T
uy không liên quan gì đến nhau, Smartisan và Bkav có nhiều điểm tương đồng khi có cùng công thức tạo "bom tấn", sản phẩm ra đời trong gạch đá từ dư luận và CEO là một nhân vật gây tranh cãi.
Xuất thân là giáo viên tiếng Anh, từng làm chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực Giáo dục, CEO của Smartisan là Luo Yonghao bị cộng đồng mạng Trung Quốc gọi là "thánh nổ" khi hùng hồn tuyên bố mình đang làm ra một chiếc "smartphone tốt nhất của Trung Quốc", theo Forbes.
Hiện tượng mạng ở Trung Quốc
Năm 2011, Luo Yonghao được xem như biểu tượng mạng trong lòng giới trẻ Trung Quốc khi chính ông đập nát một chiếc tủ lạnh Siemens ngay bên ngoài trụ sở của công ty này ở Bắc Kinh vì bị từ chối bảo hành sản phẩm lỗi. Đoạn video sau khi được lan truyền đã gây hiệu ứng mạnh mẽ, buộc Siemens phải nghiêm túc xem lại vấn đề, đưa ra lời xin lỗi và khắc phục toàn bộ số sản phẩm bị lỗi ở Trung Quốc.

Tuyên bố làm ra 'chiếc điện thoại tốt nhất'
Bằng sự nổi tiếng của mình, Luo thành lập công ty điện thoại vào 28/5/2012. Tên gọi Smartisan được ghép từ hai chữ "Smart" (thông minh) và "Artisan" (thủ công). Công ty này tự phát triển điện thoại, tai nghe, hệ điều hành Smartisan OS. Trụ sở đặt tại Bắc Kinh. Luo tự tin gọi sản phẩm của mình là "tốt nhất bán cầu Đông", cách nói khác của "tốt nhất châu Á".

'Người anh em' của Bphone đời đầu
Sau hai năm, Luo đã ra mắt chiếc Smartisan T1 ngày 20/5/2014. Máy có cấu hình và mức giá tương đương với Bphone đời đầu. Chỉ khác một điều, sản phẩm này lên kệ trước một năm so với smartphone của Bkav.
-
Màn hình 5 inch Full HD
-
Snapdragon 801, RAM 2 GB
-
Camera 13 MP
-
Giá từ 3.000 nhân dân tệ, tương đương khoảng 9,5 triệu đồng, bằng giá Bphone.

Đ
ể "giết chết iPhone" và những bom tấn khác, Smartisan T1 cũng nhấn vào khả năng chụp ảnh và xử lý âm thanh. Smartphone này trang bị cảm biến hình ảnh của Sony và chip xử lý âm thanh của Texas Instruments. Tương tự Bphone, model này cũng có thiết kế hai mặt kính cường lực.Giống như các smartphone Trung Quốc trên thị trường, Smartisan T1 chạy trên một hệ điều hành riêng, được phát triển trên Android, mang tên Smartisan OS. Giao diện được tuỳ biến hoàn toàn theo hướng rút ngắn các thao tác cử chỉ - một thế mạnh cũng được CEO Nguyễn Tử Quảng nhắc đến khi ra mắt Bphone ở Việt Nam.
Khi đến tay người dùng, Smartisan T1 bị cho là quá giống iPhone. Từ đường nét trên sản phẩm cho đến cách bố trí các phím, loa thoại... đều có sự ảnh hưởng từ Apple.
Mưa gạch đá và ảnh chế
Nhận được 100.000 đơn đặt hàng, nhưng Smartisan đã không kịp sản xuất đủ và đành trễ hẹn. Công ty này trả lại tiền đặt cọc cho khách hàng. Nguyên nhân là đối tác sản xuất, lắp ráp linh kiện của Smartisan bị phá sản trong quá trình gia công chiếc T1. Sự cố này khiến những người lỡ đặt mua trước đó giận dữ và mất lòng tin vào "thánh nổ" Luo.
Ngoài những sự thất bại hay "vạ miệng", Luo Yonghao cũng được tạp chí Forbes khen ngợi. Ông được cho là người có tầm nhìn khi cố gắng hướng Smartisan đến hình ảnh của một công ty toàn cầu. Hệ điều hành Smartisan OS có nhiều khác biệt, không đơn thuần chỉ là một bản "sửa đổi giao diện" như các smartphone Android trên thị trường.
Tuy nhiên, Smartisan vẫn chỉ là hiện tượng tại Trung Quốc và chưa có thị phần đáng kể để lọt vào thống kê của IDC.
