Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Người cá' Việt Nam và tình yêu từ Anh quốc

Bây giờ, “người cá” đã 20 tuổi, cao gần bằng người mẹ nuôi tóc vàng, những lớp vảy thì vẫn cứ nhiều hơn, dày hơn.

Chồng chết cho trẻ tật nguyền được sống!

Giữa năm 2012, dư luận Việt Nam bắt đầu biết đến cái tên Breanda Smith thông qua nhiều bài báo, phóng sự truyền hình của Anh, Mỹ, Australia nói về tình yêu đặc biệt của một góa phụ 78 tuổi người Essex (Anh) với Việt Nam, về một câu chuyện cảm động kéo dài suốt hơn 15 năm giữa người phụ nữ này với Minh Anh - một cậu bé bất hạnh mang trong mình chứng bệnh ngoài da không thể cứu chữa. Báo chí phương Tây gọi Minh Anh là “fish boy” (người cá).

Bà Brenda Smith, nay đã 80 tuổi, tiếp chúng tôi trong một khách sạn nhỏ xíu mà bà thuê trọ, nằm giữa phố cổ Hà Nội. Bà Brenda kể rằng, năm 1963, bà sống ở Mỹ cùng với người chồng thứ nhất và 2 đứa con nhỏ, đây là lúc Việt Nam đang trong giai đoạn chiến tranh. Và cũng vì 2 đứa con nhỏ, chồng bà đã không sang Việt Nam vào thời điểm đó. Bà Brenda chia sẻ, phong trào phản chiến ủng hộ Việt Nam khi ấy đang diễn ra mạnh mẽ tại Anh quốc.

“Chồng tôi mất trong một vụ chìm thuyền khi mới 38 tuổi. Tôi trở lại Anh và 7 năm sau lấy người chồng thứ hai, Barry. Chúng tôi rất yêu thương nhau, cùng nhau đi đến mọi nơi. Có điều, ông ấy thích ở trong những khách sạn đẹp, sang trọng, còn tôi thì không. Tôi thích sự náo nhiệt, khám phá. Rồi tôi gợi ý rằng, tại sao hai vợ chồng không đi trên 2 chiếc xe đạp để tới mọi miền và quyên góp tiền cho trẻ em bất hạnh. Thật vui là ông ấy đồng ý liền. Và chúng tôi đã có quãng thời gian bên nhau thật tuyệt”, bà Brenda tâm sự.

Cậu bé “người cá” bên người mẹ đặc biệt.
Cậu bé “người cá” bên người mẹ đặc biệt.

Năm 1994, nhóm đạp xe từ thiện của vợ chồng bà Brenda và các bạn quyết định sẽ đến Việt Nam. Bà kể: “Chúng tôi đi từ Hà Nội và TP.HCM. Trên mỗi chặng đường chúng tôi qua đều gặp những con người thân thiện, ai cũng tay bắt mặt mừng hỏi chúng tôi tên gì, từ đâu đến. Thật là tuyệt vời”.

Nhưng thật đau xót, trong một lần tham gia cuộc thi bơi quyên tiền cho trẻ em tật nguyền, người chồng thứ hai đã đột quỵ và không qua khỏi. “Barry luôn nói rằng khi nghỉ hưu sẽ trở lại Việt Nam cùng với tôi để giúp đỡ trẻ em. Ông ấy đã rất yêu đất nước các bạn. Nhưng mong ước cuối cùng ấy đã không thành hiện thực”, bà Brenda bật khóc khi nhắc lại cơ duyên gắn bó với đất nước hình chữ S. Và để thỏa ước nguyện của người chồng quá cố, bà quyết định tự mình trở lại Việt Nam.

Bà viết thư cho một tổ chức từ thiện, nói rằng mình không có chuyên môn y tế (Brenda từng làm thư ký tại một ngân hàng ở Berverly Hills, Anh) nhưng có tình yêu trẻ vô hạn. Bà được trả lời rằng “hãy đến đi, hãy đến Việt Nam và giúp đỡ những đứa trẻ”. Và trong những cuộc hành trình như thế, bà đã gặp Minh Anh, cậu bé “người cá” với vết thương đáng sợ trên da thịt vì di truyền từ người cha nhiễm chất độc da cam.

Chẳng nơi nào như Việt Nam

Bà Brenda gặp “người cá” Minh Anh lần đầu khi cậu bé mới 3 tuổi tại Làng trẻ em Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ). Minh Anh bị bỏ rơi khi mới chào đời. Hình ảnh cậu bé trên người phủ đầy lớp vẩy sừng ngứa ngáy và nóng ran, bị buộc chặt tay chân vào giường bệnh đã ám ảnh bà. Bà Brenda đã nhận nuôi “người cá” từ đó đến giờ. Bà đã nỗ lực cùng những người bạn của mình đi khắp nơi quyên tiền để chữa trị cho những đứa trẻ bất hạnh như vậy. Với Minh Anh, tình yêu xuyên đại dương càng trở nên đặc biệt.

“Trước đó, một nhà báo người Canada chụp được hình ảnh Minh Anh bị bó chặt tay và đăng lên trang nhất. Người bạn của tôi ở Canada đã gửi tấm hình đó cho tôi, rồi bảo phải làm gì đó, phải tìm một bác sĩ để chữa cho Minh Anh”, bà Brenda tâm sự.

Dù không có chuyên môn gì về y tế, nhưng hơn 17 năm qua, bà Brenda cũng hỏi khắp nơi để tìm một bác sĩ có thể chữa dứt điểm căn bệnh này của cậu bé. Bà bảo: “Nhưng đến giờ, chẳng có thay đổi gì cả. Bệnh của Minh Anh không thể chữa được. Đó là chứng bệnh di truyền ngoài da hiếm gặp, ichthyosis, do chất độc da cam gây nên. Một bác sĩ ở London bảo rằng, có 10% những bệnh nhân “người cá” không thể chưa được. Tôi nghĩ Minh Anh ở trong 10% này”.

Ở tuổi 80, bà Brenda trở lại Việt Nam và gặp “người cá” lần cuối cùng.
Ở tuổi 80, bà Brenda trở lại Việt Nam và gặp “người cá” lần cuối cùng.

Minh Anh không nói được tiếng Anh, còn bà Brenda cũng không biết tiếng Việt, nhưng tình cảm họ dành cho nhau thật đặc biệt. Mỗi lần bà Brenda tới Việt Nam, “người cá” lại được đi chơi cùng bà, đến siêu thị, được mua đồ chơi, bánh kẹo.

“Minh Anh không nói chuyện được với tôi, nhưng tôi hiểu, cậu bé hiểu được tình cảm của mình. Mỗi lần tôi đến, cậu bé ôm chầm lấy, vui mừng, sung sướng và buồn ra mặt khi biết tôi sắp trở lại Anh.

Và tôi biết, cậu bé không hề ngốc ngếch như mọi người nghĩ. Cậu bé biết kêu lên “number one” khi tôi giơ ngón tay cái ra và bảo đó là số một! Cậu bé biết đếm từ 1 tới 10 bằng tiếng Anh. Cậu bé thích nước vì nước sẽ làm dịu những cơn nóng, cơn ngứa hành hạ cậu mỗi ngày…”, bà Brenda chia sẻ, đồng thời cho biết cậu bé bây giờ đã 20 tuổi nên bà không còn dễ dàng dìu cậu đi chơi, mua sắm như trước.

“Tôi đã đến 45 quốc gia, nhưng chẳng thấy đâu nhiều trẻ em tật nguyền như Việt Nam. Tôi không thể nhớ mình đã có bao nhiêu kỷ niệm, đã khóc bao nhiêu lần. Hôm trước, tới một làng trẻ ở Hà Nội, tôi lại khóc. Mỗi năm khi tôi chuẩn bị quay lại Anh, nói lời tạm biệt với mọi người và khóc thì họ đều bảo tôi “nào Brenda, đừng khóc, bà sẽ quay lại sớm mà”, bà chia sẻ.

http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nguoi-ca-viet-nam-va-tinh-yeu-tu-anh-quoc-20140718091056615.htm

Theo Việt Nguyễn/Gia Đình & Xã Hội

Bạn có thể quan tâm