Vệ binh Quốc gia đứng canh ở đài tưởng niệm Lincoln, thủ đô Washington, D.C. Hàng chục nghìn người trên khắp nước Mỹ đã chống lệnh giới nghiêm để xuống đường đêm thứ 8 liên tiếp, giữa lúc Lầu Năm Góc điều động 1.600 lính đến khu vực thủ đô Washington D.C. Ảnh: AFP. |
Tại thủ đô ngày 2/6, căng thẳng đã giảm đi so với đêm trước. Đám đông bên ngoài Nhà Trắng đã ôn hòa hơn, thậm chí lịch sự, theo báo South China Morning Post. Một số người ném chai vào cảnh sát, nhưng nhiều người khác nhắc nhở rồi hô vang "biểu tình ôn hòa", theo New York Times. Số người thưa dần sau 20h, nhưng vẫn còn vài trăm người ở lại. Trong ảnh, cảnh sát đứng gác sau một hàng rào, người biểu tình xếp chữ Floyd. Đằng xa là Nhà Trắng. Ảnh: AP. |
Một số người biểu tình trên ngựa ở Houston, Texas. George Floyd quê ở Houston, ở đây 46 năm trước khi chuyển sang Minneapolis. Hàng trăm người tới dự tưởng niệm do các rapper nổi tiếng của Houston tổ chức, mời cả thị trưởng và cảnh sát trưởng của thành phố. Nhiều ý kiến cho rằng do là quê hương của Floyd, Houston cho đến nay đa phần đã thoát được bạo loạn, theo South China Morning Post. Ảnh: Reuters. |
Hàng nghìn người tập trung biểu tình ở Houston ngày 2/6. Philonise Floyd, anh trai của George Floyd, phát biểu tại cuộc biểu tình. Ảnh: AP & Reuters. |
Người biểu tình tập trung tại nơi mà George Floyd bị giết chết ở Minneapolis. Bang Minnesota đã có những hành động cụ thể đầu tiên để đáp lại những bất bình của người dân, khi tuyên bố sẽ điều tra vi phạm quyền dân sự ở Sở Cảnh sát Minneapolis trong 10 năm qua. Ảnh: New York Times. |
Ở Louisville, một số người cầu nguyện ở bãi đỗ xe của một tiệm vừa bị cướp phá. Ảnh: New York Times. |
Một tiệm làm móng được đóng ván gỗ để phòng cướp phá ở Louisville, Kentucky. Ảnh: New York Times. |
Người biểu tình xuống đường và đốt nến ở Brooklyn, New York. Khu vực giữa Manhattan có hàng nghìn người tuần hành, nhưng chưa có đụng độ với cảnh sát. Khu SoHo bị cướp phá đêm trước đó giờ đây trở nên yên lặng sau giờ giới nghiêm, theo New York Times. Trước đó, Tổng thống Trump đã kêu gọi các thống đốc “áp đảo” người biểu tình, và cảnh báo sẽ điều quân đội Mỹ để chấm dứt bạo loạn. Nhưng thống đốc một số bang, bao gồm New York, Massachusetts, Michigan và Illinois, đã bác bỏ lời kêu gọi mạnh tay từ Tổng thống Trump. Ảnh: New York Times. |
Cảnh sát yêu cầu một thiếu niên tuân thủ lệnh giới nghiêm sau 20h ở khu Bronx, New York. Thống đốc New York Andrew Cuomo ngày 2/6 cho biết cảnh sát New York đã không hoàn thành nhiệm vụ, khi để xảy ra các hành vi cướp phá không ai ngăn chặn vào đêm trước đó, ở khắp nơi trong thành phố. Ảnh: New York Times. |
Cảnh sát bắt giữ người biểu tình vì không rời khỏi phố trong lệnh giới nghiêm ở New York ngày 2/6. Ở Los Angeles, cảnh sát và Thị trưởng Eric Garcetti đã quỳ gối thể hiện sự đoàn kết với người biểu tình. “Da đen không phải là bản án, không có nghĩa bạn phải chết, phải vô gia cư, phải bị ốm, phải bị thất nghiệp, hay thất học”, ông Garcetti nói. Ảnh: AP. |
Ngày 2/6, Anwar Hussain dọn dẹp tiệm bán đồ lưu niệm mà anh làm chủ 18 năm nay sau vụ cướp phá đêm trước đó. Ảnh: New York Times. |
Cảnh sát dùng hơi cay để giải tán đám đông ở Atlanta. Không lâu sau khi lệnh giới nghiêm bắt đầu vào 21h, một số người ném chai và bắn pháo sáng về phía cảnh sát, theo New York Times. Đám đông giải tán không lâu sau khi cảnh sát can thiệp. Ảnh: AP. |
Cảnh sát Orlando, Florida bắn hơi cay bên ngoài tòa thị chính ngày 2/6. Ảnh: AP. |
Không chỉ thành phố lớn, mà cả thành phố nhỏ cũng có đông người biểu tình. Ở Brattleboro, bang Vermont, một thị trấn nhỏ khoảng 12.000 dân, ít nhất vài trăm người trẻ đã xuống đường dự cuộc tuần hành do học sinh trung học tổ chức. Cảnh sát phân luồng giao thông để cuộc tuần hành được diễn ra. Ảnh: New York Times. |
Sự bất bình về cái chết của George Floyd đã lan ra nhiều nước như Pháp, Australia, Hà Lan và Israel. Trong ảnh, người biểu tình chạy khỏi hơi cay ở một cuộc biểu tình bị cấm bên ngoài một tòa án ở Paris ngày 2/6. Cảnh sát cho biết ít nhất 20.000 người đã biểu tình, bất chấp lệnh cấm tụ tập phòng dịch Covid-19, để tưởng nhớ Floyd và Adama Traore, một người Pháp da đen cũng chết dưới tay cảnh sát. Ảnh: Reuters. |