Thỏa thuận ngừng bắn được hi vọng sẽ kết thúc tình hình giao tranh bạo lực hiện nay ở dải Gaza. Ảnh: Delhidilsetoday |
Suốt gần hai tháng qua, hàng ngàn cuộc tấn công tên lửa và không kích đã dội xuống dải Gaza và cả Israel. Rất nhiều thỏa thuận ngừng bắn bị thất bại.
Tất cả những điều đó sẽ kết thúc, khi Israel và lực lượng Hamas đã thống nhất được một thỏa thuận ngừng bắn cũng như chấp nhận thương lượng thay vì đối đầu.
Ai nhận được gì?
Trong suốt quá trình giao tranh, cả hai bên đã nhiều lần đưa ra các yêu cầu tương tự. Israel kêu gọi phi quân sự hóa khu vực dải Gaza, trong khi Hamas kêu gọi Israel và Ai Cập chấm dứt sự phong tỏa dải Gaza trên cả đường bộ, đường biển lẫn đường hàng không kể từ năm 2007.
CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của chính phủ Ai Cập, người nắm rõ về thỏa thuận ngừng bắn này, cho biết, Israel đã đồng ý nới lỏng phong tỏa đồng thời mở cửa khẩu biên giới cho phép viện trợ nhân đạo và vật liệu xây dựng được vào bên trong dải Gaza. Israel cũng sẽ mở rộng giới hạn đánh bắt cá ngoài khơi bờ biển Gaza lên thành gần 10 km.
Vì Israel và Hamas từ chối đàm phán trực tiếp, hai bên đồng ý quay trở lại Cairo cho các cuộc đàm phán gián tiếp tiếp theo trong tương lai. Theo các báo cáo được công bố trên phương tiện truyền thông địa phương, nếu đạt được thỏa thuận ngừng bắn, hai bên sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán kéo dài suốt 4 tuần tới với nhiều vấn đề hơn, bao gồm cả việc Israel phóng thích các tù nhân người Palestine (chủ yếu là các thành viên Hamas bị bắt giữ trong xung đột) và thảo luận về việc xây dựng một cảng biển ở Gaza. Các đàm phán cũng sẽ giải quyết yêu cầu của Israel về việc phi quân sự hóa dải Gaza.
Bổn cũ soạn lại?
Trong khi phát ngôn viên của Hamas, Fawhi Barhoum tuyên bố trước đám đông hò reo ăn mừng tại dải Gaza rằng, lệnh ngừng bắn là "một chiến thắng cho người dân", thì lại có rất ít dấu hiệu cho thấy hai bên đã đạt được những gì mình mong muốn.
Đây không phải là lần đầu tiên một cuộc thương lượng được đặt ra giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine. Lệnh ngừng bắn lần này thực ra rất giống với một thỏa thuận vào năm 2012 trong nỗ lực kết thúc cuộc chiến giữa Israel và quân đội Hamas. Theo đó, Israel đã đồng ý nới lỏng sự phong tỏa, cho phép viện trợ nhân đạo và vật liệu xây dựng, đồng thời thỏa thuận tham gia vào các cuộc đàm phán nhằm giảm bớt tình hình kinh tế khó khăn tại khu vực dải Gaza.
Ông Peter Beinart, biên tập viên của Tạp chí Quốc gia và Đại Tây Dương đã theo dõi tình hình xung đột giữa Israel và Palestine từ lâu cho biết: "Hai thỏa thuận này rất giống nhau. Theo nguyện vọng của Hamas và phần lớn người Palestine, có một số nới lỏng trong việc phong tỏa dải Gaza đã được thực hiện, nhưng không triệt để. Và tiến trình phi quân sự hóa tại dải Gaza theo mong muốn của người Israel cũng đã bị hoãn."
"Sau tất cả những thương vong và tổn thất khủng khiếp ở cả hai phía, dường như chúng tôi đang quay trở lại điểm xuất phát", Beinart nói thêm.
Đâu là cái giá phải trả?
Cuộc xung đột đã gây ra không chỉ những tổn thất về người, mà còn tạo nên các hậu quả kinh tế và chính trị.
Theo con số thống kê từ Liên Hợp Quốc, hơn 2.100 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc xung đột, trong đó hơn 70% là dân thường. 67 người Israel thiệt mạng, trong đó có 64 binh sĩ. Một công dân ngoại quốc tại Israel cũng nằm trong danh sách tử vong.
Chiến sự còn khiến hơn 500.000 người Palestine phải di tản và khiến hàng nghìn ngôi nhà bị hư hại. Chi phí mà hai bên đã phải bỏ ra trong giao tranh không được tính toán cụ thể, nhưng theo ước tính, con số này phải lên đến hàng tỷ USD.
Theo những thống kê kể trên, một cuộc khủng hoảng chính trị nhiều khả năng sẽ xảy ra. Sự tín nhiệm của người dân đối với với quân đội Hamas đã giảm xuống kể từ khi lực lượng này nắm quyền kiểm soát quốc hội Palestine vào năm 2006. Với những cuộc xung đột kéo dài và gây nhiều tổn thất, một câu hỏi được đặt ra là liệu người dân nước này có tin tưởng để Hamas tiếp tục chịu trách nhiệm cho đất nước hay không.
Trong khi đó, tờ The Times của Israel cho biết, theo một cuộc thăm dò trên kênh 2 của đài truyền hình nước này, mức độ tín nhiệm của dân chúng đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã sụt giảm nghiêm trọng, từ 82% xuống còn 38%.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Điều đó phụ thuộc vào việc ai sẽ thực hiện các cuộc thương lượng. Nếu thỏa thuận ngừng bắn được kí kết và các nhà đàm phán trở lại Cairo, việc Israel và Hamas không muốn đàm phán trực tiếp có thể chứng minh rằng vẫn có nhiều vấn đề trong nỗ lực giải tỏa căng thẳng giữa Israel với các phe phái Palestine.
Trong bất kỳ đàm phán nào, Palestine rất có khả năng sẽ yêu cầu Ai Cập dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với khu vực dải Gaza. Ai Cập cũng giống như Israel đã siết chặt các lệnh cấm trên biên giới Gaza vào năm 2007 kể từ khi Hamas giành quyền kiểm soát chính trị khu vực này từ chính quyền Palestine.