Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người bị lãng quên ở Thượng Hải

Hàng trăm nghìn người già ở Thượng Hải đang mắc kẹt trong cảnh phong tỏa, thiếu thực phẩm và thuốc men. Họ phải sống dựa vào sự giúp đỡ từ những người hàng xóm xung quanh.

Thuong Hai phong toa anh 1

Nhân viên y tế giúp một người đàn ông ngồi trên xe lăn trong đợt xét nghiệm hàng loạt ở quận Tĩnh An, phía tây Thượng Hải, vào ngày 4/4. Ảnh: AP.

Khu phố của ông Yang Weimin, 66 tuổi, ở Thượng Hải, nhận lệnh phong tỏa đột ngột vào ngày 22/3, sau khi phát hiện một ca mắc Covid-19. Thời điểm đó, ông Yang và vợ chỉ còn lượng thức ăn đủ cho 3-5 ngày.

Giống như nhiều người dân Thượng Hải khác, cặp vợ chồng già không dự trữ nhiều thực phẩm trong nhà, vì nghĩ rằng họ có thể mua bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, ông Yang đã không lường trước sự bùng phát đột ngột của dịch Covid-19 và các lệnh phong tỏa liên tục. Đến ngày 4/4, gia đình ông không có thịt, trứng và sữa trong nhiều ngày.

“Tôi bị đột quỵ và bác sĩ nói rằng cần ăn đủ chất đạm mỗi ngày để cơ thể hoạt động tốt”, ông nói.

Tuy nhiên, cả ông Yang và vợ đều phải thay đổi chế độ ăn uống sau khi khu phố bị phong tỏa. Họ chứng kiến ​​lượng thực phẩm trong nhà vơi dần mà không biết khi nào sẽ được ra ngoài.

Khó khăn chồng chất

“Nếu việc phong tỏa kéo dài 7-10 ngày, chúng tôi vẫn có thể trụ vững, nhưng đã hơn 20 ngày rồi”, ông Yang nói.

Con gái của ông đang bị cách ly trong một khu nhà khác và không thể đến thăm họ hoặc mang theo đồ tiếp tế.

Cặp vợ chồng già cũng không thể sử dụng điện thoại thông minh. Ông Yang bị cận thị nặng và vợ ông từng phải phẫu thuật bong võng mạc. Do đó, cách duy nhất để họ mua được thực phẩm là chờ chính phủ phân phát. Tuy nhiên, họ không được hỗ trợ thường xuyên vì cơ sở hậu cần của thành phố đang quá tải.

Sau đó, ông Yang nhìn thấy một tờ ghi chú dán trên cửa ra vào của tòa nhà với nội dung: “Nguồn cung đang thiếu hụt nên rất khó đặt đồ ăn. Một số nhóm đang tự tổ chức mua hàng để mọi người mua thực phẩm thường xuyên. Nếu không thể sử dụng WeChat, hãy cho tôi biết bạn cần gì và tôi sẽ hỗ trợ”.

Lời nhắn này đến từ Wang Haoyu, 27 tuổi, hàng xóm của ông Yang. Anh và bạn gái lo lắng những người già sống trong tòa nhà không thể đối phó với tình trạng thiếu lương thực.

Thuong Hai phong toa anh 2

Rau củ người dân Thượng Hải mua được trong cảnh phong tỏa. Ảnh: South China Morning Post.

“Cho đến ngày 2/4, 10 ngày sau khi bắt đầu phong tỏa, người phụ trách khu phố chỉ tổ chức cho người dân mua ‘hộp rau’ hai lần, mỗi hộp 2-3 kg”, anh nói.

Vì vậy, họ lên kế hoạch giúp những người lớn tuổi sống một mình trong tòa nhà. Wang và bạn gái mua thức ăn thông qua các cư dân khác để chuyển cho những người lớn tuổi, dù giá cả đôi khi cao hơn giá thị trường vài lần.

“Đó không phải là một câu chuyện ấm áp về những người hàng xóm giúp đỡ nhau hay người trẻ giúp đỡ người già. Đó là một bi kịch", anh nói.

Hành trình gian nan

Ngoài thực phẩm, Thượng Hải cũng đang thiếu hụt nguồn cung y tế. Việc đi khám bệnh gần như bất khả thi dưới các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.

Theo chia sẻ của một nhóm sinh viên tình nguyện có tên “Hỗ trợ y tế khẩn cấp ở Thượng Hải”, họ nhận được 1.686 yêu cầu hỗ trợ, bao gồm yêu cầu về thuốc điều trị bệnh mạn tính, thuốc chữa bệnh tâm thần, hóa trị, lọc máu. Và đa số bệnh nhân là người cao tuổi.

“Chúng tôi chưa thống kê được số người ở các nhóm tuổi khác nhau, nhưng ít nhất hơn một nửa trong số những người tìm kiếm sự giúp đỡ trên 60 tuổi”, Xu Yixing, 18 tuổi, một thành viên trong nhóm cho biết.

Thuong Hai phong toa anh 3

Một nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho một người cao tuổi bị hạn chế vận động ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Là một tình nguyện viên, Xu đã lắng nghe chia sẻ của rất nhiều người già không nơi nương tựa. Trong đó có một bệnh nhân bị nhiễm độc niệu. Các tình nguyện viên phải trải qua một hành trình gian nan để đưa bệnh nhân này đến bệnh viện.

“Đầu tiên chúng tôi gọi cho người phụ trách khu phố để xem họ có thể cử một chiếc ôtô để chở ông ấy không, sau đó chúng tôi liên hệ với cơ quan cấp cao hơn, và cuối cùng là cảnh sát, nhưng tất cả đều nói ‘không’. Cuối cùng, chúng tôi gọi một chiếc taxi để đưa anh ấy từ Phố Tây, vượt sông đến Phố Đông”, Xu kể lại.

Nhưng họ tiếp tục gặp trở ngại. Hai khu vực này kiểm soát dịch riêng biệt nên taxi từ Phố Tây không thể đến Phố Đông. Vì vậy, bệnh nhân phải ra khỏi xe, trình giấy phép và giấy chứng nhận cho cảnh sát, rồi gọi một chiếc taxi khác ở bên kia sông để đến bệnh viện.

Theo chia sẻ của Xu, việc giúp đỡ những bệnh nhân mắc Covid-19 thậm chí còn khó khăn hơn.

"Tôi nhận được một cuộc gọi lúc 23h từ một người phụ nữ đang khóc nức nở, bà nói: 'Làm ơn, làm ơn, hãy giúp tôi, tôi thực sự rất đau đớn’", anh nhớ lại.

Người phụ nữ lớn tuổi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và phải cách ly trong một khách sạn trước khi được chuyển đến điểm cách ly tập trung. Bà bị bệnh gút nặng.

“Tình trạng của bà ấy không nguy hiểm đến tính mạng và các tình nguyện viên của chúng tôi - những người không được chính phủ công nhận - không thể thay bà liên lạc với các cơ quan chính phủ. Do đó, điều duy nhất tôi có thể làm là cung cấp số điện thoại của cơ sở cách ly và văn phòng quản lý đường phố để bà ấy tự liên hệ”, Xu giải thích.

Cách biệt với xã hội

Một vấn đề lớn khác mà người cao tuổi ở Thượng Hải đang phải đối mặt là sự cô lập với xã hội.

Wang Houhou, 29 tuổi, sống cùng bạn trai họ Li trong một khu nhà cũ, chia sẻ một người hàng xóm của cô ở tuổi ngoài 80, không biết chuyện gì đang xảy ra bên ngoài trong nhiều ngày. Ông liên tục hỏi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ chưa.

Thuong Hai phong toa anh 4

Tập truyện tranh, tiền mặt và thư cảm ơn Wang Houhou nhận được từ người hàng xóm lớn tuổi. Ảnh: South China Morning Post.

“Ông ấy bị lãng tai, sống một mình trong căn hộ và không ra ngoài thường xuyên. Tôi có thể nghe thấy tiếng ông ho cả ngày”, cô nói.

Theo Wang, người hàng xóm lớn tuổi đã gọi con trai đến ở cùng từ trước khi phong tỏa, nhưng con ông chưa bao giờ xuất hiện.

Vì vậy, cô để lại một mảnh giấy trên cửa nhà hàng xóm, nói rằng cô sẵn sàng giúp đỡ khi cần.

Sau đó, Wang bắt đầu nhận được các cuộc gọi từ ông, yêu cầu giúp đỡ mọi thứ từ việc tìm bác sĩ đến mua đồ ăn.

Sau nhiều ngày, ông gõ cửa nhà Wang và đưa cho cô ấy một tập truyện tranh truyền thống của Trung Quốc, cùng 500 nhân dân tệ và lời nhắn: “Chào Wang và Li, cảm ơn sự quan tâm của cháu. Giờ ông gửi cháu 500 nhân dân tệ (78 USD) và sẽ trả phần còn lại sau. Cháu có thể đến gặp ông khi đọc xong cuốn truyện để đổi lấy sách mới”.

Dân Trung Quốc vét sạch các siêu thị

Khắp Trung Quốc, người dân lao vào cuộc đua tích trữ đồ ăn, nhu yếu phẩm thiết yếu vì lo ngại sẽ rơi vào cuộc phong tỏa tương tự Thượng Hải do Covid-19 bùng phát.

Sau Thượng Hải, Trung Quốc sẽ phong tỏa tiếp ở đâu?

Hình ảnh người dân Thượng Hải chật vật, khó mua nhu yếu phẩm giữa cảnh phong tỏa đã làm dấy lên lo ngại về viễn cảnh chống dịch không mấy tươi sáng trên khắp Trung Quốc.

Hải Linh

Theo South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm