Kết thúc vòng 1/8 Champions League, xứ sương mù còn đúng 1 đại diện Manchester City. Trong khi đó, vòng tứ kết Europa League chỉ còn mỗi Liverpool. Từ Chelsea tới Arsenal rồi MU, đó toàn những đội bóng nhà giàu. Song, tiền bạc không phải chất xúc tác thiết yếu mang đến thành công.
Trên Eurosport, cây bút Pete Jenson phân tích các đội bóng Anh đang tự làm yếu mình tại cúp châu Âu. Nỗi ám ảnh tạo ra những đội hình hào nhoáng khiến họ mất đi bản sắc và trở thành nghệ thuật bị đánh cắp.
Barca không có chiều sâu đội hình như Arsenal, nhưng lại có những cầu thủ chất lượng hơn đối thủ. Ảnh: Getty Images. |
Manchester City có 4 trung vệ tên tuổi, tuy nhiên, không ai đủ đẳng cấp tạo ra cho người hâm mộ niềm tin. So với Barcelona, Real hay Bayern, bộ tứ vệ của đội bóng Anh còn thua về chất lượng. Trong khi đó, Arsenal sở hữu cặp tiền đạo Danny Welbeck và Olivier Giroud, thế nhưng đó không phải những mũi nhọn đẳng cấp thế giới.
Barca chỉ có Luis Suarez sắm vai trung phong, và Munir El Haddadi mới 20 tuổi dự bị. Khi thực hiện phép so sánh, Arsenal của Arsene Wenger tự hào với chiều sâu đội hình. Song, Barca lại sở hữu một tiền đạo ghi được 40 bàn thắng mỗi mùa, điều "Pháo thủ" chỉ biết mơ tưởng mới đuổi kịp đại diện xứ Catalan.
Người Anh thích xoay tua đội hình. Có điều, những mảnh ghép thay thế chẳng thể tạo ra giá trị khác biệt. Nỗi ám ảnh phải mua ngôi sao khiến các người Anh rơi vào cái vòng luẩn quẩn. Họ mang về một tên tuổi và mặc nhiên buộc HLV phải luân phiên sử dụng các cầu thủ.
Tottenham không muốn tập trung cho Europa League. Điều này trái ngược với Dortmund. Ảnh: Reuters. |
Ngược lại, Barca không có bí mật nào trong nghệ thuật sử dụng nhân sự. Ngay cả khi giành chức vô địch Champions League vào năm 2009 và 2011, họ cũng toàn dùng những cầu thủ cố định từ đầu mùa. Năm 2014, Real Madrid của Carlo Ancelotti cũng hoàn tất giấc mơ "Decima" bằng bộ khung mặc định sẵn từ lúc Champions League mới bắt đầu.
HLV Arsene Wenger sẽ càm ràm mật độ thi đấu dày đặc buộc ông phải có sự linh hoạt tùy biến con người. Manuel Pellegrini bên phía Man City và Mauricio Pochettino dẫn dắt Tottenham cũng có chung quan điểm như vậy. Thế nhưng Dortmund khi chạm trán Tottenham vẫn phải chinh chiến trên cả ba mặt trận.
Trong khi đó, người Tây Ban Nha khác dân Anh ở thái độ và tư duy. Với họ, chỉ có danh hiệu mới tạo ra sự thành công CLB. "Bóng đá còn có ý nghĩa gì nữa nếu không có những khát khao giành chức vô địch," HLV Unai Emery của Sevilla từng phát biểu trước trận chung kết Europa League năm ngoái.
Dortmund có khát khao thi đấu trong bất kỳ trận đấu nào. |
Người Anh thích tính toán. Họ luôn cân nhắc trước mỗi trận đấu. Tottenham không giấu ý định bỏ Europa League khi dùng đội hình mạnh chạm trán Aston Villa tuần trước. Tiếp Dortmund rạng sáng nay, Spurs đưa vào sân toàn nhiều gương mặt dự bị. Họ chấp nhận đầu hàng từ trước khi bóng còn chưa lăn.
Kẻ bênh vực cho rằng Pochettino sáng suốt vì Tottenham không có cơ hội lật ngược thế cờ vì đã thua 0-3 ở lượt đi. Vậy tại sao Dortmund vẫn dùng tinh binh trong bối cảnh đang chạy đua với Bayern tại giải quốc nội, còn Spurs thì không?
Mùa này, sức mạnh đồng tiền không đảm bảo cho thành công. Villarreal là CLB nhỏ đến từ thị trấn có 45,000 cư dân, Sevilla thường xuyên bị những ông lớn "rút ruột" mỗi mùa, còn Athletic Bilbao không mua những cầu thủ ngoài xứ Basque. Tuy nhiên, họ đều gặt hái được thành công dựa trên sự hiệu quả của lò đào tạo trẻ luôn cung cấp nguồn nhân sự ổn định.
Các đội bóng Tây Ban Nha cho thấy một sự ổn định trên đấu trường châu Âu. |
Với Chelsea, lứa cầu thủ trẻ chỉ để đối phó với điều luật của UEFA. Còn MU, các sản phẩm trưởng thành học viện bóng đá có cơ hội ra sân vì đội hình chính liên tục bị chấn thương. Mới đây, Jose Mourinho có bình luận một đội bóng sẽ dễ giành chức vô địch hơn với Lionel Messi trong đội hình. Song, "Người đặc biệt" lại quên Messi là sản phẩm của lò La Masia, không phải bản hợp đồng được Barca chiêu mộ.
Người Tây Ban Nha thích xây dựng đội hình dài lâu, có sự kế thừa và tạo ra bản sắc hơn chiêu mộ rất nhiều cầu thủ rồi giao cho HLV nhào nặn thành bất kỳ hình thù nào. Theo Pete Jenson, thực tế đó khiến người Anh trở nên lâm nguy tại cúp châu Âu, nơi tất cả mọi người đều biết giá trị các đội bóng xứ sương mù thế nào, nhưng chất lượng như con số 0.