Những giờ đầu tiên sau khi các cảnh sát ở Dallas bị tấn công trong một cuộc tuần hành đêm 7/7, Sở Cảnh sát Dallas (DPD) nhanh chóng đăng ảnh một người đàn ông da đen, đeo súng trường sau lưng, lên trang Twitter chính thức. Họ tuyên bố đây là một trong những nghi phạm và kêu gọi người dân giúp đỡ thông tin để bắt anh ta.
Cộng đồng mạng nhanh chóng hưởng ứng lời kêu gọi này ở Mỹ. Bài đăng của DPD được chia sẻ lại tới gần 40.000 lượt. Hình ảnh của anh ngập tràn trên các phương tiện truyền thông thế giới. Người dân nhanh chóng xác định được nhân vật trong hình là Mark Hughes.
Tấm hình khiến Mark Hughes trở thành đối tượng bị truy lùng gắt gao nhất Dallas trong đêm 7/7. Ảnh: Twitter/DallasPD |
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, DPD đã truy lùng không đúng người. Bên cạnh đó, việc Mark mang súng sau lưng có thể khiến nhiều người kinh ngạc, nhưng đây là hành động hợp pháp ở bang Texas.
Nhóm phóng viên của CBS đã tìm được anh trai của Mark là Corey. Người này khẳng định cảnh sát đã sai lầm khi tuyên bố em của anh ta là nghi phạm.
Corey nói Mark chỉ đến trung tâm Dallas để tham gia cuộc biểu tình ôn hòa. Khi phóng viên hỏi vì sao Mark lại xuất hiện ở sự kiện này, Corey trả lời: "Đó là quyền của cậu ấy".
Điều khiến Corey lo ngại là em trai có thể bị cảnh sát tấn công nếu họ trông thấy anh ta.
Không mất quá nhiều thời gian để Mark biết rằng anh đang là đối tượng truy nã hàng đầu của cảnh sát. Do vậy, anh nhanh chóng trình diện ở đồn cảnh sát và giao nộp vũ khí.
Cảnh sát đã tạm giữ Mark để thẩm vấn, nhưng đã thả anh sau đó mà không có cáo buộc nào.
Nhiều người phẫn nộ với cách hành xử của cảnh sát Dallas. Họ cũng yêu cầu DPD phải xóa bài đăng trên Twitter nhưng nó vẫn còn tồn tại tính đến 19h30 ngày 8/7 (giờ Hà Nội). DPD cũng chưa chính thức lên tiếng xin lỗi Mark.
Về phần mình, Mark cũng đã trả lời trên một kênh truyền hình rằng anh nhận được nhiều lời đe dọa lấy mạng khi hình ảnh của mình xuất hiện tràn lan trên Internet.
Mark cũng cáo buộc cảnh sát đã bịa ra chuyện nhân chứng trông thấy anh đang dùng súng tấn công cảnh sát.
Đêm 7/7 (giờ địa phương), các tay súng bắn tỉa đã tấn công 12 cảnh sát, khiến 5 người chết và nhiều người bị thương. Sở Cảnh sát Dallas khẳng định các nghi phạm đã trà trộn vào dòng người biểu tình ở trung tâm Dallas, với đối tượng tấn công rõ ràng là lực lượng hành pháp.
Đây là ngày đẫm máu nhất của cảnh sát Mỹ kể từ vụ 11/9/2001, khi 72 cảnh sát thiệt mạng trong vụ tấn công tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York.