần của cha mẹ dành cho con.