Ngay cả khi các nhà chức trách hứa hẹn với công chúng rằng họ đã chuẩn bị tốt, những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy tình hình thực tế về chính sách “Zero Covid-19” ở Thượng Hải đang khiến người dân Trung Quốc lo ngại, theo CNN.
Mới đây, Quảng Châu đã trở thành đô thị lớn tiếp theo của Trung Quốc bị phong tỏa nghiêm ngặt sau khi các ca mắc Covid-19 được phát hiện vào tuần trước.
Bất chấp lời cam kết của giới chức địa phương rằng thực phẩm và nguồn cung nhu yếu phẩm thường nhật sẽ được đảm bảo, một tờ báo địa phương đã đưa tin về tình trạng thiếu hụt tại các siêu thị do người dân hoảng loạn tranh giành mua hàng ngay sau đó.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, hàng loạt bài hướng dẫn giúp người dân xoay xở trong tình trạng phong tỏa cũng được lan truyền chóng mặt, bao gồm các mẹo bảo quản để rau tươi lâu.
Phân phát thực phẩm tại một khu dân cư ở Thượng Hải, ngày 5/4. Ảnh: Reuters. |
Các chuyên gia nhận định những gì đang diễn ra ở Thượng Hải có thể tạo tiền lệ cho giới chức Trung Quốc áp dụng biện pháp ngày càng khắc nghiệt ở nhiều địa phương khác.
"Thời gian chống dịch vừa qua ở Thượng Hải đã để lại ‘một di sản'. Đó là sự quay trở lại của biện pháp phong tỏa hàng loạt đối với các thành phố lớn trong thời gian gần và trung hạn", chuyên gia an ninh y tế Nicholas Thomas, Phó giáo sư tại Đại học Thành phố Hong Kong cho biết.
Sẽ có thêm nhiều cảnh phong tỏa
Những dấu hiệu lo lắng của công chúng xuất hiện khi Trung Quốc bước vào giai đoạn khó khăn trong cuộc chiến chống lại virus.
Đợt bùng phát ở Thượng Hải và tỉnh Cát Lâm đã chứng kiến biến chủng Omicron BA.2 đẩy số ca mắc Covid-19 lên mức cao chưa từng thấy ở đại lục.
Điều này đặt ra thách thức đối với chính quyền Bắc Kinh khi các nhà chức trách vẫn kiên định theo đuổi chiến lược “Zero Covid-19” để chống dịch.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ không mạo hiểm nới lỏng các biện pháp trước đó vì lo ngại bùng phát bất ổn. Đặc biệt là khi Bắc Kinh sắp trải qua cuộc cải tổ chính trị vào mùa thu năm nay, và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến đảm nhận nhiệm kỳ thứ ba - một động thái chưa từng có trong những thập kỷ gần đây.
Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cảnh báo Omicron có thể đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe vào tình trạng quá tải và khiến người cao tuổi, đối tượng chậm tiêm chủng, gặp nguy hiểm.
Dù vậy, trên thực tế, ngay cả khi Bắc Kinh theo đuổi chính sách “Zero Covid-19”, quét sạch virus, nước này vẫn đối mặt với khả năng bùng phát nhiều đợt dịch lớn khi Omicron lan rộng.
Nhân viên y tế tại bệnh viện dã chiến dành cho bệnh nhân Covid-19 ở Thượng Hải ngày 7/4. Ảnh: AFP. |
Các nguồn lực bị “kéo căng” nghiêm trọng trong khi các bác sĩ từ khắp nơi được điều đến điểm nóng để hỗ trợ, từ xét nghiệm hàng loạt đến xây dựng bệnh viện dã chiến.
Việc theo đuổi chính sách này cũng làm tăng khả năng chính quyền địa phương áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn để đảm bảo quy mô lây lan của virus không đạt đến mức như tại Thượng Hải.
“Viễn cảnh về những lần phong tỏa tiếp theo là một thực tế mà nhiều người Trung Quốc phải đối mặt, do bản chất của virus (và vì) chiến lược ‘Zero Covid-19’ phụ thuộc vào biện pháp này để kiểm soát dịch", ông Alfred Wu, Phó giáo sư thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết.
Niềm tin tan vỡ
Rõ ràng việc phong tỏa nhiều lần và các hạn chế khác có thể khiến Trung Quốc phải trả những cái giá đắt.
Ở cả Thượng Hải và thủ phủ tỉnh Cát Lâm - Trường Xuân - số ca mắc tiếp tục tăng dù biện pháp phong tỏa đã được áp đặt khiến ngày càng nhiều người đặt câu hỏi khi nào tình cảnh mới kết thúc.
Và trước hình ảnh người dân chật vật xoay xở mua nhu yếu phẩm khi bị hạn chế ở trong nhà, các cuộc thảo luận trực tuyến về việc liệu rủi ro nhiễm bệnh có lớn hơn “cái giá” phong tỏa cũng được đặt lên bàn cân.
“Giới chức Bắc Kinh cần củng cố lại niềm tin của người dân với chính phủ và ngành y tế để đối phó với đại dịch một cách hiệu quả”, ông Thomas cảnh báo. “Nếu không, khả năng kiểm soát các đợt bùng phát trong tương lai của họ sẽ hạn chế hơn nhiều”.
Người dân Thượng Hải đổ xô đi mua hàng sau khi chính quyền tuyên bố phong tỏa thành phố hồi tháng trước. Ảnh: South China Morning Post. |
Cho đến nay, nhiều hạn chế và biện pháp chống dịch đã được triển khai trên khắp Trung Quốc.
Tại Quảng Châu, các trường học đã chuyển sang học trực tuyến từ tuần trước. Trong khi đó, một trung tâm triển lãm lớn đã được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến phục vụ cách ly và chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
Trong khi đó, ở thành phố Vũ Hán, nơi virus được xác định lần đầu tiên vào cuối năm 2019, hành khách đi tàu điện ngầm cần xuất trình kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính.
Tại Bắc Kinh, cư dân trong khu vực có nguy cơ cao bị hạn chế di chuyển. Giới chức thủ đô Trung Quốc tuần trước cho biết các trường hợp tiếp xúc gần đang được theo dõi, trong khi họ chạy đua để phá vỡ “chuỗi lây nhiễm” có liên quan đến một cửa hàng quần áo và trường mẫu giáo.
CNN nhận định hiện các đợt bùng phát dịch vẫn còn nhỏ. Nhưng hiệu quả của những biện pháp chống dịch và tác động của chúng đến cuộc sống về lâu dài vẫn còn là một câu hỏi.
“Vì biến chủng Omicron dễ lây lan và hầu hết trường hợp là mắc bệnh nhẹ, nên việc ngăn chặn nó sẽ khó hơn nhiều so với các biến chủng trước đó”, Alex Cook, Phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết.
“Mặc dù Trung Quốc có thể đã đạt được những thành công đáng kinh ngạc nhờ chính sách ‘Zero Covid-19’, vẫn chưa rõ liệu chiến lược này có còn khả thi trong kỷ nguyên Omicron hay không”, ông nói thêm.