Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung - Ấn đứng bên bờ vực chiến tranh tại ngã ba biên giới

Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đều đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra trong trường hợp các nỗ lực đàm phán thất bại.

Ngày 11/8, Indian Express cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley nói trước quốc hội rằng quân đội nước này đang "chuẩn bị cho bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra" trong cuộc đối đầu Ấn - Trung tại khu vực ngã ba biên giới với Bhutan.

Trong khi đó, South China Morning Post dẫn nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đang tăng cường nhận thức về khả năng xảy ra chiến tranh. Song PLA sẽ hướng đến việc đưa xung đột nếu có về mức một cuộc giao tranh nhỏ lẻ như giữa Ấn Độ và Pakistan.

An Do va Trung Quoc sap chien tranh anh 1
Quân đội Trung - Ấn đang đối đầu tại khu vực ngã ba biên giới với Bhutan từ tháng 6 sau khi Ấn Độ ngăn cản Trung Quốc xây đường tại đây. Đồ họa: Nhân Lê.

Ấn Độ sẽ cầm cự 'không quá một tuần'?

"PLA sẽ không đánh nhau với Ấn trên bộ ngay. Thay vào đó, PLA sẽ triển khai máy bay và tên lửa chiến lược để làm tê liệt các đơn vị của quân đội Ấn ở khu vực biên giới với Trung Quốc tại Himalaya", một nguồn tin nói với SCMP.

Nguồn tin này cũng tin rằng quân đội Ấn Độ có lẽ sẽ cầm cự trong "không quá một tuần".

Một nguồn tin khác cho biết các sĩ quan và binh lính thuộc Chiến khu phía Tây của PLA đã nhận được lệnh chuẩn bị cho chiến tranh với Ấn Độ tại khu vực Doklam vì "có những ý kiến trong quân đội nói rằng phải đánh". Theo người này, những ý kiến "nên đánh" được công chúng ủng hộ.

Cả 2 nguồn tin đều nói quân đội Trung Quốc tin rằng bất kỳ cuộc xung đột nào đều sẽ được kiểm soát và sẽ không lan rộng ra toàn bộ khu vực tranh chấp giữa hai nước. Hiện Ấn Độ và Trung Quốc đang tranh chấp tại 3 khu vực trên toàn tuyến biên giới 2.000 km.

An Do va Trung Quoc sap chien tranh anh 2
Cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Himalaya có thể leo thang thành chiến tranh. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia quốc phòng Ấn Độ, một khi tiếng súng đầu tiên nổ ra, cuộc xung đột có thể leo thang thành chiến tranh toàn diện. Điều đó có thể khiến New Delhi chặn tuyến hàng hải của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.

"Bất kỳ cuộc phiêu lưu quân sự nào của Trung Quốc đều sẽ nhận lại sự đáp trả tương ứng từ quân đội Ấn Độ", tiến sĩ Rajeev Ranjan Chaturvedy của Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định.

"Nếu Trung Quốc tấn công Ấn Độ bằng vũ lực, New Delhi sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết và sẽ đáp trả các hành động của Trung Quốc theo cách riêng của mình. Sao chỉ mỗi chiến tranh ở biên giới? Nó có thể leo thang thành một cuộc chiến tổng lực".

Trung Quốc khó đánh bại Ấn Độ trên biển

"Chắc chắn việc này sẽ gây tổn hại cho cả hai, nhưng nếu Bắc Kinh leo thang, xung đột sẽ không có giới hạn. Có lẽ, xung đột sẽ lan ra cả trên biển", tiến sĩ Chaturvedy nói.

Trung Quốc phụ thuộc lớn vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu và theo số liệu thống kê của chính phủ nước này, hơn 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc được chuyên chở qua Ấn Độ Dương hay eo biển Malacca.

Nhà phân tích quốc phòng Rajeswari Rajagopalan của tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation cho rằng "trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện, chắc chắn hải quân Ấn Độ sẽ ngăn cản hải quân Trung Quốc di chuyển đến vịnh Bengal cũng như Ấn Độ Dương".

Chuyên gia hải quân Li Jie ở Bắc Kinh cho biết năm 2010 Ấn Độ đã xây dựng một căn cứ hải quân ở quần đảo Andaman và Nicobar ở gần eo biển Malacca. Hai đường cất hạ cánh máy bay đã được nâng cấp để phục vụ các chiến đấu cơ và máy bay do thám.

"Tất cả những động thái này là để dọn đường cho Ấn Độ ngăn chặn quân đội và các tàu buôn Trung Quốc tiếp cận Ấn Độ Dương trong trường hợp xảy ra xung đột trên biển giữa hai nước", ông Li Jie nói.

An Do va Trung Quoc sap chien tranh anh 3
Đường băng quân sự trên quần đảo Andaman và Nicobar. Ảnh: Reuters.

Hồi tháng 7, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã tiến hành cuộc tập trận chung Malabar kéo dài 10 ngày ở vịnh Bengal. Cùng lúc đó, Mỹ đồng ý thỏa thuận bán máy bay vận chuyển quân sự trị giá 365 triệu USD cũng như thỏa thuận bán máy bay do thám không người lái 2 tỷ USD cho Ấn Độ.

Kết quả, hải quân Ấn Độ giờ có 8 máy bay săn ngầm P-8A Poseidon của Boeing dùng cho việc tuần tra trên Ấn Độ Dương.

Ấn Độ và Trung Quốc từng xảy ra chiến tranh vào năm 1962 sau một loạt vụ giao tranh nhỏ lẻ tại khu vực biên giới. Cuộc chiến kết thúc cơ bản trong bế tắc, dù Trung Quốc được cho là giành được lợi thế sau cuộc chiến.

Tuy nhiên, tiến sĩ Chaturvedy cho rằng Ấn Độ đã rút ra được bài học từ quá khứ và giờ đã có thể phòng vệ tốt hơn nhiều so với trước đây. Trong khi đó, chuyên gia quân sự Macau Antony Wong Dong nói cả hai bên đều đánh giá thấp về nhau. 

"Nếu xung đột biên giới lan rộng ra biển, rất khó để PLA đánh bại hải quân Ấn Độ có năng lực chiến đấu đã trở nên mạnh mẽ hơn sau khi mua các máy bay săn ngầm P-8A Poseidon", vị chuyên gia nói.

Hashtag tuần qua: Căng thẳng Trung - Ấn bao trùm Himalaya Tranh chấp biên giới giữa hai cường quốc hàng đầu châu Á tại khu vực cao nguyên quanh dãy Himalaya đặt ra nhiều thách thức đối với an ninh quốc tế.

Căng thẳng Trung - Ấn: 'Ngọa long' đối đầu 'tàng hổ' ở Nam Á

Căng thẳng tại ngã ba biên giới giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan hé lộ một phần câu chuyện tranh giành ảnh hưởng của hai "ông lớn" châu Á, hai "gã hàng xóm" vốn luôn so kè nhau.

Không quân Ấn Độ sẵn sàng 'chiến tranh tổng lực' với Trung Quốc

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa New Delhi và Bắc Kinh tại khu vực biên giới, Không quân Ấn Độ cho biết đã chuẩn bị cho mọi xung đột, kể cả một cuộc chiến tranh tổng lực.

Đông Phong

Theo SCMP

Bạn có thể quan tâm