Theo South China Morning Post, cô Dakota Holmes, 27 tuổi, một người Canada bản địa, đang dắt chú chó Kato đi dạo qua công viên Gray ở khu phía Đông Vancouver vào khoảng 8h30 tối 15/5 thì hắt hơi do dị ứng theo mùa.
Cô Holmes nói rằng cô vừa đi qua một người đàn ông lúc đó. Người này đã quay lại và bắt đầu mắng cô về Covid-19. Hắn đã hét lên “quay lại Trung Quốc đi, cô không thuộc về nơi này” và đấm vào đầu cô hai lần khiến cô ngã xuống đất.
Holmes cảm thấy như mình được Kato, một chú chó giống Dogo Argentino nặng 45 kg mà Holmes nhận nuôi ba năm trước, cứu khỏi tình trạng tồi tệ hơn. Khi Holmes ngã xuống, Kato bắt đầu cắn vào mắt cá chân người đàn ông trên.
Người đàn ông đã phản ứng bằng cách đe dọa sẽ báo nhà chức trách tịch thu Kato vì con chó “đang thể hiện sự hung dữ”.
Người đàn ông cuối cùng cũng bỏ chạy trong khi Kato bị giới hạn trong đoạn dây dài 2 m.
“Là người bản địa, tôi từng gặp tình huống như thế này trước đây”, cô Holmes nói. “Tôi cố gắng không dính líu vào họ. Tôi cố gắng không nói gì, tôi nghĩ điều duy nhất tôi nói là ‘Tôi không phải người châu Á, tôi là người bản địa, tôi đến từ đất nước này. Tôi đã ở đây cả đời’”.
Cô Dakota Holmes, 27 tuổi, một người Canada bản địa, cùng chú chó Kato. Ảnh: Dakota Holmes. |
Cô Holmes không phải là người duy nhất trải qua chuyện này.
Tại Montreal, cô Sue Simigak, người Inuit, nói rằng cô đã bị mắng chửi trên tàu điện ngầm vào ngày 4/4 bởi một người đàn ông. Người này đã hét lên “ra khỏi đất nước của tôi”.
Cô cũng đăng ảnh người đàn ông này giơ ngón tay giữa với cô lên Facebook.
Người bản địa Canada, nhất là người Inuit, thường bị nhầm là người châu Á vì một số đặc điểm ngoại hình của họ.
Nạn phân biệt chủng tộc nhắm vào người châu Á và những nhóm người có ngoại hình giống châu Á đã gia tăng trong đại dịch Covid-19.
Vụ việc của cô Holmes đang được điều tra bởi Sở cảnh sát Vancouver, phát ngôn viên của sở, trung sĩ Aaron Roed cho biết.