- Phiên họp ngày 6/1 của quốc hội Mỹ, vốn chỉ mang tính thủ tục, trở thành tâm điểm khi phe ông Trump liên tục đòi lật ngược kết quả các đại cử tri đã bầu
- Arizona là bang chiến trường đầu tiên bị thách thức kết quả, dẫn đến mỗi viện trở về phòng họp riêng
- Giữa lúc hai viện tranh luận riêng, người biểu tình xông vào tòa nhà, buộc các nghị sĩ phải sơ tán
-
Hạ viện bác bỏ lời phản đối với kết quả của Pennsylvania
Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu để bác bỏ phản đối dành cho kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn bang Pennsylvania. Kết quả bỏ phiếu là 282-138.
Trước đó, Thượng viện cũng bác bỏ phản đối với kết quả 92-7. Sau phiên bỏ phiếu đối với tuyên bố phản đối kết quả ở Pennsylvania, hai viện quốc hội sẽ trở lại họp chung để tiếp tục đếm phiếu các bang cho đến hết, hoặc cho đến khi có sự phản đối mới.
Theo CNN, Pennsylvania sẽ là bang cuối cùng bị mang ra tranh luận. Các hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa có thể sẽ phản đối ở Wisconsin, nhưng sẽ không có hậu thuẫn từ thượng nghị sĩ nào, nên kết quả sẽ không bị tranh luận.
Theo kết quả đếm hiện tại, ông Biden đã giành được 268 phiếu đại cử tri, trong khi Tổng thống Trump có 157 phiếu.
-
Người ủng hộ ông Trump biểu tình trên khắp nước Mỹ
Hàng trăm người tập trung bên ngoài tòa nhà nghị viện ở thủ phủ các bang từ Georgia đến New Mexico hôm 6/1, ngày Quốc hội Mỹ chứng nhận kết quả bầu cử.
Đám đông giơ cao biểu ngữ có dòng chữ: "Ngăn chặn đánh cắp cuộc bầu cử" và "Thêm 4 năm nữa".
Hầu hết người biểu tình đeo khẩu trang. Ở một số bang như Oklahoma, Georgia, Arizona, Nevada và bang Washington, Guardian ghi nhận người biểu tình có mang súng.
Tại một số bang khác như Ohio và California, tình trạng ẩu đả diễn ra khiến nhà báo và người bất đồng bị tấn công. Còn lại, nhiều cuộc biểu tình vẫn tương đối ôn hòa.
Những người ủng hộ ông Trump tập hợp trước tòa nhà nghị viện tiểu bang Oklahoma hôm 6/1. Ảnh: AP.
-
Phó cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng từ chức
Theo Bloomberg, Phó cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Matthew Pottinger đã từ chức. Ông Pottinger là quan chức Nhà Trắng mới nhất rời bỏ chức vụ sau khi người biểu tình gây bạo loạn tại tòa Nhà Quốc hội ngày 6/1.
Bloomberg cho biết ông Pottinger từng định từ chức vào ngày bầu cử, dù kết quả như thế nào đi chăng nữa. Tuy nhiên, ông đã tiếp tục nhiệm vụ theo yêu cầu của Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien.
Phó cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Matthew Pottinger. Ảnh: AP.
-
Nỗ lực phản đối kết quả Pennsylvania thất bại ở thượng viện
Phó tổng thống Mike Pence đã tiếp nhận sự phản đối của các nghị sĩ đối với kết quả bầu cử tại bang Pensylvania, đưa hai viện tiếp tục một phiên tranh luận riêng khác.
"Tôi có một văn bản phản đối, có chữ ký của một thượng nghị sĩ và 80 thành viên Hạ viện", Hạ nghị sĩ Cộng hòa Scott Perry cho biết vào sáng sớm 7/1 trong tuyên bố phản đối của ông.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley cũng tham gia nỗ lực phản đối này.
Bởi vì văn bản phản đối đã được ký bởi ít nhất một hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ, Thượng viện và Hạ viện sẽ tranh luận riêng biệt về sự phản đối. Mỗi viện sau đó sẽ bỏ phiếu về việc có chấp nhận phản đối hay không.
Sau phiên tranh luận ngắn, Thượng viện Mỹ đã bác bỏ nỗ lực phản đối này với kết quả bỏ phiếu 92-7.
Hạ nghị sĩ Scot Perry. Ảnh: House TV/CNN.
-
Thêm 3 người chết trong vụ bạo loạn ở Quốc hội Mỹ
Bloomberg dẫn nguồn tin từ Cảnh sát trưởng Washington D.C. cho biết thêm 3 người khác thiệt mạng trong vụ biểu tình bạo lực ở thủ đô của Mỹ hôm 6/1.
Như vậy tổng cộng 4 người đã thiệt mạng trong cuộc biểu tình bạo lực nhằm vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1, ngày lưỡng viện nước này chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống.
Phóng viên Jason Donner của Fox News ghi nhận có nhiều mảnh kính vỡ bên trong tòa nhà Quốc hội Mỹ sau khi người biểu tình tràn vào đây hôm 6/1.
Trong bài phát biểu từ bang nhà Delaware, tổng thống đắc cử Joe Biden gọi cuộc biểu tình ở Điện Capitol là "nổi loạn".
Ảnh: AP.
-
Thượng viện Mỹ bác bỏ nỗ lực thách thức kết quả bầu cử của Arizona
Cũng như Thượng viện, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu sau 2 giờ tranh luận và bác bỏ lời kêu gọi phản bác kết quả phiếu đại cử tri của bang Arizona - vốn dành phần thắng cho ông Joe Biden.
Ảnh: CNN.
-
Phe Cộng hòa cân nhắc phế truất ông Trump sau bạo loạn
Sau vụ bạo loạn của người ủng hộ ông Trump, nhiều lãnh đạo đảng Cộng hòa muốn tước bỏ quyền lực của tổng thống trước khi nhiệm kỳ kết thúc vào ngày 20/1.
Tiết lộ với CNN, các lãnh đạo của đảng Cộng hòa tin rằng Tổng thống Trump cần bị phế truất trước ngày 20/1, khi nhiệm kỳ của ông chính thức kết thúc và Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức.
Bốn nghị sĩ đảng Cộng hòa kêu gọi kích hoạt Tu chính án thứ 25 của hiến pháp Mỹ, qua đó chính thức xem ông Trump không còn phù hợp để đảm đương chức vụ tổng thống và cần thay thế bởi Phó tổng thống Mike Pence.
Hai nghị sĩ khác cho rằng quốc hội cần phế truất chính thức Tổng thống Trump. Các nghị sĩ từ chối tiết lộ danh tính.
"Ông ấy cần bị phế truất và tước quyền", một nghị sĩ vừa đắc cử của đảng Cộng hòa tuyên bố.
Một cựu quan chức cấp cao trong đảng cũng chỉ trích các hành động của Tổng thống Trump thời gian qua là đủ nghiêm trọng để tước bỏ quyền lực của ông, dù cho nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo còn chưa đầy 2 tuần.
Axios cũng ghi nhận kế hoạch tương tự từ nhiều nhân vật thân tín với ông Trump và thành viên đảng Cộng hòa.
-
Thủ đô Mỹ gia hạn tình trạng khẩn cấp lên 15 ngày
Thị trưởng Washington DC Muriel Bowser thông báo gia hạn tình trạng khẩn cấp lên 15 ngày, do hậu quả của các cuộc bạo loạn tràn qua tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1. Nữ thị trưởng nói rằng những người xông vào Điện Capitol "đã tìm cách phá vỡ các thủ tục của Quốc hội liên quan đến việc xác nhận các phiếu bầu của cử tri đoàn".
Ảnh: AP.
-
Thượng nghị sĩ Hawley vẫn nhất quyết phản bác kết quả bang Pennsylvania
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Josh Hawley của bang Missouri sẽ tiếp tục kế hoạch phản đối kết quả bỏ phiếu của đại cử tri ở bang Pennsylvania. Trong khi đó, một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa khác đang dần từ bỏ kế hoạch này.
Kế hoạch của ông Hawley nhằm mục đích buộc Thượng viện phải bỏ phiếu về ý kiến phản đối kết quả bầu cử ở ít nhất hai bang là Arizona và Pennsylvania.
Mới đây nhất, kết quả bỏ phiếu của Thượng viện cho thấy nỗ lực này đối với bang Arizon đã thất bại. Số phiếu bầu tại Thượng viện là 93-6.
Tuy nhiên, Kelli Ford, người phát ngôn của ông Hawley, cho biết: "Thượng nghị sĩ Hawley đã phát biểu trong cuộc tranh luận để phản đối kết quả ở bang Arizona và ông ấy cũng sẽ phản đối kết quả ở Pennsylvania".
"Sau khi Quốc hội quay trở lại phiên họp chung và khi Thượng viện, Hạ viện quay trở lại phòng họp riêng để tranh luận về kết quả ở Pennsylvania, ông ấy sẽ dành thời lượng phát biểu còn lại của mình để thúc đẩy bỏ phiếu", phát ngôn viên Ford nói thêm.
Ảnh: AP.
-
Nỗ lực thách thức kết quả ở Arizona thất bại ở Thượng viện
Thượng viện Mỹ vừa bỏ phiếu về sự phản đối chứng nhận các phiếu đại cử tri của bang Arizona. Nỗ lực thách thức kết quả này đã thất bại hoàn toàn với kết quả phiếu bầu tại Thượngviện là 93-6.
Sáu thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ lật ngược kết quả ở Arizona bao gồm:
- Ted Cruz
- Josh Hawley
- Cindy Hyde-Smith
- Roger Marshall
- John Kennedy
- Tommy Tuberville
Ảnh: Senate TV.
-
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham: "Quá đủ rồi"
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, người luôn ủng hộ Tổng thống Trump, đã mạnh mẽ bảo vệ việc chứng nhận số phiếu đại cử tri bang Arizona tại cuộc họp Thượng viện. Ông Graham cho biết ông tin rằng việc bỏ phiếu để phản đối kết quả này là "ý tưởng tồi tệ nhất để trì hoãn cuộc bầu cử".
"Tổng thống Trump và tôi, chúng tôi đã có một hành trình tồi tệ. Tôi ghét phải kết thúc theo cách này. Theo quan điểm của tôi, ông ấy đã là một tổng thống thành công. Nhưng hôm nay, điều đầu tiên quý vị sẽ thấy. Những gì tôi có thể nói là tôi không đứng về phía họ (những người phản bác kết quả bầu cử), quá đủ rồi", ông Graham nói.
Ông Graham bảo vệ lập trường của mình bằng cách dẫn ra một số vụ kiện mà Tổng thống Trump đã thua, bao gồm cả quyết định của Tòa án Tối cao Wisconsin về kết quả bầu cử.
Ảnh: AP.
-
Hạ nghị sĩ Tom Reed phản đối thách thức kết quả Arizona và bỏ ra khỏi phòng họp
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Tom Reed từ bang New York đã lên tiếng phản đối thách thức đại cử tri đoàn Arizona đang được tranh luận tại tầng Hạ viện. “Tôi phản đối thách thức này”, ông nói trước sự vỗ tay của các thành viên đảng Dân chủ trong phòng, rồi bỏ đi.
Ông Reed nói với các đồng nghiệp đảng Dân chủ rằng ông có thể sẽ không đồng ý với họ về chính sách trong tương lai, nhưng "Tôi sẽ đứng về phía các bạn tối nay và gửi một thông điệp đến tất cả người Mỹ rằng những gì chúng ta thấy hôm nay không phải chất người Mỹ".
Ảnh: Senate TV.
-
Chánh văn phòng của ông Pence bị cấm đến Nhà Trắng
Theo nguồn tin của CNN, Tổng thống Trump đã cấm Chánh văn phòng Marc Short của Phó tổng thống Mike Pence đến Cánh Tây Nhà Trắng vào hôm nay, 6/1.
Một số nhân viên Nhà Trắng nhìn thấy ông Short đi vào Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower hôm 6/1, nơi có văn phòng của Phó tổng thống Mike Pence. Tòa nhà này thuộc khuôn viên Nhà Trắng nhưng nằm tách biệt với Nhà Trắng.
Nhưng thay vì ở đó, cả ngày nay ông Short lại ở Điện Capitol, theo CNN.
Phó tổng thống Mike Pence và Chánh văn phòng Marc Short đứng trong Phòng Bầu dục ngày 4/1. Ảnh: Getty.
-
Nhiều trợ lý Nhà Trắng cân nhắc từ chức sau vụ bạo loạn ở quốc hội
Ba trợ lý hàng đầu của Tổng thống Trump, bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien và cấp phó của ông, đang cân nhắc từ chức sau vụ bạo loạn ở trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 6/1.
CNN dẫn nguồn thạo tin cho biết Cố vấn O'Brien, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Matt Pottinger và Phó chánh văn phòng Nhà Trắng Chris Liddell đều đang cân nhắc từ chức ngay trong tối 6/1.
Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien. Ảnh: AP.
Phó cố vấn An ninh Quốc gia Pottinger có vẻ sẽ sớm nộp đơn xin nghỉ. Hai người còn lại được cho là đang nghiêm túc suy nghĩ về quyết định này.
Trong khi đó, ở khu vực Cánh Đông, Thư ký Xã hội Nhà Trắng Anna Cristina Niceta đã từ chức và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức, theo nguồn tin của CNN.
Bà Niceta là thư ký xã hội duy nhất của chính quyền Tổng thống Trump, đảm nhận vị trí này từ tháng 2/2017.
Bà Niceta trở thành nhân viên cấp cao thứ hai của Cánh Đông từ chức sau khi các cuộc biểu tình bạo loạn xảy ra ở Điện Capitol.
Người đầu tiên ở Cánh Đông thông báo nghỉ việc là Stephanie Grisham, Chánh văn phòng của Đệ nhất Phu nhân Melania Trump. Bà Grisham nộp đơn vào chiều 6/1.
Trước đó, hôm 6/1, CNN dẫn lời một cố vấn Nhà Trắng cho biết các phụ tá của ông Trump đang không hài lòng vì tổng thống "không nỗ lực hết sức" để ngăn chặn người biểu tình quá khích.
-
Lãnh đạo thế giới phản ứng với cuộc bạo loạn ở Điện Capitol
Các nhà lãnh đạo trên thế giới sốc và bất bình trước tình trạng hỗn loạn ở Washington, khi người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump chiếm tòa nhà Quốc hội.
Nguyên thủ quốc gia các nước kêu gọi một cuộc chuyển giao chính quyền hòa bình giữa Tổng thống Donald Trump và tổng thống đắc cử Joe Biden, sau khi những người ủng hộ Tổng thống Trump xông vào chiếm tòa nhà Quốc hội Mỹ, Forbes cho biết.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, người có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Trump, gọi cuộc bạo loạn ở Capitol là “đáng hổ thẹn”. Trong một tweet, ông nói thêm rằng “Mỹ đại diện cho nền dân chủ trên toàn thế giới và điều quan trọng cần phải có một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình và trật tự”.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói với đài phát thanh News1130, rằng ông lo ngại về những gì đang xảy ra ở Washington. “Các thể chế dân chủ ở Mỹ rất mạnh và tôi hy vọng mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường”, Thủ tướng Trudeau nói.
Ảnh: Toronto Star.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảm thấy sốc với những gì đang xảy ra ở Washington. Ông nói: “Kết quả cuộc bầu cử dân chủ này cần phải được tôn trọng”.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas viết trên Twitter rằng: “Những lời nói kích động đã biến thành bạo lực ngay trong Điện Capitol”. Ngoại trưởng Maas kêu gọi Tổng thống Trump và những người ủng hộ chấp nhận kết quả bầu cử và ngừng chà đạp nền dân chủ Mỹ.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian viết trên Twitter: “Bạo lực chống lại các thể chế ở Mỹ là một cuộc tấn công nghiêm trọng vào nền dân chủ. Tôi lên án điều đó. Ý chí và lá phiếu của người dân Mỹ cần được tôn trọng”.
Lãnh đạo các nước Scotland, Italy và một số nước khác đều lên án cuộc bạo loạn ở Washington và kêu gọi chuyển giao quyền lực trong hòa bình.
-
Thượng nghị sĩ Kelly Loeffler đổi ý phút chót
Thượng nghị sĩ Kelly Loeffler - người vừa bị đánh bại trong cuộc đua giành ghế Thượng viện ở bang Georgia - đã quyết định từ bỏ kế hoạch phản đối kết quả bầu cử tại phiên họp Quốc hội.
Bà Loeffler đã đổi ý về việc phản đối kết quả bầu cử của bang Georgia sau khi bạo loạn nổ ra ở Điện Capitol ngày 6/1.
"Tôi không thể phản đối việc xác nhận những phiếu bầu đại cử tri này", bà Loeffler nói.
Hiện không rõ liệu có ai khác sẽ phản đối kết quả của bang Georgia.
Các đồng nghiệp của bà Loeffler đã rất hưởng ứng sau khi bà phát biểu từ bỏ kế hoạch nói trên.
Trước đó, đảng viên Cộng hòa này công khai lập trường phản đối chiến thắng của ông Biden hôm 4/1, chỉ một ngày trước khi diễn ra vòng dồn phiếu của cuộc đua vào Thượng viện ở Georgia.
"Tôi sẽ bỏ phiếu để trao cho Tổng thống Trump và toàn thể người Mỹ sự công bằng mà họ xứng đáng được hưởng. Tôi sẽ bỏ phiếu phủ quyết quy trình chứng nhận kết quả kiểm phiếu của đại cử tri đoàn", bà Loeffler nói hôm 4/1, theo The Hill.
Ảnh: Senate TV.
-
Hai cựu Tổng thống Bush và Clinton lên án vụ nổi loạn tại Điện Capitol
Ông Bush bày tỏ sự bàng hoàng trước "hành vi liều lĩnh của một số lãnh đạo chính trị sau cuộc bầu cử", trong khi ông Clinton cáo buộc Tổng thống Trump đã "châm ngòi nổ".
"Đó là cảnh tượng kinh khủng và đau lòng", cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush nói trong tuyên bố hôm 6/1. "Đây là cách tranh cãi kết quả bầu cử ở một nền cộng hòa chuối - không phải ở nền cộng hòa dân chủ chúng ta".
"Tôi bàng hoàng trước hành vi liều lĩnh của một số lãnh đạo chính trị kể từ sau cuộc bầu cử và trước sự thiếu tôn trọng đối với các thiết chế, truyền thống của chúng ta được thể hiện ngày hôm nay", ông nói thêm, theo CNN.
"Cộng hòa chuối" (banana republic) là thuật ngữ chính trị mô tả các quốc gia có nền chính trị bất ổn và nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào việc xuất khẩu một loại sản phẩm hữu hạn nào đó, như chuối, khoáng sản... Thuật ngữ này vốn thường được dùng để ám chỉ các nhà nước độc tài.
Ông Bush, đảng viên Cộng hòa, cho rằng vụ "tấn công bạo lực" nhằm vào Điện Capitol được thực hiện bởi "những người mà cảm xúc đã bùng lên vì những lời giả dối và hy vọng hão huyền".
"Sự nổi dậy này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến quốc gia và danh tiếng của chúng ta", cựu tổng thống nói.
Ông Bush khẳng định "tại Mỹ, trách nhiệm cơ bản của mọi công dân yêu nước là ủng hộ nền pháp quyền". "Đối với những người thất vọng về kết quả cuộc bầu cử: Đất nước chúng ta quan trọng hơn nền chính trị vào thời khắc này", ông nói.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Bill Clinton nói ngày 6/1 đã chứng kiến "vụ tấn công chưa từng có tiền lệ nhằm vào Điện Capitol, hiến pháp và đất nước chúng ta".
-
Phó tổng thống Mike Pence trở lại phòng họp Thượng viện
Các thượng nghị sĩ đã quay trở lại phòng họp Thượng viện Mỹ và nối lại cuộc họp công nhận kết quả bầu cử Mỹ. Cuộc họp tiếp tục được chủ trì bởi Phó tổng thống Mike Pence.
Trợ lý của ông Pence cho biết ông đã không rời khỏi Điện Capitol khi vụ bạo loạn nổ ra và khẳng định phó tổng thống quyết thực hiện nghĩa vụ của mình.
Trong phát biểu mở đầu cuộc họp, ông Pence lên án nhóm người biểu tình cực đoan đã tấn công tòa nhà quốc hội và chiếm đóng phòng họp Thượng viện.
"Các người đã không chiến thắng. Bạo lực không bao giờ chiến thắng", ông tuyên bố.
Ảnh: AP.
-
Twitter khóa tài khoản ông Trump vì ủng hộ bạo loạn
Twitter khóa tài khoản của Tổng thống Trump trên nền tảng này trong 12 giờ, sau khi ông Trump viết tweet ngỏ ý ủng hộ người biểu tình gây bạo loạn bên trong trụ sở Quốc hội Mỹ.
Đây là động thái chưa từng có của một nền tảng công nghệ đối với Tổng thống Trump, vốn dựa nhiều vào Twitter như kênh truyền thông chính với người ủng hộ.
Trước đó, trên Twitter, ông Trump ngỏ ý ủng hộ những người biểu tình gây ra bạo loạn ở Điện Capitol, và nói nguyên nhân họ làm vậy là do bầu cử gian lận.
Thông báo của Twitter cho biết đã yêu cầu ông Trump gỡ bỏ ba tweet ngày 6/1 vì "vi phạm nghiêm trọng và liên tục Chính sách Liêm chính Dân sự của chúng tôi... như vậy có nghĩa tài khoản @realDonaldTrump sẽ bị khóa trong 12 giờ. Nếu các tweet không được gỡ bỏ, tài khoản sẽ tiếp tục bị khóa".
Twitter cũng cho biết thêm "các vi phạm trong tương lai... sẽ dẫn đến treo vĩnh viễn tài khoản @realDonaldTrump".
Ảnh: New York Times.
-
Cảnh sát tái lập trật tự ở Điện Capitol sau 4 tiếng hỗn loạn
Chỉ huy lực lượng đảm bảo an ninh cho cuộc họp của Quốc hội Mỹ đêm 6/1 xác nhận đã kiểm soát được tình hình sau vụ chiếm đóng và bạo loạn của một nhóm người quá khích. Các đối tượng cực đoan là người ủng hộ Tổng thống Donald Trump.
Cảnh sát Điện Capitol đã bắt giữ ít nhất 20 người trong vụ bạo loạn. Lãnh đạo cảnh sát thủ đô cáo buộc người biểu tình dùng hóa chất để tấn công lực lượng chức năng.
Ít nhất một người biểu tình bị bắn chết trong tòa nhà quốc hội. Một trường hợp khác bị thương nặng vì rơi khỏi bờ tường Điện Capitol khi tìm cách trèo vào tòa nhà.
Ảnh: Reuters.
-
Hạ nghị sĩ Mỹ sẽ đề xuất luận tội Tổng thống Trump vì cổ vũ bạo loạn
Hạ nghị sĩ Ilhan Omar cho biết sẽ đề nghị luận tội Tổng thống Trump, sau vụ bạo loạn ở trụ sở Quốc hội ngày 6/1 khiến phiên họp chứng nhận kết quả bầu cử phải tạm dừng.
“Donald Trump cần bị luận tội bởi Hạ viện và phế truất bởi Thượng viện”, Hạ nghị sĩ Ilhan Omar cho biết trên Twitter. “Chúng ta không thể cho phép ông tiếp tục chức vị - đây là việc bảo vệ nền cộng hòa, và chúng ta cần làm theo lời tuyên thệ nhậm chức của mình”.
Nếu Hạ viện thực sự luận tội ông Trump, đây sẽ là lần thứ hai ông Trump bị luận tội. Đầu năm 2020, ông Trump bị luận tội bởi Hạ viện, nhưng được Thượng viện xử trắng án, sau cuộc gọi đề nghị tổng thống Ukraine điều tra gia đình Biden.
Ảnh: AP.
-
Lãnh đạo Quốc hội Mỹ quyết hoàn tất công nhận kết quả bầu cử
CNN cho biết các lãnh đạo Quốc hội Mỹ đang kêu gọi thành viên hoàn tất quá trình công nhận kết quả bầu cử trong đêm 6/1, sau khi bạo loạn bùng phát với nhóm người ủng hộ ông Trump dùng vũ lực để xông vào tòa nhà Quốc hội.
Các thượng nghị sĩ vẫn đang chờ quay lại phòng họp. Trong khi đó, một bộ phận thượng viện đang nỗ lực thuyết phục nhóm thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa không phản đối kết quả bầu tổng thống tại các bang chiến trường. Trước đó, thượng viện đã hoàn tất tranh luận về kế quả bầu tổng thống ở Arizona.
-
Người biểu tình tấn công cảnh sát Mỹ bằng hóa chất
Lãnh đạo cảnh sát thủ đô Washington DC, Robert Contee, cho biết người biểu tình của ông Trump đã tấn công nhân viên chấp pháp bằng hóa chất khi tìm cách xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ông tuyên bố vụ việc là bạo loạn.
Ít nhất 13 trường hợp đã bị bắt giữ trong khu vực và một người bị bắn ngay trong tòa nhà Quốc hội.
Thị trưởng Washington DC Muriel Bowser lên án kịch liệt hành động từ người biểu tình của ông Trump là "đáng hổ thẹn, phản quốc và trái pháp luật".
-
Nhân viên Quốc hội kịp sơ tán phiếu đại cử tri trước bạo loạn
Thượng nghị sĩ Jeff Merkely thông báo phiếu đại cử tri tại tòa nhà quốc hội Mỹ đã được "giải cứu" trước khi các phần tử bạo loạn xông vào phòng họp Thượng viện.
Ông chia sẻ: "Nếu nhân viên không kịp giành lấy những thùng phiếu, có lẽ chúng đã bị nhóm người đó thiêu rụi".
Ảnh: Twitter Thượng nghị sĩ Jeff Merkley.
-
Cảnh sát Washington DC: Ít nhất 13 người đã bị bắt giữ
Cảnh sát trưởng Washington DC Robert Contee cho biết ít nhất 13 người đã bị bắt trong số những người ủng hộ ông Trump xông vào Quốc hội Mỹ.
"Con số này sẽ tăng. Tôi muốn nói thêm một điểm quan trọng là không ai trong số bị bắt là người dân Washington Dc. Tất cả bị bắt đều là người từ nơi khác tới", ông nói. Ông Contee cho biết vài cảnh sát bị thương và đang được chữa trị.
-
Ảnh: Getty, AP.
-
TT Trump kêu gọi người biểu tình "về nhà", nhưng vẫn cáo buộc bầu cử gian lận
Trong một đoạn video dài 1 phút và được quay trước, Tổng thống Trump kêu gọi những người ủng hộ ông đang chiếm đóng tòa nhà quốc hội hãy "về nhà trong an toàn".
"Các bạn phải về nhà", ông nói. "Chúng ta phải có trật tự và luật pháp. Chúng ta phải tôn trọng dân tộc vĩ đại của mình trong trật tự và luật pháp. Tôi không muốn ai bị thương".
Dù vậy, ông tiếp tục lặp lại cáo buộc vô căn cứ rằng cuộc bầu cử năm 2020 có gian lận.
Twitter nhanh chóng gắn nhãn dán cảnh báo cho video đó, thông báo rằng "tuyên bố này về gian lận bầu cử không được xác nhận, và tweet này không thể được trả lời, hay retweet hay thích vì nguy cơ bạo lực".
-
Tổng thống "không nỗ lực hết sức" để ngăn bạo lực
CNN dẫn lời một cố vấn Nhà Trắng cho biết các phụ tá của ông Trump đang không hài lòng vì tổng thống "không nỗ lực hết sức" để ngăn chặn bạo lực của đám đông biểu tình ở Điện Capitol.
Cố vấn trên cũng cho biết các phụ tá đã đề xuất Tổng thống Trump ra mặt kêu gọi cử tri chấm dứt bạo lực ở tòa nhà Quốc hội.
Trước đó, Tổng thống Trump viết trên Twitter: "Xin hãy hỗ trợ cảnh sát Điện Capitol và lực lực hành pháp của chúng ta. Họ bảo vệ đất nước này. Đừng kích động!".
-
Ông Biden kêu gọi Tổng thống Trump "yêu cầu việc này kết thúc"
Tổng thống đắc cử Joe Biden đã lên án tình trạng bạo lực hiện tại trong Điện Capitol. "Vào lúc này, nền dân chủ của chúng ta đang bị tấn công ở mức chưa từng có, nó không giống bất kỳ điều trong lịch sử hiện tại", ông Biden nói từ Wilmington, bang Delaware. "Cảnh tượng hỗn loạn ở Điện Capitol không thể hiện nước Mỹ thật sự và hình ảnh thật sự của chúng ta".
"Những gì chúng ta thấy chỉ là một số nhỏ người cực đoan dâng hiến mình cho sự vô pháp", ông nói.
"Tôi kêu gọi Tổng thống Trump lên truyền hình quốc gia ngay lúc này, làm tròn lời tuyên thệ (khi nhậm chức tổng thống - PV) và bảo vệ hiến pháp, kêu gọi cuộc chiếm đóng này chấm dứt", theo cựu phó tổng thống. "Đây không phải một cuộc biểu tình, đây là cuộc nổi loạn. Cả thế giới đang nhìn".
-
Ivanka gọi những người biểu tình là "người yêu nước"
Theo CNN, trong khi chia sẻ bài đăng của cha trên Twitter, Ivanka Trump gọi nhóm biểu tình bạo động là "những người yêu nước". Bà kêu gọi cử tri đang biểu tình ở Điện Capitol hãy "ngừng kích động bạo lực". Tuy nhiên, tweet này nhanh chóng bị xóa đi sau đó.
Ảnh: CNN.
-
Vệ binh Quốc gia được điều động
Tờ New York Times dẫn lời một quan chức quân đội cho biết Tư lệnh Lục quân Ryan McCarthy và quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller đã điều động lực lượng Vệ binh Quốc gia đến trấn áp những người biểu tình ở Điện Capitol.
Nhà Trắng cũng thông báo Vệ binh Quốc gia đang trên đường đến Điện Capitol "theo lệnh của Tổng thống Trump".
Ảnh: New York Times, Getty.
-
Ảnh: Getty, AP.
-
Một người bị bắn
Một người biểu tình trong đám đông hỗn loạn ở Điện Capitol đã bị bắn. Theo Washington Post, xe cứu thương đã lập tức có mặt trên Đại lộ Độc lập, trước cổng Điện Capitol để đưa người bị thương đến bệnh viện. Các sĩ quan cảnh sát cho biết nạn nhân là một "phụ nữ da trắng, bị bắn vào vai".
Sau khi người phụ nữ mặt bê bết máu được đưa đi, đám đông biểu tình hét lớn: "Lũ sát nhân!" và tiếp tục tiến về phía trước.
-
"Vệ binh đâu rồi?"
Phóng viên Abby Phillip của CNN lưu ý rằng việc thiếu thốn Vệ binh Quốc gia tại Điện Capitol là một điều tương phản với mùa hè năm ngoái, khi vệ binh được điều động nhanh chóng để đối phó với người biểu tình ủng hộ phong trào Black Lives Matter.
"Nguồn lực khủng khiếp chúng ta thấy ở D.C. mùa hè năm ngoái... đâu cả rồi? Không hề giống cảnh tượng hôm nay khi nghị sĩ hai viện bị phong tỏa và không thể tiếp tục nghĩa vụ của họ, còn những người biểu tình bạo lực xông vào Điện Capitol".
-
Washington Post: Bộ Quốc phòng từ chối điều động vệ binh cho Điện Capitol
Tờ Washington Post thông tin rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã từ chối yêu cầu của giới chức thủ đô Washington về việc triển khai Vệ binh Quốc gia đến Điện Capitol.
Bloomberg đưa tin nhân sự của Dịch vụ Bảo vệ Liên bang và Mật vụ Mỹ đã được triển khai đến tòa nhà quốc hội. Cảnh sát quốc hội được nhìn thấy đang chĩa súng vào phòng Hạ viện.
Ảnh: AP.
-
Ông Joe Biden sắp phát biểu
NBC đưa tin tổng thống đắc cử Joe Biden sắp phát biểu. Đây là một động thái đáng chú ý vì ông Biden hầu như giữ thái độ im lặng vài tuần qua, chỉ tập trung cho quá trình chuyển giao quyền lực mà không bình luận về các cáo buộc vô căn cứ từ phía ông Trump hay các kế hoạch lật ngược kết quả bầu cử.
-
Nghị sĩ được phát mặt nạ phòng độc
Ảnh: Igor Bobic/Huffington Post, Reuters.
-
Nghị sĩ được phát mặt nạ phòng độc
Hạ nghị sĩ Gerry Connonlly ở Virginia, đảng viên Dân chủ, xác nhận trên Twitter rằng các thành viên Hạ viện đã được trao mặt nạ phòng độc và hướng dẫn sơ tán khỏi phòng Rotunda.
-
Một người nổ súng
Phóng viên Matt Fuller của HuffPost đưa tin từ tòa nhà Quốc hội cho biết một người biểu tình đã nổ súng về phía văn phòng Hạ viện. Lực lượng bảo vệ Điện Capitol đã nỗ lực khống chế và tước súng của người đàn ông này.
Người biểu tình trong Điện Capitol. Ảnh: New York Times.
-
Ông Trump nổi giận với phó tổng thống
Tổng thống Trump đã lên Twitter để thể hiện sự giận dữ sau tuyên bố của ông Mike Pence.
"Mike Pence không có đủ can đảm để làm những gì ông ấy đáng lẽ phải làm nhằm bảo vệ đất nước và Hiến pháp của chúng ta, qua đó giúp nước Mỹ chứng nhận sự thật thay vì những điều dối trá được trình bày trước đó. Nước Mỹ yêu cầu sự thật!", tổng thống viết.
Trước phiên họp của quốc hội ít giờ, ông Pence đã công bố lá thư nói rằng ông "yêu Hiến pháp" và ông không được hiến pháp trao cho thẩm quyền định đoạt cuộc bầu cử. Tuyên bố trên được xem là "gáo nước lạnh" tạt vào các nỗ lực của ông Trump và người ủng hộ với mong muốn ông Pence đóng vai trò chủ chốt trong việc lật ngược kết quả bầu cử và trao chiến thắng cho ông Trump. Dù vậy, các chuyên gia đều nói rằng ông Pence hoàn toàn không có quyền đó và các nỗ lực của tổng thống sẽ vô ích.
-
Thượng viện tạm ngưng tranh luận
Phiên tranh luận tại Thượng viện Mỹ về kết quả bỏ phiếu của đại cử tri Arizona phải tạm ngưng. Trước đó, hình ảnh cho thấy người biểu tình đã xông vào Điện Capitol và đứng trước phòng họp của Thượng viện.
-
Người biểu tình xông vào tòa nhà quốc hội
Người biểu tình, mang theo biểu ngữ ủng hộ Tổng thống Trump, đã xông vào Điện Capitol và đứng trước cửa phòng họp của Thượng viện. Các chính trị gia được khuyên ở yên bên trong, khóa cửa và tránh lại gần cửa sổ.
Theo CNBC, Phó tổng thống Mike Pence đã được hộ tống ra khỏi phòng Thượng viện.
-
Người ủng hộ ông Trump đổ về tòa nhà quốc hội
Khi các cuộc tranh luận đang diễn ra bên trong, người ủng hộ ông Trump cũng đổ về tòa nhà quốc hội và cố xô đổ hàng rào bảo vệ quanh Điện Capitol. Theo Alayna Treene, phóng viên phụ trách Nhà Trắng của Axios, các phóng viên ngồi tại phòng báo chí của Điện Capitol được thông báo rằng nếu người biểu tình xông vào tòa nhà, họ sẽ được sơ tán đến phòng họp của Thượng viện và khóa cửa lại.
Ảnh: Reuters.
-
Cách Đồi Capitol không xa, Tổng thống Trump cũng vừa phát biểu trước đám đông người ủng hộ, tuyên bố ông sẽ không nhận thua.
"Chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng. Chúng ta không bao giờ nhượng bộ", ông Trump phát biểu tại một buổi vận động ở công viên Ellipse gần Nhà Trắng.
"Chúng ta thắng cuộc bầu cử này, một cách áp đảo. Kết quả không hề sít sao", ông Trump tuyên bố.
Đây không phải là cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump đầu tiên sau ngày tổng tuyển cử 3/11/2020. Trước đó, các cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra vào tháng 11 và tháng 12/2020. Một số cuộc biểu tình khởi đầu trong hòa bình, nhưng kết thúc bằng bạo lực giữa hai phe ủng hộ và phản đối ông Trump.
Ảnh: Reuters.
-
"Sao Ted Cruz không chất vấn cuộc bầu cử quốc hội?"
Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar từ bang Arizona dẫn ra tuyên bố của các quan chức an ninh và giám sát bầu cử Mỹ rằng cuộc bầu cử năm 2020 là cuộc bầu cử an toàn nhất lịch sử Mỹ.
Bà cũng chất vấn tại sao ông Ted Cruz không lên tiếng phản đối khi các nghị sĩ từ đảng Cộng hòa, cũng được bầu lên trong cuộc bầu cử vừa rồi, tuyên thệ nhậm chức, dù ông nói đó là một cuộc bầu cử gian lận.
-
"Ngọn cờ đầu" của phong trào phản đối kết quả lên tiếng
Thượng nghị sĩ Ted Cruz lặp lại yêu cầu của ông là lập ủy ban kiểm tra kết quả bỏ phiếu tại các bang tranh chấp trong 10 ngày và ông sẽ lặp lại việc phản đối kết quả ở các bang tranh chấp khác, như đã làm với Arizona.
Ông dẫn ra một cuộc khảo sát với kết quả 39% người Mỹ được hỏi nói họ tin cuộc bầu cử đã bị can thiệp.
-
Đồng minh của ông Trump kêu gọi ngưng "hủy hoại nền cộng hòa"
Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell, một đồng minh lâu năm của tổng thống, phản đối việc các nghị sĩ nỗ lực thay đổi kết quả, thái độ ông đã giữ trong vài tuần gần đây. "Chúng ta không được coi mình là một hội đồng bầu cử quốc gia có thẩm quyền cao hơn. Cử tri, tòa án, và các bang đều đã lên tiếng. Họ đã lên tiếng. Nếu chúng ta vượt quyền họ, nền cộng hòa sẽ bị phá hoại mãi mãi", ông nói.
-
Phó tổng thống tách mình ra khỏi nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử
Vài giờ trước phiên họp của lưỡng viện, Phó tổng thống Mike Pence đã công bố lá thư bác bỏ các áp lực cho rằng ông có thể thay đổi kết quả cuộc bầu cử.
"Tôi không tin rằng các vị cha lập quốc đã trao cho phó tổng thống quyền đơn phương định đoạt ai có được phiếu đại cử tri, và chưa phó tổng thống nào trong lịch sử sử dụng thẩm quyền đó", ông Pence viết.
Phó tổng thống được xem là chủ tịch Thượng viện Mỹ và sẽ chủ trì phiên họp xác nhận kết quả. Những ngày qua, ông đứng trước áp lực từ tổng thống và người ủng hộ, những người cho rằng ông có thực quyền để đơn phương tuyên bố ai thắng cử.
Ảnh: Reuters.
-
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Các cuộc tranh luận ở mỗi viện chỉ được kéo dài tối đa hai giờ. Mỗi thành viên trong viện có nhiều nhất 5 phút để phát biểu, dù có thể nhường thời gian của mình cho người khác. Sau đó, mỗi viện sẽ bỏ phiếu riêng để thông qua hay bác bỏ kết quả.
Kết quả chỉ có thể bị bác nếu cả hai viện cùng bỏ phiếu chống, điều không thể xảy ra khi đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện.
-
Ảnh: New York Times, Reuters.
-
Bắt đầu ở Arizona
Vì phó tổng thống đọc tên các bang theo thứ tự alphabet, Arizona được đoán là chiến trường đầu tiên. Và như các phán đoán, ngay sau khi Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar thông báo 11 phiếu đại cử tri của bang Arizona sẽ được về tay cựu Phó tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ Kamala Harris, ông Paul Gosar - Hạ nghị sĩ Cộng hòa cũng từ Arizona - đã đứng lên phản đối.
Phó tổng thống Mike Pence hỏi liệu lời phản đối của ông Gosar có được thượng nghị sĩ nào ủng hộ không. Thượng nghị sĩ Ted Cruz và một số người đứng lên. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã đứng lên vỗ tay sau lời phản đối này.
Lưỡng viên dừng họp để mỗi viện tranh luận.
Ảnh: Reuters.
-
Phiên họp vốn thủ tục trở thành tâm điểm
Lưỡng viện Quốc hội Mỹ bắt đầu cuộc họp chung vào lúc 13h ngày 6/1 (giờ Bờ Đông, khoảng 1h ngày 7/1 giờ Hà Nội) tại Đồi Capitol để kiểm đếm và xác nhận kết quả bỏ phiếu lựa chọn tổng thống của đại cử tri đoàn.
Hai thùng phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống sẽ được Phó tổng thống Mike Pence - Chủ tịch Thượng viện - chính tay mở và trao lại cho một số nghị sĩ được chỉ định để đọc to kết quả.
Nếu các đại cử tri đã bầu theo đúng kết quả bỏ phiếu phổ thông, số phiếu của ông Joe Biden sẽ là 306, so với 232 của Tổng thống Donald Trump.
Phần lớn nghị sĩ ở hai viện cho biết họ đồng tình với kết quả nói trên. Tuy nhiên, 140 hạ nghị sĩ và ít nhất 13 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ phản đối kết quả bầu cử ở các bang Arizona, Georgia và Pennsylvania.
Nếu ít nhất một thành viện Thượng viện và một thành viên Hạ viện cùng ký tên vào đơn phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri, thủ tục xem xét khiếu nại sẽ được khởi động.
Mỗi viện sẽ thảo luận và bỏ phiếu riêng, thời gian không kéo dài quá 2 tiếng cho từng phản đối.
Sự phản đối sẽ được thông qua nếu nhận được ủng hộ của hơn một nửa nghị sĩ ở cả Thượng viện và Hạ viện.
Ảnh: Reuters.