Lần gần nhất giá vàng miếng trong nước được bán ra trên vùng 58 triệu đồng/lượng đã diễn ra từ tháng 8/2020, từ đó đến nay, giá vàng miếng do Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) liên tục dao động quanh vùng 56-57 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, giá vàng miếng SJC đang đứng trước cơ hội tăng trở lại mốc 58 triệu đồng/lượng này khi các doanh nghiệp đang có xu hướng liên tục tăng giá mua - bán vàng miếng, bất chấp diễn biến trái chiều của vàng thế giới.
Trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên sàn New York đóng cửa ở mức 1.755,4 USD/ounce, thấp hơn 8 USD so với phiên liền trước. Tính trong tuần này, giá vàng giao ngay tại đây chủ yếu dao động quanh vùng 1.760 USD với biên độ hẹp +/- 5 USD.
Tương tự, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco phiên 7/10 cũng có thời điểm giảm về vùng 1.755 USD, nhưng hiện tại đã ghi nhận xu hướng phục hồi trở lại vùng gần 1.760 USD. Tuy vậy, so với cuối phiên 6/10, giá vàng tại đây vẫn thấp hơn 4 USD/ounce.
Giá vàng trong nước đang giữ xu hướng tăng lên vùng 58 triệu đồng/lượng. Ảnh: Chí Hùng. |
Theo ông Gary Wagner, chuyên gia phân tích giá vàng của Kitco, giá kim quý thế giới có xu hướng đi ngang vùng 1.760 USD/ounce tuần này chủ yếu do tâm lý của các nhà đầu tư đang chờ đợi thông tin liên quan chính sách cắt giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Hiện tại, FED đang duy trì lượng mua trái phiếu hàng tháng 120 tỷ USD để bơm tiền ra thị trường. Tuy nhiên, Chủ tịch FED Jerome Powell đã cho biết cơ quan này có thể cắt giảm lượng mua kể trên trong thời gian tới.
Việc cắt giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng cũng khiến nhà đầu tư lo ngại rằng FED sẽ sớm loại bỏ các biện pháp nới lỏng tiền tệ khác, bao gồm việc tăng lãi suất điều hành trở lại.
Trái ngược với diễn biến thị trường thế giới, giá vàng trong nước tuần này lại giữ xu hướng tăng liên tục.
Trong sáng nay (8/10), giá vàng miếng đã được các doanh nghiệp đẩy lên mức cao nhất 1 năm, xấp xỉ 58 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Công ty SJC hiện niêm yết giá vàng miếng ở 57,15 - 57,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 350.000 đồng so với phiên 7/10. Đây là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của vàng miếng SJC tuần này. So với cuối tuần trước, giá bán ra của SJC hiện cao hơn 700.000 đồng/lượng.
Còn nếu so với giữa tuần trước, giá vàng miếng SJC đã ghi nhận mức tăng hơn 1 triệu đồng/lượng.
Tương tự, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng nay cũng tăng giá vàng miếng thêm 300.000 đồng, hiện phổ biến ở mức 57,1 triệu/lượng (mua) và 57,8 triệu/lượng (bán), cao nhất gần một năm trở lại đây.
So với giữa tuần trước, giá vàng miếng tại PNJ cũng đã tăng xấp xỉ 1 triệu đồng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn do PNJ chế tác vẫn giữ xu hướng đi ngang với biên độ hẹp, hiện ở mức 50,5 - 51,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200.000 đồng giá mua nhưng không thay đổi giá bán so với hôm qua. Như vậy, giá bán vàng nhẫn PNJ đã đi ngang trong hầu hết tuần này.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI sáng nay cũng nâng giá vàng miếng lên mức 56,9 - 57,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), cao hơn lần lượt 200.000 đồng chiều mua và 300.000 đồng chiều bán so với phiên 7/10.
Giá vàng nhẫn do DOJI chế tác cũng được tăng giá lên mức tương ứng, hiện phổ biến bán ra ở 57,8 triệu đồng/lượng.
Với diễn biến trái phiếu trong phiên hôm nay đã khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới nới rộng lên mức 9,45 triệu/lượng. Giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt hiện vào khoảng 48,4 triệu/lượng.
Như vậy, người mua vàng trong nước đang phải trả mức giá đắt hơn 19,5% để sở hữu cùng một lượng vàng so với thế giới.