Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Anh lao đao vì lạm phát liên tục lập đỉnh

Lạm phát tại Anh vừa thiết lập kỷ lục mới trong tháng 6. Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt khiến ngày càng nhiều người không thể trang trải chi phí sống.

CNBC đưa tin theo số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, lạm phát tại Anh vừa lập đỉnh mới trong vòng 40 năm. Giá thực phẩm và năng lượng tiếp tục tăng cao, khiến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt càng trở nên tồi tệ.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 9,4% so với một năm trước đó, tăng từ mức 9,1% trong tháng 5 và cao hơn dự báo trước đó của giới quan sát.

CPI tăng 0,8% so với tháng 5, vượt mức tăng 0,7% của tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ 2,4% trong tháng 4.

Lam phat tai Anh anh 1

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tại Anh tăng 9,4% so với một năm trước đó, bỏ xa mục tiêu lạm phát 2%. Ảnh: Reuters.

Khủng hoảng chi phí sinh hoạt

Trong báo cáo hôm 20/7, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) ước tính mức tăng CPI có thể lên tới 11% trong năm nay. ONS cho biết yếu tố quan trọng đóng góp vào lạm phát là giá nhiên liệu và thực phẩm.

Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao đã tạo ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Các hộ gia đình thu nhập thấp thậm chí phải lựa chọn giữa ăn uống và sưởi ấm.

Khi mức giá trần đối với nhiên liệu được sửa đổi, hóa đơn năng lượng trung bình hàng năm của một hộ gia đình ở Anh có thể tăng khoảng 50% lên 3.000 bảng (3.600 USD) vào mùa đông này. Vào tháng 4, các cơ quan quản lý đã nâng giá trần tới 54%.

Lam phat tai Anh anh 2

Sức mạnh tiêu dùng là động lực lớn đối với tăng trưởng kinh tế Anh. Ảnh: Reuters.

Để đối phó với lạm phát, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã thực hiện 5 lần nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm liên tiếp. Tuy nhiên, hôm 19/7, Thống đốc Andrew Bailey cho biết Ủy ban Chính sách Tiền tệ Anh (MPC) có thể cân nhắc tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tháng 8.

Nếu BoE nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, đây sẽ là đợt tăng lãi suất lớn nhất trong vòng gần 30 năm. Thống đốc Bailey khẳng định không có bất cứ ngoại lệ nào đối với ngân hàng trung ương trong cam kết đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.

"Từ khía cạnh tiền tệ, đây là một trong những thời điểm thách thức nhất đối với chế độ chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu kể từ khi MPC ra đời", ông Bailey chia sẻ.

Nguy cơ suy thoái kinh tế

BoE dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh 11% vào cuối năm. Trong khi đó, mức lương thực tế tại Anh trong tháng 3, 4, 5 đã lao dốc xuống ngưỡng thấp nhất trong vòng 21 năm. Nguyên nhân là thu nhập không thể theo kịp lạm phát.

Theo ước tính của nhóm nghiên cứu Resolution Foundation, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, thu nhập khả dụng của một hộ gia đình điển hình tại Anh chỉ tăng 0,7%/năm trong vòng 15 năm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Mức sống của 20% dân số nghèo nhất cũng không mấy cải thiện sau gần 20 năm.

"Điều này cần được thay đổi trong thập kỷ tới, nhất là việc thu nhập của các hộ gia đình nghèo ở Anh không hề đi lên trong 20 năm qua", ông Adam Corlett - nhà kinh tế tại Resolution Foundation - nhấn mạnh.

Chi phí sinh hoạt tăng cao đã gây áp lực đáng kể lên nền kinh tế Anh, vốn được thúc đẩy bởi sức mạnh tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là nguy cơ suy thoái kinh tế đang gia tăng mạnh ở Anh

Ông Hussain Mehdi - chiến lược gia vĩ mô và đầu tư tại HSBC Asset Management

Gánh nặng lạm phát đè nặng lên triển vọng kinh tế Anh. Theo ONS, đà giảm đã nhanh hơn kể từ tháng 4. GDP ước giảm 0,3%. Cả 3 lĩnh vực chính của nền kinh tế - dịch vụ, chế tạo và xây dựng - đều lao dốc. Trong tháng 5, doanh số bán lẻ ghi nhận tháng giảm thứ 2 liên tiếp.

Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn. Trong một báo cáo được công bố hồi đầu tháng, BoE cảnh báo rằng triển vọng của nền kinh tế đã xấu đi.

Tháng trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo nền kinh tế Anh đang sắp rơi vào tình trạng đình đốn. Tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP sẽ là 0% trong năm 2023, mức thấp nhất trong G7.

"Chi phí sinh hoạt tăng cao đã gây áp lực đáng kể lên nền kinh tế Anh, vốn được thúc đẩy bởi sức mạnh tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là nguy cơ suy thoái kinh tế đang gia tăng mạnh ở Anh", ông Hussain Mehdi - chiến lược gia vĩ mô và đầu tư tại HSBC Asset Management - nhận định.

“Tuy nhiên, có khả năng BoE sẽ tiếp tục siết chặt chính sách nhằm đối phó với vòng xoáy lạm phát - tiền lương đang tăng lên. Các số liệu mới nhất cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh mẽ và góp phần vào áp lực lạm phát trong nước", vị chuyên gia nói thêm.

Vòng xoáy lạm phát - tiền lương xảy ra khi người lao động muốn một mức lương cao hơn để trang trải chi phí sinh hoạt tăng cao trong thời kỳ lạm phát. Các doanh nghiệp phải trả nhiều tiền hơn nhằm thu hút và giữ chân người lao động. Do đó, họ sẽ cần tăng giá để bù đắp chi phí.

Thu nhập và sức mua của người Mỹ bị lạm phát ăn mòn

Mức lương của người Mỹ đang tăng mạnh, thậm chí vượt mức trước đại dịch. Nhưng lạm phát đã bào mòn thu nhập và đè nặng lên sức mua của người tiêu dùng.

Nguồn cơn của khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka

Chính quyền Tổng thống Sri Lanka Rajapaksa đã sụp đổ vì cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Tình trạng mất điện kéo dài và lạm phát cao kỷ lục khiến người dân khốn đốn.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm