"Yêu bà ấy, tôi đã quay lại Việt Nam và yêu đất nước này. “Very, very interesting!” (Rất hấp dẫn), tôi chỉ có thể nói như vậy về Việt Nam và tôi muốn cuối đời mình được an nghỉ tại đây”, ông Kurt Lender Jensen (78 tuổi, người Đan Mạch) thổ lộ.
Chếch về phía tây nam đồi điện gió (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), bên kia quốc lộ 1, gần khu nghĩa trang trên đồi cát hoang vắng là một cụm 4 ngôi nhà nhỏ xinh xắn với kiến trúc “không giống ai” - nổi bật lên giữa màu xanh của nhiều loại cây.
Hoa nở trên đồi cát nóng
Những ngôi nhà hai mái thoai thoải lợp ngói màu ghi, không cao lắm, không rộng lắm, được xây dựng gần giống nhau. Cái này là nhà làm việc kiêm… phòng ngủ, cái kia là bếp. Hai cái nhỏ hơn để ngồi uống cà phê và ngắm nắng. Kể cả cái chuồng gà cũng được xây dựng với kiểu dáng tương tự.
Trước những ngôi nhà ấy và dọc các lối đi là những dàn bông giấy, các chậu hoa sứ hay hàng rào dâm bụt rực rỡ hoa.
“Nắng đã thức dậy rồi đấy, đẹp quá!”, ông Kurt hướng đôi mắt xanh lam dưới hàng chân mày đã bạc trắng nhìn về phía hàng cây xanh trong vườn đang xào xạc dưới ánh nắng ban mai, nói bằng tiếng Việt lơ lớ.
Đón ly cà phê sữa nóng còn bốc khói từ tay người vợ - bà Tiêu Thị Ngọc Sang (67 tuổi) - vừa pha xong và bưng từ bếp ra chòi “ngắm nắng”, ông Kurt nói: “Nắng sớm giống như Vitamin, làm việc trong nắng ban mai thì khỏi phải đi bác sĩ, bà Sang à”. Ông ăn nhanh đoạn bánh mì phết phô mai “Đầu Bò” rồi bảo bà Sang bật cầu dao điện mở máy bơm nước.
Ông Kurt tự tay xây dựng các công trình trong khu đất. Trong ảnh, ông đang xây dựng một nhà vệ sinh mới. |
Đã sắp 80 tuổi, bước đi ông Kurt không còn nhanh, nhưng vẫn chắc. Ông kéo vòi nước tưới cho từng gốc cây trong vườn, từ cây ăn trái đến cây rừng, còn bà Sang phụ chồng tưới những luống hoa và ném cho đàn gà nắm thóc.
“Những ngôi nhà này, hầu như một mình tôi làm trăm phần trăm đấy”, Kurt khoe.
Một mình ông tính toán từ diện tích căn nhà định xây cần bao nhiêu gạch, bao nhiêu xi-măng, bao nhiêu gỗ, bao nhiêu bù-loong, ốc vít… rồi nói bà Sang điện thoại “đặt hàng” cho người ta chở tới.
“Đóng vai chính” trong xây cầu treo Đan Mạch
Mối tình… chôm chôm
Bà Tiêu Thị Ngọc Sang vốn là thợ uốn tóc ở Lý Sơn (Quảng Ngãi), sau đó xuống Sài Gòn bán trái cây.
Năm 1992, một vị khách nước ngoài đến quầy trái cây của bà mua chôm chôm, cứ vài giờ ông khách lại đến mua và trong ánh mắt ông ấy có gì khác lạ khiến người thiếu phụ góa chồng xốn xang. Khi được mời đến phòng khách sạn ông ở, bà Sang thấy trong tủ lạnh đầy chôm chôm, mà qua một người bạn phiên dịch là ông mến cô bán trái cây nên mua chứ ăn không nhiều!
Dù bất đồng ngôn ngữ, họ yêu nhau từ đó.
Bà Sang nói đến năm 1996 thì hai ông bà quyết định trở về Việt Nam và mua một rẫy trồng cà phê ở thị xã Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) để làm ăn. Bà kể: "Đó là một vùng đất hẻo lánh, những con suối đầy nước hung dữ nhưng không có cầu, người dân đối mặt với nhiều khó khăn nguy hiểm".
Trong một chuyến về Đan Mạch, dượng Hai (tên trìu mến mà bà dành để chỉ người chồng) đã xin được 500 m cáp cầu treo cũ, rồi liên lạc nhờ một hãng tàu vận tải chở đến Singapore, lãnh đạo hãng này gửi tàu khác chở về cảng Sài Gòn mà không tốn đồng nào.
Các loài hoa khoe sắc trên mảnh đất vốn chỉ có cát và cỏ bao đời nay. |
"Hai vợ chồng tôi phối hợp với chính quyền địa phương và huy động người dân cùng làm cầu treo tại xã Lộc Thành của Bảo Lộc. Dượng Hai là người thiết kế, chỉ đạo và trực tiếp thi công. Khoảng một tháng sau, chiếc cầu treo dây văng, sàn ván gỗ dài 65 m, rộng 1,2 m hoàn thành trong sự ngạc nhiên và vui sướng của dân làng”, bà Sang nói.
Lấy tấm giấy khen đã ố màu của UBND TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) “khen tặng ông Kurt Lender Jensen, cố vấn của Đại sứ quán Vương quốc Đan Mạch, về thành tích tích cực tham gia xay dựng cầu treo tại xã Tà Nung - Đà Lạt” năm 1999 đưa chúng tôi xem, bà Sang cho hay: “Sau thành công của việc xây dựng chiếc cầu treo đầu tiên, dượng Hai đã dành trọn tâm huyết cho việc xây dựng cầu treo ở những vùng hẻo lánh".
Về mình, bà nói luôn đi theo phục vụ chồng, vừa làm phiên dịch, vừa lo chạy vật tư lẫn chạy ăn cho mấy chục con người, nhưng không có lương. Với sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, ông Kurt cho biết từ năm 1996-2001, vợ chồng ông đã “đóng vai chính” trong việc xây dựng 23 chiếc “cầu treo Đan Mạch” tại hai tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và 5 ngôi nhà cho trẻ khuyết tật ở Lâm Đồng, Ninh Thuận.
Ông Kurt mở máy tính cho chúng tôi xem những hình ảnh cách đây 15-17 năm, khi hai vợ chồng ông còn trẻ, cùng với những người dân xây dựng những chiếc cầu treo ở Cát Tiên, Đạm Bri, Gia Lâm, Lộc Châu, Lộc Ngãi, Lộc Sơn, Tà Nùng, Yang Meo…
Ước nguyện cuộc đời
Ông Kurt thổ lộ: "Anh biết không, tôi mà có nhiều tiền, có sức khỏe là tôi sẽ xây dựng ở mảnh đất này thêm nhiều ngôi nhà như tôi đã xây. Để chi? Cho những trẻ em khuyết tật đến đây nghỉ dưỡng một thời gian nhất định trong năm. Tôi cũng muốn làm cho vùng cát nóng hoang mạc này thành một nơi mà du khách trên các chuyến xe đò có thể dừng chân nghỉ ngơi, uống nước, thậm chí có thể lưu trú và tham quan cây cối, vật nuôi” - ông Kurt không giấu giếm ý định.
Ông Kurt và bà Sang trò chuyện với khách trong ngôi nhà ngắm nắng. |
Bà Sang thì mỉm cười: “Hai vợ chồng giờ nghèo quá, mỗi tháng ông ấy được phía Đan Mạch trợ cấp 1.000 USD tiền già, tôi thì trước đây cũng được 900 USD/tháng, nhưng một năm nay thì họ cắt rồi vì lâu quá không về bên đó. Bây giờ thì chỉ bán ba thứ lặt vặt như mì gói, lon nước, thùng bia để nuôi… mơ mộng của ổng”.
Thế nhưng Kurt không phải không có bức xúc. Ông nói rất buồn khi một chiếc xe khách dừng trước nhà ông thì hành khách nhào xuống ven đường để “xả thải” vào các bụi cây mà ông chăm sóc hằng ngày. Thấy vậy, ông xây một cái nhà vệ sinh 4 phòng ở sát đường cho mọi người “giải quyết” khi những chiếc xe dừng lại.
“Vậy mà nhà vệ sinh xây xong chẳng bao lâu thì bị tháo trộm hết các bóng đèn, cả bồn chứa nước cũng biến mất. Ở đây trộm nhiều quá, họ bắt cả đàn gà, mấy chục cây đòn tay tôi mua về họ cũng chở mất hết. Có kẻ xấu đấy, nhưng tôi tin là có rất nhiều người tốt”, ông nói.
Góp vào “chuyện ít vui”, bà Sang cho biết mảnh đất rộng khoảng 1,5 ha mà vợ chồng bà đang “cắm dùi” được mua lại của một người dân địa phương năm 2012 với giá 140 triệu đồng.
“Đây là lần thứ tư tôi mua đất kể từ năm 2010 và lần nào cũng không yên ổn. Lần đầu thì một người dân ở khu Bình Tiên của Ninh Thuận bán đất cho vợ chồng tôi với giá 800 triệu đồng, tôi đưa trước 400 triệu, khi đi làm giấy tờ ở xã mới vỡ lẽ đất nằm trong quy hoạch du lịch. May mà sau đó ông ta trả lại 300 triệu đồng, còn lại “xù”. Rồi tôi cũng đi mua đất, thuê đất ở Hòa Phú, Hòa Minh (huyện Tuy Phong) nhưng cũng không xong. Đến khi mua được miếng đất này, tưởng là êm, ai dè chính quyền cho biết là đất lấn chiếm, tôi phải làm hồ sơ xin thuê 49 năm nhưng đến nay vẫn chưa xong”, bà Sang nói.
Chiều 12/6, Bí thư Huyện ủy Tuy Phong Nguyễn Hoài Anh đã đến thăm vợ chồng ông Kurt bà Sang và hứa sẽ quan tâm đến trường hợp đất đai của ông bà khiến "ông già Đan Mạch" rất xúc động.
Một niềm đau đáu khác là chuyện “thường trú” của ông Kurt. “Bây giờ cứ mỗi 6 tháng tôi phải vào tận trong TP Phan Thiết cách cả 100 km để gia hạn visa cho ông ấy. Liệu có cách nào tạo điều kiện cho chồng tôi thường trú ở đây không, vì cả hai chúng tôi cũng đã quá lớn tuổi rồi?”, bà Sang hỏi như van.
Đề xuất cho vợ chồng ông Kurt thuê đất lâu năm Ông Trương Văn Thanh (Phó chủ tịch UBND xã Chí Công) cho biết, khi phát hiện vợ chồng ông bà xây dựng các công trình trái phép, dù rất thương khi nghe họ kể về những gian truân trong quá trình định cư, nhưng xã vẫn phải lập biên bản xử phạt theo quy định. Sau khi nhận được đơn xin thuê đất của bà Sang, đoàn công tác liên cơ quan của xã Chí Công và huyện Tuy Phong đã đến kiểm tra, xã đã đề nghị huyện tạo điều kiện cho bà Sang thuê đất. “Tuy nhiên sau đó UBND huyện cho biết là quy hoạch sử dụng đất của xã chưa được phê duyệt nên tạm thời đình chỉ các dự án cho thuê đất. Khi quy hoạch được phê duyệt, tin rằng nguyện vọng của ông bà sẽ được giải quyết”, ông Thanh nói. |