Chiều 19/8, UBND tỉnh An Giang cho ngừng thi công công tác khắc phục sự cố sạt lở quốc lộ 91 (đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú), do hệ thống kè bằng bao cát được thi công trong hai tuần qua để bảo vệ quốc lộ 91 đã trôi xuống sông.
“Sự cố được phát hiện từ ngày ngày 18/8. Tỉnh đang chờ cơ quan chuyên môn tư vấn để xử lý. Sau khi có các thông số đo đạc, tỉnh sẽ họp tìm nguyên nhân và hướng khắc phục”, ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết.
Hiện trường sạt lở quốc lộ 91 vào sáng 1/8. Ảnh: Anh Minh. |
Ngày 31/7, tuyến quốc lộ 91 qua khu vực này xảy ra sạt lở nghiêm trọng, vết nứt lan rộng, kéo dài hơn 80 m. 26 hộ dân phải di dời khẩn cấp, khu vực nguy hiểm được khoanh vùng, cảnh báo.
Nguyên nhân ban đầu được xác định do địa hình đáy sông Hậu có lạch áp sát bờ, tác động dòng chảy tạo hàm ếch. Ngoài ra còn do tác động của tải trọng phương tiện quá lớn dẫn đến sạt lở.
UBND tỉnh An Giang lúc đó ban bố tình huống khẩn cấp, triển khai công tác khắc phục sự cố. Phương án được đưa ra là thả bao tải cát tạo kè chắn.
Đoạn sạt lở dài hơn 80 m, ăn sâu vào tim đường trên quốc lộ 91. Ảnh: Anh Minh. |
Tổng lượng cát được dùng để xử lý tại vị trí sạt lở khoảng 34.000 m3, nhằm tạo mái dốc bảo vệ đường bờ, ngăn không cho lở sâu thêm vào đất liền. Tổng kinh phí khắc phục sự cố, dự kiến khoảng 25 tỷ đồng.
Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho biết theo hồ sơ thiết kế, khối lượng công việc đã hoàn thành khoảng 95% thì xảy ra sự cố.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhận định ban đầu của giới chuyên môn là công tác khắc phục thuộc tình huống khẩn cấp, triển khai nhanh nên các lớp cát thả xuống chưa ổn định, đè tải lên dẫn đến hình thành mái trượt.
Khối lượng cát thi công, thả xuống tạo bờ trong hai tuần qua đã trôi sông. Ảnh: Quỳnh Danh. |
“Hiện vẫn chưa phân tích được nguyên nhân. Việc xử lý sạt lở quốc lộ 91 là tình huổng khẩn cấp, vừa thiết kế vừa thi công nên tỉnh sẽ tính toán lại, xem xét giải pháp xử lý”, ông Thư nói.
Theo ông Thư, nếu công trình bình thường lúc xử lý cần hai giai đoạn gồm, cho dòng chảy ổn định, sau đó mới tạo mái chờ khoảng 1-2 tháng mới triển khai; sau đó chất tải lên gia cố. Tuy nhiên, đây là công trình triển khai khẩn cấp. Đơn vị thi công và Ban quản lý dự án triển khai quá nhanh, các lớp xử lý chưa ổn định tạo ra mái trượt.
Liên quan đến tình hình sạt lở, UBND tỉnh An Giang vừa ký quyết định ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu đoạn qua xã Vĩnh Trường (An Phú) và xã Châu Phong (thị xã Tân Châu).