Ngày 19/10 là lần đầu tiên quốc hội Anh làm việc vào ngày thứ 7 kể từ cuộc chiến Falklands năm 1982. Hàng chục nghìn người đã tập trung bên ngoài điện Westminster để tuần hành phản đối Brexit, yêu cầu chính phủ mở cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về vấn đề này. Ảnh: Guardian. |
Trong khi các nghị sĩ đang thảo luận căng thẳng về thỏa thuận Brexit mà chính phủ của ông Johnson đạt được với EU, nhiều người vẫn phản đối kế hoạch này và cho rằng dù cho bản thỏa thuận của ông Johnson có được thông qua, tiến trình Brexit trên thực tế vẫn phải còn rất lâu mới hoàn thành, và tốt nhất là không nên để điều đó diễn ra. Ảnh: AFP. |
Cuộc tuần hành hôm thứ bảy được cho là cuộc biểu tình chống Brexit lớn nhất kể từ khi cuộc trưng cầu dân ý lần đầu tiên diễn ra vào năm 2016, và nước Anh đang bị chia cắt hơn bao giờ hết với cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài đã hơn 3 năm. Ảnh: AP. |
Những con chó cũng được chủ nhân cho mặc áo ủng hộ EU để đi tuần hành. Có khoảng 250.000 con chó và mèo ở Anh được chủ đưa sang bên kia eo biển Anh để đi du lịch cùng gia đình theo chương trình Hộ chiếu Vật nuôi của EU, Brexit diễn ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các gia đình Anh có nuôi chó mèo. Ảnh: AP. |
Một người ủng hộ EU với trang phục dựa trên 2 màu chủ đạo là xanh dương và vàng - đại diện cho những màu sắc trên lá cờ Liên minh châu Âu. Ảnh: AP. |
Đối với những người ủng hộ việc ở lại với EU, họ coi chiến dịch Bỏ phiếu Rời đi hồi năm 2016 là dựa trên những lời dối trá. Thêm vào đó, nhiều người lo ngại việc nước Anh rời khỏi EU sẽ khiến cho nguồn lao động chất lượng cao từ các nước EU tới Anh bị thu hẹp, đặc biệt là với Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). Ảnh: AP. |
Người biểu tình còn mang theo cả hình nộm Thủ tướng Boris Johnson và cố vấn hàng đầu của ông là Dominic Cummings. Ông Dominic Cummings chính là người đứng đầu điều hành chiến dịch Bỏ phiếu Rời đi trong cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2016. Ảnh: AFP. |
Những người biểu tình trẻ tuổi cũng tỏ ra hăng hái trong việc kêu gọi mọi người ở lại với EU. Các gia đình là công dân EU làm việc tại Anh và những gia đình bao gồm công dân Anh kết hôn với công dân các nước EU khác đều phản đối Brexit. Ảnh: PA. |
Thị trưởng London Sadiq Khan và diễn viên Patrick Stewart cũng xuống đường kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần 2. Vùng Greater London xung quanh thủ đô nước Anh là nơi hiếm hoi mà phần lớn người dân bỏ phiếu ở lại trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Ảnh: PA. |
Cảnh sát đứng giữa một cuộc tranh luận giữa 2 phụ nữ, một bên ủng hộ và bên kia phản đối Brexit. Ảnh: Reuters. |
Những người ủng hộ ở lại ăn mừng khi nghe tin quốc hội hoãn thông qua kế hoạch rời khỏi EU của chính phủ, yêu cầu Thủ tướng Johnson viết thư xin gia hạn lịch rời đi thêm 3 tháng. Ảnh: AP. |