Ngũ luân thư bao gồm “Địa chi quyển”,” Hỏa chi quyển”, “Thủy chi Quyển”, “Phong chi quyển” và “Không chi quyển”, chủ yếu bàn về võ nghệ, kiếm pháp, cái Đạo của người học kiếm và là cẩm nang dành cho người muốn học binh pháp… nhưng ngày nay nó lại được nghiền ngẫm khắp nơi, từ giảng đường Harvard cho đến các doanh nhân và các chiến lược gia.
Thời đại ngày nay, không thể phủ nhận được tầm quan trọng của Ngũ luân thư khi nó là kim chỉ nam cho người đọc, giúp họ chiến thắng mục tiêu và đạt được thành công trong sự nghiệp nói chung, và là lời đáp trả của người Nhật cho MBA của Harvard nói riêng.
Bìa cuốn Ngũ luân thư. Sách hiện đã có mặt tại các hiệu sách trên địa bàn Hà Nội và sẽ có mặt trên toàn quốc từ ngày 7/9/2013. |
Tử địa Sekigahara là cách người ta gọi trận chiến khốc liệt giữa hai phe lãnh chúa Nhật Bản, phe Đông Quân và phe Tây Quân, diễn ra ngày 15/9 niên hiệu Khánh Trường thứ 5 (ngày 21/10/1600), tại Sekigahara, thuộc tỉnh Gifu ngày nay. Gọi là tử địa vì sau trận chiến khốc liệt ấy đã có bảy mươi ngàn người chết, còn Seigahara được coi là trận đánh lớn nhất lịch sử Nhật Bản.
Một kiếm khách mười sáu tuổi, tên là Miyamoto Musashi, bước vào trận đánh với tư cách là võ sĩ bên Tây Quân, sau đó là phe thua trận. Kiếm khách trẻ trung và cuồng nhiệt ấy đã chiến đấu anh dũng qua ba ngày của trận chiến. Chàng không chỉ sống sót và bước ra khỏi tử địa mà còn thoát khỏi chuỗi ngày gian nan bị phe chiến thắng truy sát.
Kể từ ngày đó, kiếm khách này vân du khắp nơi chỉ để luyện kiếm, báo thù và tham dự các cuộc quyết đấu sinh tử. Mushashi không thất bại một lần nào và trở thành sư tổ của môn phái sử dụng song kiếm có tên Nhị Thiên Nhất Lưu. Sau này, ông được người Nhật gọi là Kensei (Kiếm Thánh).
Người ta vẫn nói, để hiểu được một người Nhật bước chân ra thế giới bên ngoài để kinh doanh, thì phải hiểu cái tinh thần của một chiến binh bước vào tử địa Seigahara.
Để hiểu được các quan chức chính phủ hoặc tập đoàn Nhật Bản đồng loạt từ chức để bảo vệ uy tín cho lãnh đạo, cũng giống như các samurai thuộc hạ tự mổ bụng tuẫn tiết (hara-kiri) để tránh cho mình và “tướng quân” của mình bị làm nhục, thì phải hiểu được tinh thần võ sĩ đạo.
Và để hiểu được người Nhật tu dưỡng bản thân hằng ngày thế nào, các doanh nghiệp Nhật lập chiến lược kinh doanh của mình ra sao, các chính trị gia ra quyết định thế nào, thì phải đọc tác phẩm kinh điển Go Rin No Sho (Ngũ luân thư) của Kiếm Thánh Myamoto Musashi.
Go Rin No Sho là quyển sách về binh pháp được Kiếm Thánh Musashi viết trong những tuần lễ cuối đời khi ông ở ẩn trong hang núi. Kể từ khi được dịch sang Anh ngữ với tên A Book of Five Rings, cuốn sách được nghiền ngẫm từ giảng đường Havard nơi các sinh viên sử dụng sách như cẩm nang để thành công trong cuộc đời, đến các doanh nhân đọc để có cách nghĩ mới về chiến lược kinh doanh và các nhà quân sự cao cấp đọc để biết những nguyên tắc của một binh pháp thư chưa bao giờ sai suốt 300 năm kể từ khi được viết ra.
Tạp chí Time ca ngợi cuốn sách rất ngắn gọn: “Ở phố Wall, khi Musashi cất tiếng, tất cả lắng nghe”. Time cũng viết “Go Rin No Sho là câu trả lời của Nhật Bản cho Havard MBA”.
Với những doanh nghiệp đang khát khao chinh phục phương Tây giống như người Nhật cũng rất nên đọc cuốn sách này, bởi như Time Out viết: “Nếu bạn tò mò tại sao người Nhật có thể xông pha giữa cộng đồng kinh doanh phương tây dễ như lưỡi kiếm samurai cắt ngang miếng bơ, câu trả lời không nằm trong những xí nghiệp hay những máy móc tự động. Câu trả lời nằm trong sách binh pháp Go Rin No Sho”.
Giới quân sự và chính trị thì ngầm so sánh Ngũ luân thư với Tôn Tử binh pháp khi cho rằng binh pháp của Tôn Tử chỉ là sách dành cho bậc tướng, còn Ngũ luân thư mới là sách cho bậc vương.
Dựa trên triết lý của Zen (Thiền) và cách tiếp cận thực dụng để làm chủ kỹ năng chiến thắng, Go Rin No Sho được cho là cuốn cẩm nang sâu sắc nhất từng được viết ra trên thế giới này. Với doanh nhân, đây là cuốn cẩm nang chiến lược kinh doanh. Với nhà chính trị quân sự, đây là cẩm nang binh pháp. Với tất cả những ai yêu thích kinh doanh và quân sự, đây là cuốn sách không dễ đọc nhưng rất đáng để nghiền ngẫm.
Cuốn Ngũ luân thư - Go Rin No Sho là bản dịch của thầy Bùi Thế Cần. Bản dịch cuốn sách này dựa vào các bản tiếng Anh A book of Five Rings của tác giả Victor Harris do The Overlook Press xuất bản năm 1974, The book of Five Rings của Nihon Services Corporation do Bantam Books xuất bản năm 1982; có tham khảo bản tiếng Nhật kim văn của Kamata Shigeo xuất bản năm 1986, và các bản dịch nội gia của Hà Vân và Mạnh Sơn từ bản tiếng Trung và tiếng Nhật kim văn.
Dịch giả Bùi Thế Cần nguyên là Giáo sư Pháp văn đại học Văn khoa Sài Gòn. Hiện ông lui về chốn vắng để dành thời gian cho niềm đam mê của mình là nghiên cứu và tập luyện song kiếm theo trường phái Niten Ichi Ryu của Kiếm Thánh Miyamoto Musachi. Ông cũng là võ sư Aikido hệ lục đẳng, có nhiều đóng góp cho phong trào Aikido ở TP.HCM.