"Xét theo giá trên từng mét vuông, đất cho người chết an nghỉ còn đắt hơn nhà cho người sống", Guardian dẫn lời Kwok Hoi Pong, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp An táng Hong Kong. "Những ô đặt bình tro với vị trí đẹp nhất tại một nghĩa trang tư nhân có thể lên đến 1,8 triệu HKD (230.000 USD). Đó là hiện tượng ở Hong Kong".
Trong khi đó, giá một ô đất để chôn cất dao động từ 390.000 đến 637.000 USD. Thế nhưng, tại những nghĩa trang đông cứng của thành phố này, người ta hiếm khi tìm được một ô đất trống. Đất ở đây khan hiếm đến độ 98% trong số 48.000 người chết mỗi năm tại Hong Kong được hỏa táng và giờ thì việc tìm chỗ đặt bình tro cũng trở nên khó khăn.
Guardian cho biết một hốc tường đặt bình tro cốt ở nghĩa trang công có giá từ 356 USD, nhưng các gia đình sẽ phải đợi hơn 4 năm để người thân họ có nơi an nghỉ cuối cùng. Những người không thể đợi sẽ phải trả một số tiền đáng kể cho các vị trí bên trong nghĩa trang tư nhân, dù đó chỉ là một hốc tường lớn bằng hộp đựng giày. Trong khi giá bán căn hộ đắt nhất Hong Kong ở mức 247.000 USD/m2, đất cho người chết tại thành phố này đã đắt đỏ hơn cả đất sống.
Một nghĩa trang nằm trên sườn núi của Hong Kong, sau lưng là các tòa nhà chọc trời. Ảnh: Reuters. |
Đến chết vẫn "ở tạm"
Khi mẹ của Cecilia Chan qua đời vào tháng 11/2018, bà hỏa táng và rải tro mẹ mình trong một khu vườn, nghi thức được gọi là "an táng xanh". Chan, giáo sư ngành công tác xã hội tại Đại học Hong Kong, nói rằng đó là một lựa chọn "thực dụng tại một nơi đắt đỏ và đông đúc". Tuy nhiên, đó không phải một lựa chọn mà đa số người Hong Kong ưa thích.
"Theo đúng truyền thống, chúng tôi muốn giữ gìn hài cốt của tổ tiên mình trong một nghĩa trang", ông Kwok nói. "Một nơi có thật để chúng tôi có thể viếng thăm, cúng bái và thờ phụng. Chúng tôi rất tôn trọng truyền thống".
Chính quyền Hong Kong lo lắng rằng các chủ nghĩa trang tư nhân đang trục lợi từ mong ước của các gia đình phải tìm chỗ an nghỉ cho người thân họ bằng mọi giá. Năm 2017, Chỉ thị về Nghĩa trang Tư nhân được ban hành, buộc các chủ nghĩa trang phải xin lại giấy phép vận hành và đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Cho đến nay, những giấy phép này vẫn chưa được thông qua trong khi những người chỉ trích lo rằng chỉ thị không giúp làm giảm giá đất.
"Nếu chỉ một số ít nghĩa trang tư nhân đáp ứng được yêu cầu để có lại giấy phép, tôi tin giá của các hốc tường sẽ tăng lên nữa vì đây là một thị trường tự do. Chúng tôi ước tính giá sẽ tăng lên khoảng 30%", ông Kwok nói.
Betsy Ma, giám đốc kinh doanh tại Dịch vụ Tang lễ Sage, ước tính rằng khoảng 200.000 bình tro cốt tại Hong Kong vẫn đang chờ một hốc tường để nằm lại. Nhiều bình hiện được đặt tạm ở các nhà tang lễ với mức phí 38 - 100 USD.
Những hốc tường dùng để đặt bình tro cốt tại Hong Kong với hoa và đồ cúng được thân nhân mang đến vào lễ Thanh Minh. Ảnh: AFP. |
Phép vua thua lệ làng
Những kiến trúc sư của Hong Kong đã lao vào tìm giải pháp. Năm 2012, hãng tư vấn thiết kế Bread Studio đề xuất biến một đường hầm xuyên biển trở thành nghĩa trang dưới nước tên là Floating Eternity với không gian đủ cho 370.000 bình tro cốt. Tuy nhiên, trong tuần này, các kiến trúc sư nói rằng việc nghiên cứu tính khả thi đang diễn ra chậm chạp, họ phải chờ quyết định từ khách hàng và các nhà tư vấn khác.
Một đề xuất tương tự vào năm 2016 kêu gọi các nhà đầu tư biến một du thuyền thành một nghĩa trang nổi với nhà hàng, khách sạn và không gian cho 48.000 bình tro cốt.
Trong khi đó, Sở Vệ sinh Thực phẩm và Môi trường Hong Kong đã dành một thập kỷ qua để khuyến khích người dân "an táng xanh" cho thân nhân họ. Sở tiến hành các chiến dịch định kỳ, xây dựng một trang web tuyên truyền cho việc này.
Tuy nhiên, nỗ lực này không dễ dàng vì việc rải tro cốt trong những khu vườn tưởng nhớ hoặc xuống biển là đi ngược lại truyền thống của người Hong Kong. Năm 2018, có 7.046 người chết được "an táng xanh", chỉ chiếm 15% tổng số người chết trong năm.
Một số người tin rằng chính quyền nên khuyến khích người dân giữ lại bình tro cốt trong nhà, nhưng đến việc này cũng đi ngược lại truyền thống. Một số cư dân không thoải mái với việc này bởi họ tin rằng người sống và chết nên ở cách xa nhau, tránh việc thu hút các vong hồn.
Trong khi đó, những người muốn một chỗ trong các nghĩa trang công vẫn tiếp tục cuộc đợi chờ của họ, khi không có nghĩa trang mới nào khả dĩ trong thành phố.
"Chuyện đó khiến tôi phát điên lên được", Guardian dẫn lời Stephanie Fung, 51 tuổi, một nhân viên văn phòng có cha qua đời 2 năm trước. "Bố tôi không muốn tro cốt ông bị rải khắp nơi. Chúng tôi đã giữ ông tại nhà tang lễ trong hơn một năm - tôi không thích cảm giác (bố mình) bị ngục tù. Như thế là bất kính với ông. Tôi sẽ không được thanh thản cho đến khi ông ấy có một chỗ trong nghĩa trang".
Truyền thống của người Hoa ngăn cản nhiều người lựa chọn những cách an táng "bền vững" như rải tro hoặc mang bình tro về nhà. Ảnh: AFP. |
Vượt biên để an táng thân nhân
Những người thiếu kiên nhẫn thậm chí đã băng biên giới sang tỉnh Quảng Đông thuộc Trung Quốc đại lục. Tại đây, giá đất chôn cất đã tăng lên gấp 10 lần trong 10 năm qua, đạt mức 29.000 USD/phần đất, trong khi giá một hốc tường để đặt tro cốt giá bằng khoảng một nửa con số này. Tại một nghĩa trang ở Macau, nơi cách Hong Kong một giờ đi phà, một ô đất chôn cất giá khoảng 127.000 USD.
Chính quyền Hong Kong đang xây dựng 3 nghĩa trang công với sức chứa khoảng 208.000 bình tro cốt và dự kiến hoàn thành trong năm nay. Các ô đặt bình sẽ được chia cho người có nhu cầu thông qua máy tính lựa chọn ngẫu nhiên - một hệ thống mà nhiều người thấy bất công. Tuy nhiên, trong dài hạn, việc cung cấp thêm chỗ an táng là không bền vững.
"Các lựa chọn còn lại chỉ là an táng xanh và để tro cốt ở nhà", ông Kwok nói. "Người ta sẽ không còn lựa chọn nữa. Rất nhanh nữa thôi Hong Kong sẽ hết chỗ, dù là chỗ cho người chết".