- Các tay súng bắn tỉa đã nhả đạn vào 12 cảnh sát từ các vị trí ở trên cao và khi đọ súng, khiến 4 người thiệt mạng tại hiện trường, 1 người không qua khỏi tại bệnh viện và 7 người bị thương. Đây là ngày đẫm máu nhất của cảnh sát Mỹ kể từ vụ 11/9/2001, khi 72 cảnh sát thiệt mạng trong vụ tấn công tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York.
- Cảnh sát thứ 11 trúng đạn khi đấu súng với một nghi phạm.
- Cảnh sát đã bao vây một nghi phạm và quá trình thương thuyết đang diễn ra sau 45 phút đấu súng. Nghi phạm này được xác định đã chết vì bom do cảnh sát kích nổ.
- Theo cảnh sát, 4 nghi phạm tham gia vụ tấn công. 3 kẻ tình nghi đã bị bắt và thể hiện thái độ không hợp tác với cảnh sát.
- Vụ việc xảy ra giữa dòng người biểu tình để phản đối việc hai người da đen bị cảnh sát Mỹ bắn chết tại các bang Minnesota và Louisiana.
Cuộc biểu tình của người dân vào đêm 7/7 (giờ địa phương) nhằm phản đối việc cảnh sát dùng súng tấn công những người đàn ông da đen. Vụ tấn công xảy ra vào khoảng 21h (giờ địa phương), giữa dòng người biểu tình lên đến hàng trăm người. Ngay sau đó, chính quyền Dallas đã tăng cường số lượng cảnh sát để giải tán cuộc tuần hành.
"Đây là một trong những nghi phạm tấn công cảnh sát, hãy giúp chúng tôi tìm kiếm hắn", Sở cảnh sát Dallas thông báo trên Twitter. Tuy nhiên, người đàn ông này sau đó được xác định là Mark Hughes và anh ta hoàn toàn không liên quan tới vụ tấn công. Ảnh: Twitter |
Một nghi phạm tự sát
Fox News cho hay cảnh sát đã bắt 3 nghi phạm trong vụ việc. Trong khi đó, CNN dẫn lời ông Brown cho hay cảnh sát đã thương lượng với một nghi phạm tại một bãi đỗ xe ở trung tâm thành phố Dallas, sau khi đọ súng với người này suốt 45 phút.
"Nghi phạm này nói với những người thương thuyết rằng mọi chuyện sắp kết thúc", Brown cho hay. "Những kẻ tấn công đã phục kích và nổ súng. Một số cảnh sát bị bắn vào lưng. Chúng tôi cũng đang tìm kiếm để chắc chắn liệu bom có thể được giấu trong khu vực này hay không".
Nghi phạm này sau đó được cảnh sát xác nhận là đã tự sát.
Theo NY Times, cảnh sát tin rằng 4 nghi phạm tham gia vào vụ tấn công. Chúng sử dụng súng trường và đứng ở những vị trí thuận lợi gần tuyến đường đoàn biểu tình đi qua để hành động.
Ông Brown khẳng định: "Chúng rõ ràng muốn sát hại và làm bị thương càng nhiều cảnh sát càng tốt".
Vị trí các cảnh sát bị tấn công ở thành phố Dallas. Đồ họa: Washington Post |
Gần 1 tiếng sau khi cảnh sát Dallas đăng ảnh một người đàn ông được cho là nghi phạm lên Twitter, ông này đã ra trình diện cảnh sát. Tuy nhiên họ không nêu thêm thông tin. Cảnh sát Dallas cũng đã bắt giữ một nghi phạm, nhưng không khẳng định y có phải là tay súng bắn tỉa hay không. Trong quá trình tìm kiếm, cảnh sát cũng phát hiện một gói khả nghi gần chỗ đứng của nghi phạm và bàn giao cho đội rà phá bom.
Trong khi đó, AP cho biết cảnh sát Dallas mở rộng phạm vi truy tìm nghi phạm từ trung tâm thành phố, ở các khách sạn, nhà hàng, khu dân cư. Tuy nhiên, họ vẫn chưa bắt được kẻ đã tấn công cảnh sát. Trực thăng cũng đã xuất phát để tìm kiếm trên không.
Video của một số nhân chứng quay lại cho thấy nhiều cảnh sát phải ẩn náu sau ôtô sau khi chứng kiến các đồng đội bị bắn. "Mọi suy nghĩ và lời cầu nguyện của chúng tôi lúc này đều hướng về những thành viên lực lượng hành pháp Dallas đã thiệt mạng và bị thương trong đêm nay. Trong những thời khắc như thế này, chúng ta cần phải ghi nhớ và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết của người Mỹ", Thống đốc bang Texas Greg Abbott nói.
Kẻ tấn công có chiến lược rõ ràng
Nhân chứng Carlos Harris nói với báo Dallas Morning News rằng những kẻ tấn công "có chiến lược hành động rõ ràng". "Chúng nổ súng, rồi ngưng, rồi lại tiếp tục nổ súng", Harris nói.
Anh Marcus Carter, 33 tuổi, bị xây xát nhẹ do trúng phải mảnh vỡ xi măng khi viên đạn bắn vào vỉa hè. "Khi nghi phạm dường như đã ngừng tấn công thì một đoàn tàu chở khách cũng vừa tới hiện trường. Tôi phải hét lên với họ hãy ở yên trong tàu, đừng bước ra ngoài", Carter kể.
Mục sư Jeff Hood là một trong những người đi hàng đầu của dòng người biểu tình. Ông là người chứng kiến hai cảnh sát ngã gục sau khi trúng đạn. "Tôi ngay lập tức la lên 'Mọi người chạy đi, có kẻ nổ súng'", Hood nói.
"Chúng tôi nghe thấy nhiều tiếng súng vang lên, rồi ngửi thấy mùi thuốc súng. Sau đó tình hình trở nên hỗn loạn. Chúng tôi nắm tay các con rồi tìm chỗ ẩn náu, rời khỏi dòng người", một nhân chứng nói với MSNBC.
Cuộc tuần hành đêm 7/7 ở Dallas là một trong nhiều vụ biểu tình tương tự diễn ra khắp nước Mỹ, nhằm thể hiện sự phẫn nộ của người dân trước việc cảnh sát nổ súng bắn chết 2 công dân đa đen chỉ trong 2 ngày tại bang Minnesota và Louisiana. Hai nạn nhân lần lượt là anh Philando Castile (bị cảnh sát bắn chết ngay trong ôtô với con gái 4 tuổi) và Alton Sterling (bị bắn sau khi vật lộn với cảnh sát tại một bãi đậu xe).
Trước khi vụ tấn công xảy ra, chính quyền ước tính khoảng 800 người tham gia biểu tình, dưới sự canh giữ trật tự của khoảng 100 cảnh sát.