Jiratti Kuttanam - 42 tuổi - nói với Reuters rằng cô và nhiều bệnh nhân khác sẽ nhận được nhiều lợi ích khi Thái Lan hợp pháp hóa cần sa. Cô có thể mua cần sa với giá rẻ hơn để kiểm soát cơn đau trong quá trình điều trị ung thư vú.
Chính phủ Thái Lan đã hợp pháp hóa cần sa y tế từ năm 2018. Tuy nhiên, lúc đó, cô phải dựa vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài khan hiếm. Một số bệnh nhân đã tìm đến đối tượng buôn bán cần sa bất hợp pháp.
Jiratti cho biết nụ cần sa nhập khẩu từng có giá lên tới 700 baht (20 USD)/gram, nhưng giờ giá đã giảm một nửa.
"Tôi uống cần sa thường xuyên để loại bỏ cảm giác đau đớn”, cô nói trong lúc cắt nhỏ và đun sôi lá cần sa để pha trà.
Một khách hàng cầm lọ đựng cần sa tại quán cà phê Highland ở Bangkok, Thái Lan hôm 9/6. Ảnh: Reuters. |
Cô bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối cách đây 5 năm. Hai năm sau, cô bắt đầu sử dụng dầu cần sa và các sản phẩm khác để giảm đau, loại bỏ cảm giác nôn mửa, mệt mỏi và lo lắng sau mỗi lần hóa trị.
Jiratti tin rằng một khi địa phương đã hợp pháp hóa cần sa, sản phẩm đó trở nên đáng tin cậy hơn, và cần sa là sản phẩm tốt miễn là bệnh nhân biết cách sử dụng.
“Tôi nghĩ (ai) cũng cần nghiên cứu về cách sử dụng đúng cách. Nó có thể gây hại và nguy hiểm”, cô nói.
Thái Lan là quốc gia đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa cần sa cho việc sử dụng trong y tế và công nghiệp. Các nhà lãnh đạo xứ sở chùa vàng tin rằng chính sách này sẽ là cơ hội để Thái Lan có chỗ đứng trong thị trường dược phẩm và phát triển kinh tế, du lịch hậu Covid-19.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thoải mái tiếp cận với sản phẩm này. Tuần trước, các quy định mới đã có hiệu lực, trong đó cấm hút cần sa nơi công cộng cũng như bán cần sa cho những người dưới 20 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú.