Báo lớn và cộng đồng mạng tại Ấn Độ đã phản ứng gay gắt với video mà Tân Hoa xã đăng trên kênh YouTube hôm 16/8, cho rằng truyền thông nhà nước Trung Quốc giễu nhại người Ấn bằng "giọng điệu phân biệt chủng tộc".
Đoạn video dài 3 phút rưỡi có tên "The Spark: 7 Sins of India" (tạm dịch: The Spark: 7 tội lỗi của Ấn Độ), là phần mới nhất trong series "The Spark" của Tân Hoa xã, hướng đến khán giả nước ngoài. Người dẫn chương trình liệt kê 7 "sai phạm" của Ấn Độ trong cuộc tranh chấp kéo dài hai tháng nay giữa nước này và Trung Quốc tại khu vực Doklam nằm ở ngã ba biên giới hai nước với Bhutan.
Nhân vật hóa trang được cho là nhằm giễu nhại người Ấn trong video của Tân Hoa xã. |
Xuất hiện trong video là một người đàn ông Trung Quốc dường như muốn hóa trang thành binh sĩ người Sikh ở Ấn Độ với bộ râu giả và khăn turban truyền thống của cộng đồng thiểu số này. Nhân vật được cho là nói theo kiểu nhại giọng Anh Ấn.
"Đoạn video đặc biệt nhằm vào cộng đồng người Sikh", Hindustan Times bình luận tối 16/8, cáo buộc Tân Hoa xã "phân biệt chủng tộc" và giễu nhại người Ấn.
Người xem trên YouTube cũng nhanh chóng chỉ trích hãng thông tấn Trung Quốc, hầu hết mô tả video là "đáng xấu hổ và kinh tởm".
"Sự kỳ thị chủng tộc thô bỉ được thể hiện trong video này phản ánh tâm lý hèn mạt. Có thể có bất đồng và tranh chấp, nhưng việc dùng cách thức rẻ tiền thế này rất đáng nhận về sự khinh miệt mạnh mẽ nhất", một người bình luận.
Người dùng Twitter tại Ấn Độ cũng lên án video mang nặng tư tưởng phân biệt chủng tộc. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng đoạn thông điệp trong video chỉ dành cho công chúng Trung Quốc, dù sử dụng tiếng Anh, vì video nói về cuộc tranh chấp ở Doklam từ duy nhất góc nhìn của Bắc Kinh.
Căng thẳng tại khu vực biên giới Ấn - Trung đã diễn ra trong 2 tháng qua với cuộc đối đầu giữa binh lính hai nước cùng các tuyên bố không nhượng bộ. Các nỗ lực ngoại giao cho đến nay dường như vẫn không có hiệu quả.