Người biểu tình tại Catalonia chặn đường, chiếm đường sắt
Thứ hai, 1/10/2018 17:52 (GMT+7)
17:52 1/10/2018
Một năm sau cuộc trưng cầu dân ý đòi ly khai, căng thẳng leo thang tại Tây Ban Nha với những cuộc biểu tình và bạo động. Nhiều người dân xứ Catalonia vẫn mơ về ngày được độc lập.
Ngày 1/10, những người biểu tình ủng hộ Catalonia độc lập đã chiếm cứ các tuyến đường sắt tại xứ Catalonia. Vụ việc xảy ra đúng một năm sau cuộc trưng cầu dân ý đòi ly khai. Hàng trăm nhà hoạt động làm tê liệt tuyến đường sắt cao tốc ở Girona, phía bắc thủ phủ Barcelona. Hãng vận hành đường sắt Tây Ban Nha Renfe đăng trên Twitter thông báo tuyến đường nối Figueres, Girona và Barcelona “bị gián đoạn” vì “đường ray ở Girona đã bị chiếm”. Ảnh: Reuters.
Theo hình ảnh trên truyền hình Catalan TV, các tuyến đường chính tại Barcelona và Lleida cũng bị người biểu tình chặn, trong đó có quốc lộ AP-7 dẫn tới biên giới Pháp và A2 nối Barcelona – Madrid. Cuộc biểu tình được phát động qua mạng bởi một nhóm tự xưng là Các ủy ban Bảo vệ nền Cộng hòa. Nhóm này được thành lập để hỗ trợ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý năm 2017 và đang yêu cầu tách Catalonia khỏi Tây Ban Nha hoàn toàn. Ảnh: Twitter.
Trước đó, theo AFP, hôm 29/9, 24 người bị thương và 6 người bị bắt trong một cuộc diễu hành của cảnh sát nhằm vinh danh những cảnh sát góp phần ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý năm 2017. Ảnh: AP.
Căng thẳng leo thang tại phía đông bắc Tây Ban Nha khi ngày kỷ niệm một năm cuộc trưng cầu dân ý tới gần. Đúng vào 1/10/2017, cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức và cảnh sát đã đàn áp cử tri tại các điểm bỏ phiếu.
Trong đám đông đổ xuống đường hôm 29/9, nhiều người hô to khẩu hiệu "1/10, chúng tôi không quên và cũng không tha thứ". Ảnh: AP.
Phe ủng hộ ly khai ném sơn vào cảnh sát. Bột màu phủ đầy các khiên chắn bạo động, xe cảnh sát và vỉa hè ở quảng trường trung tâm. Ảnh: AP.
Cuộc trưng cầu dân ý 2017 không chỉ là thách thức với nền dân chủ Tây Ban Nha mà còn gây bất hòa trong một số gia đình ở Barcelona. Bà Teresa Reyes, 65 tuổi, kể bà ủng hộ thống nhất trong khi con trai và nhiều người khác lại muốn độc lập. Bà gọi ngày 1/10/2017 là “ngày tồi tệ nhất cuộc đời”. Tới nay, dù đã làm lành với con trai nhưng bà hạn chế liên lạc với những người thuộc phe ly khai. Ảnh: AP.
Chính quyền Catalonia, với người đứng đầu là Carles Puigdemont, đã thúc đẩy cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập bất chấp việc tòa án Tây Ban Nha cho rằng cuộc trưng cầu dân ý là bất hợp pháp. Dẫu vậy, dù là bất hợp pháp và vì thế không có tính ràng buộc, 2,3 triệu người trong 5,5 triệu cử tri đã bỏ phiếu với 90% ủng hộ ly khai khỏi Tây Ban Nha vào năm 2017.
Ảnh: AP.
Ngày 27/10/2017, chính quyền Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập. Tuy nhiên, Madrid sau đó đã sa thải quan chức thuộc chính quyền Catalonia nhằm thực hiện quyền kiểm soát trực tiếp Catalonia. Động thái này khiến những nhân vật then chốt, trong đó có Puigdemont, phải trốn ra nước ngoài, một số khác bị tòa tuyên án bỏ tù. Ảnh: AP.
Dù vậy, với một số người xứ Catalonia, cuộc trưng cầu dân ý 2017 đặt nền tảng cho nền cộng hòa mơ ước. Marti Puig, 32 tuổi, là giáo viên tại Catalonia. Anh từng bị thương trong lúc cảnh sát ập vào điểm bỏ phiếu năm ngoái nhưng Puig bày tỏ: “Chúng tôi vẫn muốn độc lập và sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới điều đó”. Theo khảo sát hồi tháng 7 của cơ quan bầu cử Catalonia, tỷ lệ người ủng hộ ly khai là 46,7%, cao hơn số người phản đối 1,8%.
Ảnh: AP.
Hàng nghìn người Catalonia xô xát với cảnh sát hôm 25/3 sau khi cựu thủ hiến Carles Puigdemont bị bắt ở Đức. Cảnh sát phải dùng dùi cui và đạn cao su để vãn hồi trật tự.
Phe ủng hộ Catalonia độc lập tuyên bố chiến thắng bầu cử nghị viện, hơn 1 tháng sau khi vùng này bị tước quyền tự trị. Sự kiện được xem như đòn đau giáng vào chính quyền Madrid.