Để phục vụ phòng chống dịch Covid-19, các hãng hàng không Việt Nam đã ngừng khai thác toàn bộ các đường bay chở khách quốc tế. Các hãng bay nước ngoài cũng có động thái tương tự khi ngừng các đường bay tới Việt Nam.
Tuy nhiên, tại các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Nội Bài (Hà Nội) và Đà Nẵng vẫn ghi nhận chuyến bay đi và đến quốc tế. Điển hình vào 9/4, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đón chuyến bay CI 781 của China Airlines đến từ Đài Bắc, CX 767 của Cathay Pacific đến từ Hong Kong hay MH 766 đến từ Kuala Lumpur (Malaysia).
Các hãng hàng không chuyển sang sử dụng khoang hành khách để chở hàng trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: HVN. |
Tương tự, Nội Bài cũng đón chuyến bay QR 976 của Qatar Airways đến từ Doha (Qatar) hay 7C* 2803 của Jeju Air đến từ Seoul. Máy bay của các hãng quốc tế vẫn đậu đỗ tại các sân bay lớn của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Vietnam Airlines vẫn có những chuyến bay đi quốc tế trong mùa dịch đến những điểm đến trong khu vực. Những chuyến bay này cũng như của các hãng bay quốc tế trên đều không chở khách mà hoàn toàn phục vụ chở hàng.
Theo Forbes, doanh thu từ vận chuyển hàng hoá chỉ đóng góp 10-15% cho các hãng hàng không chuyên chở khách. Tuy nhiên, với lượng hành khách rất ít hiện tại và chưa biết khi nào nhu cầu đi lại mới phục hồi, máy bay của các hãng đang có rất nhiều chỗ trống cho hàng hoá. Giải pháp là các hãng đang bắt đầu đưa máy bay chở khách đi chở hàng.
Từ ngày 12 - 31/3, Vietnam Airlines đã triển khai 45 chuyến bay chuyên chở hàng hóa từ hai thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Malaysia và Bangkok (Thái Lan).
Các chuyến bay chở hàng được khai thác bằng máy bay Boeing 787-9, Airbus A350 với sản lượng đạt 20-25 tấn/chiều, tương đương hệ số sử dụng tải đạt 95% - 100%. Đây là những chuyến bay chở hàng thuần túy đầu tiên của hãng, không có hành khách, không có tiếp viên. Tổ lái được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cần thiết. Toàn bộ hầm hàng cũng được khử trùng ngay sau khi khai thác.
Lãnh đạo Vietnam Airlines dự kiến doanh thu từ mảng hàng hóa sẽ đạt 250-300 tỷ đồng trong tháng 4, là nguồn bổ sung vào dòng tiền đang thiếu hụt trầm trọng của hãng do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hãng bay thử nghiệm tháo bỏ ghế hành khách để tối ưu hóa khả năng chở hàng của máy bay thân hẹp dòng Airbus A321. Ảnh: HVN. |
Cũng theo Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS), các hãng bay China Southern Airlines, Air China và Korean Air Cargo... đã tăng chuyến chở hàng đến Tân Sơn Nhất bằng loại máy bay B777 Freighter tải trọng cất cánh lên tới 352 tấn, tần suất 4-6 chuyến/tuần.
Để hiện thực hóa phương án tối ưu doanh thu trong mùa dịch này, hãng đã có báo cáo lên Cục Hàng không Việt Nam xin cấp phép chở hàng trên khoang khách cũng như đề ra các nội dung liên quan đến phương án phòng cháy, chữa cháy và sơ tán, trong đó người và thiết bị phòng cháy, chữa cháy luôn đi theo tàu.
Việc sử dụng khoang hành khách để chở hàng cũng yêu cầu các hãng bay phải cải biến cấu hình của khoang này. Để tăng cường an toàn bay, hãng hàng không đã tổ chức diễn tập chất xếp, phủ lưới cho các lô hàng trên khoang khách, nghiên cứu các thông số, quy trình chằng buộc, chất xếp, phủ lưới để xây dựng sơ đồ vị trí chằng buộc các khối hàng trên khoang khách.
Nhiều trang thiết bị trên máy bay như màn hình giải trí, ghế, tựa đầu cũng được tháo dỡ, tay ghế được dựng thẳng và ghế được bọc ni lông để không bị trầy xước hay hỏng hóc.