Không gian chôn người chết ở Sydney, thành phố với 5 triệu dân, ngày càng thu hẹp trong khi dân số vẫn không ngừng gia tăng. Theo ước tính, với xu hướng già hóa dân số, các nghĩa trang lớn của Sydney sẽ không còn chỗ trống trong vòng 30 năm tới.
Ở vùng ngoại ô Matraville, người dân dự định xây nghĩa trang dưới lòng đất giống như những hầm mộ cổ đại ở Rome. Nghĩa trang này sẽ cung cấp 7.000 chỗ chôn cất theo nhiều tầng, sâu gần 2 m.
Graham Boyd, người đứng đầu một nghĩa trang phía nam thành phố, cho hay việc xây hầm mộ có thể được thực hiện trong 5 năm tới với chi phí là 10,5 triệu USD, nhưng trước hết cần sự nhận được sự chấp thuận từ phía hội đồng thành phố.
“Chúng tôi đang hết dần không gian chôn cất và cần tìm ra các giải pháp mới. Tất cả các nghĩa trang lớn ở Sydney đều đã tồn tại khoảng 3 thập kỷ”, Sunday Times dẫn lời ông Boyd nói.
Diện tích đất thu hẹp, dân số già hóa có thể khiến các nghĩa trang lớn ở Sydney, Australia chật kín chỗ chôn cất trong 30 năm tới. Ảnh: Straitstimes. |
Matraville dự kiến lấp đầy khoảng trống giữa các ngôi mộ bằng bình đựng hài cốt. Nếu có nguyện vọng, các gia đình có thể chuyển các di hài vào trong bình.
Theo Trung tâm dự báo tương lai Pardee thuộc Đại học Denver, số người chết mỗi năm tại Australia được dự báo là sẽ tăng gấp đôi từ 150.000 đến 300.000 người vào năm 2051. Năm 2015, cứ 1.000 người lại có khoảng 6 người chết. Con số này dự kiến sẽ tăng lên mức 7 người vào năm 2030.
Nghĩa trang Rookwood, cách Matraville 20 km, cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự. Nghĩa trang 150 tuổi với sức chứa hiện tại lên đến hơn một triệu người này sẽ không còn chỗ trống trong 30 năm tới. Ban quản lý nghĩa trang đang tìm cách tăng tốc độ phân hủy thi thể và giải phóng không gian chôn cất. Thử nghiệm ban đầu sẽ được tiến hành với 120 xác lợn.
Ông George Simpson, người đứng nghĩa trang Rookwood, cho rằng thí nghiệm với xác lợn và các chất phụ gia hỗ trợ quá trình phân hủy có thể gây tranh cãi. Tuy nhiên, theo ông, nhiều người từng phản đối việc hỏa táng vào những năm 1950, 1960 nhưng sau đó cũng lắng dần.
“Đây sẽ là một bước ngoặt thực sự (với cả thế giới) nếu chúng ta làm đúng cách”, ông nói với The Sun Herald.
Phần lớn người Australia chọn cách hỏa táng, khoảng 30% người chết được chôn cất. Năm 2013, chính quyền bang New South Wales từng đưa ra điều luật cho phép “tái sử dụng” những ngôi mộ khiến nhiều không đồng tình và nổ ra tranh cãi.
Người dân có thể làm hợp đồng thuê các khu đất để mai táng người đã khuất trong vòng 25 đến 99 năm. Nếu không gia hạn hợp đồng, địa điểm này có thể bị người khác thuê lại, hài cốt được tái chôn cất hoặc đựng trong các bình chứa.
Ở Sydney, nơi an nghỉ của người đã khuất sẽ chỉ là tạm thời chứ không còn vĩnh hằng như trước.