Hồi đầu năm, các nhà chức trách châu Âu hy vọng có thể ngăn chặn số ca nhiễm Covid-19 gia tăng. Tuy nhiên cho đến nay, số ca nhiễm mới hàng ngày ở các nước này vẫn không có dấu hiệu suy giảm.
Tuần trước, Tây Ban Nha ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Madrid. Căng thẳng giữa chính quyền địa phương và chính phủ trung ương đang leo thang do bất đồng về các biện pháp ngăn chặn Covid-19 lây lan.
Tây Ban Nha hiện đứng thứ 7 trong số các quốc gia có ca mắc Covid-19 nhiều nhất thế giới, với 888.986 người nhiễm và 33.124 trường hợp tử vong. Đứng thứ 10 trong danh sách này là Pháp 776.097 ca bệnh và 32.703 người tử vong tính đến ngày 13/10, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.
Số ca Covid-19 tại Italy tính đến ngày 13/10 là 359.569, tại Đức là 331.123. Trong khi đó, Anh ghi nhận số trường hợp mắc Covid-19 gần gấp đôi Đức, 620.458. Số ca tử vong vì đại dịch ở Anh là 42.965, còn cao hơn cả Tây Ban Nha và Pháp - hai nước thuộc top 10 quốc gia có nhiều ca bệnh nhất thế giới.
Đức cũng đã huy động quân đội truy dấu các trường hợp nghi nhiễm tại các ổ dịch. Trong khi đó, Italy bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Chính quyền nước này cũng cảnh báo hệ thống y tế đang phải đối mặt với "những vấn đề nghiêm trọng" khi các bệnh viện bị quá tải.
Tại Cộng hòa Czech, tỷ lệ nhiễm Covid-19 trên đầu người đang ở mức cao nhất châu Âu, vào khoảng 398/100.000 cư dân, theo AP.
"Tôi phải nói rõ rằng tình hình hiện nay không ổn", Bộ trưởng Nội vụ Czech, Jan Hamacek, thừa nhận hồi tuần trước.
Nhóm bác sĩ điều trị cho một bệnh nhân Covid-19 ở Mandrid, Tây Ban Nha, ngày 9/10. Ảnh: AP. |
Châu Âu vẫn "chạy theo sau" đại dịch
Các chuyên gia dịch tễ và người dân châu Âu chỉ trích các chính phủ vì không tận dụng được khoảng thời gian dịch bệnh tạm lắng vào mùa hè để chuẩn bị ứng phó với làn sóng Covid-19 tiếp theo. Hiện các nước này vẫn thiếu cơ sở vật chất cho việc xét nghiệm và nhân viên y tế làm việc trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).
Trong tuần vừa qua, ở Rome, Italy, người dân phải xếp hàng đợi từ 8-10 tiếng để được xét nghiệm. Các bác sĩ tuyến đầu từ Kyiv (Ukraine) đến Paris (Pháp) một lần nữa rơi vào cảnh phải làm việc liên tục trong thời gian dài.
Margarita del Val, chuyên gia miễn dịch học virus của Trung tâm Sinh học Phân tử Severo Ochoa (Tây Ban Nha), than thở: "Đã đến lúc đầu tư vào việc phòng ngừa Covid-19 lây lan, nhưng hiện nay các biện pháp đó vẫn chưa được thực hiện. Chúng ta đang hứng chịu làn sóng Covid-19 mùa thu trong khi vẫn chưa giải quyết được hậu quả của làn sóng đại dịch từ mùa hè".
Số ca bệnh mới trong 24 giờ ở một số quốc gia châu Âu như Bỉ, Hà Lan, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha và Pháp đang vượt Mỹ, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins. Hôm 9/10, Pháp ghi nhận kỷ lục 20.300 ca nhiễm mới.
Các chuyên gia cho biết tỷ lệ lây nhiễm cao là do tăng cường xét nghiệm. Nhiều trường hợp cho kết quả dương tính nhưng không biểu hiện triệu chứng.
Một quán bar ở Cộng hòa Czech bị đóng cửa vì Covid-19. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, xu hướng này vẫn đáng báo động, vì mùa cúm thậm chí còn chưa bắt đầu ở châu Âu.
"Chúng tôi thấy 98.000 ca bệnh mới được ghi nhận trong 24 giờ qua. Đây là kỷ lục mới ở khu vực và rất đáng báo động. Điều này cũng gây lo ngại rằng dịch bệnh có thể tái bùng phát", Robb Butler, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói.
Martin McKee, giáo sư y tế công tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết điều đáng lo ngại là các quốc gia vẫn thiếu khả năng xét nghiệm và điều trị Covid-19 khi đứng trước làn sóng thứ hai.
"Lẽ ra họ đã phải tận dụng thời gian để kích hoạt quy trình 'tìm kiếm, xét nghiệm, truy vết, cách ly'. Nhưng không phải nước nào cũng làm vậy. Nếu họ làm được như thế thì đã có thể xác định được các điểm bùng dịch và tìm ra nguồn gốc lây nhiễm", chuyên gia này nói.
Tiến sĩ Gilles Pialoux, Trưởng khoa Truyền nhiễm tại bệnh viện Tenon ở Paris, nói với đài truyền hình BFM: "Chúng ta không học được những bài học từ làn sóng đầu tiên. Chúng ta vẫn đang chạy theo sau (dịch bệnh) thay vì đi trước nó".
Tâm lý "mệt mỏi" vì Covid-19
Tiến sĩ Luis Izquierdo, thuộc bệnh viện Severo Ochoa ở Madrid (Tây Ban Nha), cho biết ít nhất là hiện nay, các bác sĩ biết liệu pháp điều trị nào hiệu quả đối với Covid-19.
Trong thời kỳ cao điểm của dịch bệnh vào tháng 3 và tháng 4, các bác sĩ ở những khu vực dịch bệnh nghiêm trọng nhất thuộc Tây Ban Nha và Italy cho bệnh nhân dùng mọi loại thuốc họ có thể nghĩ tới, nhưng không mấy hiệu quả.
Nhân viên y tế chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 trong phòng ICU ở Tây Ban Nha. Ảnh: AP. |
"Bây giờ chúng tôi không sử dụng những loại thuốc đó vì chúng hầu như không có tác dụng. Vì vậy, nếu hiểu theo cách này, ít ra bây giờ chúng tôi đã hiểu biết nhiều hơn về Covid-19", tiến sĩ Izquierdo nói.
Tuy nhiên, riêng việc điều trị virus corona chủng mới chưa phải là toàn bộ cuộc chiến.
Hàng trăm nhân viên khách sạn ở Bucharest (Romania) đã biểu tình vì chính quyền tuần vừa qua ra lệnh đóng cửa các nhà hàng, rạp hát và địa điểm giải trí trong nhà ở thủ đô.
Moaghin Marius Ciprian, chủ quán Grivita Pub n Grill nổi tiếng ở thủ đô Bucharest, nói: "Chúng tôi đã đóng cửa trong 6 tháng, các nhà hàng không hoạt động và số ca nhiễm vẫn tăng lên. Tôi không phải là chuyên gia nhưng tôi cũng không ngu ngốc. Theo quan điểm của tôi, chúng tôi không phải là người phải chịu trách nhiệm về đại dịch này".
Trong tuần qua, nhân viên bệnh viện công Paris biểu tình yêu cầu chính phủ đầu tư nhiều hơn vào nhân viên làm việc trong ICU.
Trong khi đó, các quan chức y tế công đang phải đối phó với làn sóng biểu tình chống đeo khẩu trang.
Nhóm những người phản đối quy định phòng dịch này cho biết họ cảm thấy mệt mỏi khi phải giãn cách xã hội và không được ôm người thân.
Nhân viên khách sạn giơ biểu ngữ "Tôi muốn làm việc" trong cuộc biểu tình ở Romania hôm 7/10. Ảnh: AP. |
Trong khuyến cáo của WHO tuần qua, tổ chức này bổ sung một số hướng dẫn về tâm lý và cách khuyến khích người dân châu Âu duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
"Tâm lý mệt mỏi là điều hoàn toàn tự nhiên. Điều đó xảy ra khi có khủng hoảng hoặc tình trạng khẩn cấp kéo dài", Giám đốc Butler cho biết.
WHO cũng đưa ra khuyến nghị mới cho các nước châu Âu, theo đó chính phủ nên cân nhắc các yếu tố xã hội, tâm lý và cảm xúc của người dân khi ban bố lệnh phong tỏa hoặc các quy định khác. Tổ chức này đồng tình với một số ý kiến chuyên gia trước đó cho rằng tác động của Covid-19 đến sức khỏe tâm thần của người dân còn nặng nề hơn chính dịch bệnh.
Ông Butler cho biết tác động này là rất quan trọng, "vì chúng ta cần phải hiểu quy định nào có thể được người dân chấp nhận, tuân thủ và duy trì một khi chúng ta áp dụng chúng".