Ở Almaty - thành phố lớn nhất quốc gia Kazakhstan - một số xác chết nằm trên đường phố, trong lúc tiếng súng nổ liên tiếp được nghe thấy, CNN dẫn lời của một nhà báo trong khu vực.
Hôm 7/1, Tổng thống Tokayev đã trao quyền cho lực lượng thực thi pháp luật nổ súng “không báo trước" để dập tắt các cuộc biểu tình bạo lực đang làm tê liệt nước này.
Ông tuyên bố tình trạng bất ổn hiện nay do "những kẻ khủng bố" được đào tạo bài bản trong và ngoài nước đứng đằng sau, theo AFP.
Cùng ngày, truyền thông nhà nước Kazakhstan đưa tin 18 nhân viên an ninh và 26 "tội phạm có vũ trang" đã bị giết trong các cuộc biểu tình bạo lực. Trong khi đó, Bộ Nội vụ Kazakhstan cho hay hơn 3.800 người đã bị giam giữ tính đến nay.
Kazakhstan đang đối mặt cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1991. Trong những ngày qua, các cuộc biểu tình phản đối tình trạng giá nhiên liệu tăng cao đã leo thang thành bạo lực.
Kazakhstan đang đối mặt cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập. Ảnh: Reuters. |
"Không nói chuyện với khủng bố"
Trong bài phát biểu toàn quốc được phát trên truyền hình, ông Tokayev cho biết tình hình đã "ổn định" ở Almaty và "việc thiết lập tình trạng khẩn cấp đang mang lại kết quả".
“Tuy nhiên, những kẻ khủng bố vẫn đang tiếp tục gây thiệt hại cho nhà nước và sử dụng vũ khí chống lại công dân Kazakhstan. Tôi đã ra lệnh cho lực lượng an ninh và quân đội nổ súng tiêu diệt chúng mà không cần báo trước”, ông Tokayev nói.
“Một số kẻ khủng bố quyết không hạ vũ khí. Chúng đang tiếp tục phạm tội hoặc chuẩn bị cho điều đó. Chúng ta phải theo đuổi cuộc chiến này đến cùng. Kẻ nào không đầu hàng sẽ bị tiêu diệt”, tổng thống Kazakhstan cảnh báo.
Ông Tokayev cho hay ít nhất 20.000 tay súng đã tham gia vào "6 đợt tấn công" ở Almaty trong tuần này.
Theo ông Tokayev, tình hình hỗn loạn ở Kazakhstan hiện nay là “sản phẩm” của những phần tử khủng bố được tổ chức, trang bị tốt. Những kẻ này “rất khéo léo trong việc đưa thông tin sai lệch” và “có khả năng tác động đến tư tưởng của nhiều người”.
"Các cuộc bạo loạn đang cho thấy sự hiện diện của một kế hoạch rõ ràng nhằm tấn công vào các cơ sở quân sự, hành chính và xã hội”, ông Tokayev nói.
Ông cho biết thêm những lời kêu gọi từ nước ngoài để tìm một giải pháp hòa bình là "vô nghĩa".
“Chúng ta có thể đàm phán như thế nào với tội phạm và những kẻ giết người?”, ông cho hay. "Không nói chuyên với bọn khủng bố, chúng cần bị tiêu diệt".
Quân đội chặn một con phố trong cuộc biểu tình do tăng giá nhiên liệu ở Almaty. Ảnh: Reuters. |
"Chúng tôi không phải khủng bố"
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông quốc tế, một số người biểu tình đã bác bỏ điều này.
"Chúng tôi không phải là côn đồ hay khủng bố", một phụ nữ nói. "Điều duy nhất phát triển ở quốc gia là nạn tham nhũng".
"Chính phủ giàu có, nhưng phần lớn người dân lại đang rơi vào cảnh mắc nợ", một người đàn ông khác nói với CNN. Ông nhấn mạnh người dân "muốn sự thật".
Kazakhstan, quốc gia lớn thứ 9 thế giới tính theo diện tích đất liền và là nền kinh tế lớn nhất Trung Á, thường tự hào về sự ổn định chính trị trong một khu vực có nhiều xung đột. Các cuộc biểu tình là thách thức lớn nhất mà Kazakhstan phải đối mặt kể từ khi tuyên bố độc lập cách đây hơn 30 năm.
Sự tức giận ban đầu của công chúng về việc chính phủ tăng giá nhiên liệu đã mở rộng thành sự bất bình trước nạn tham nhũng, tình trạng, nghèo đói và thất nghiệp ở quốc gia giàu dầu mỏ. Tất cả đều trở nên trầm trọng hơn bởi đại dịch Covid-19.
Khi các cuộc biểu tình gia tăng, truyền thông địa phương đưa tin, nhiều người đã xông vào sân bay, phá phách các tòa nhà chính phủ và phóng hỏa trụ sở chính của thành phố.
Những người biểu tình có vũ trang đã đối đầu với các lực lượng chính phủ tại thành phố Almaty. Xe cộ bốc cháy ngổn ngang trên đường phố Almaty, một số tòa nhà chính phủ đổ nát và vỏ đạn ngổn ngang trong khuôn viên dinh thự của tổng thống, nơi bị người biểu tình tấn công và cướp phá ngày 5/1.
Hàng chục người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các cuộc đụng độ diễn ra chỉ 4 ngày sau khi phong trào biểu tình bắt đầu ở Zhanaozen.
Các nhà chức trách đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc với lệnh giới nghiêm và hạn chế di chuyển cho đến ngày 19/1, theo truyền thông địa phương.
Trong khi đó, sân bay quốc tế Almaty sẽ đóng cửa cho đến ngày 9/1, Bộ Công nghiệp và Phát triển cơ sở hạ tầng Kazakhstan cho biết. Theo đài truyền hình Khabar 24, cho đến nay, hơn 20 chuyến bay quốc tế đã bị hủy. Internet và hệ thống thông tin liên lạc ở thủ đô Nur-Sultan cùng Almaty cũng bị hạn chế.
Phản ứng quốc tế
Trong bối cảnh đó, ông Tokayev đã yêu cầu sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Đây là liên minh quân sự do Nga dẫn đầu, gồm Kazakhstan, Belarus, Armenia, Kyrgyzstan và Tajikistan.
Tổng thư ký của CSTO, Stanislav Zas, nói với hãng thông tấn Sputnik rằng khoảng 3.600 binh lính sẽ được triển khai tới Kazakhstan để bảo vệ chính phủ và các cơ sở chiến lược, đồng thời giúp duy trì trật tự công cộng.
Hãng thông tấn TASS hôm 7/1 đưa tin một lữ đoàn lính dù Nga đã đến Kazakhstan.
Ông Tokayev sau đó đã bày tỏ "lòng biết ơn đặc biệt" đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin vì "phản ứng nồng nhiệt trước lời kêu gọi".
Nhà lãnh đạo Kazakhstan cũng cảm ơn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chủ tịch các nước thành viên CSTO, và "các tổ chức quốc tế khác đã dành những lời ủng hộ".
Quân đội tại quảng trường chính, nơi hàng trăm người biểu tình chống lại chính phủ ở Almaty, Kazakhstan. Ảnh: Reuters. |
Guardian lưu ý bình ổn trở lại rõ ràng ở Kazakhstan diễn ra một ngày sau khi Nga cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến nước này để bảo vệ cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ vẫn "rất lo ngại về tình trạng khẩn cấp đang diễn ra" ở Kazakhstan. Nước này cũng đặt câu hỏi về tính hợp pháp của việc Nga đưa liên quân CSTO sang Kazakhstan và cho biết đang theo dõi chặt chẽ hành động của liên quân tại nước này.
"Bài học của lịch sử gần đây cho thấy một khi người Nga ở trong nhà bạn, đôi khi rất khó để mời họ rời đi", ông Blinken nhấn mạnh.