Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngư dân Sa Huỳnh nô nức ra khơi đầu năm

Sáng mùng 3 Tết Đinh Dậu, ngư dân Sa Huỳnh nô nức ra khơi đầu năm trong tiếng reo hò của hàng nghìn ngư dân làng chài Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi).

Trong tiết trời ấm áp, hàng nghìn ngư dân tụ hội về bên bờ biển Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ). Họ hòa mình giữa không gian lễ hội cầu ngư mong ước bà con làng chài mùa xuân mới ra khơi bội thu thủy sản, gia đình ấm no, hạnh phúc.

Các cô gái trong trang phục màu vàng rực rỡ hát sắc bùa trong lễ hội cầu ngư đầu xuân mới ở làng chài Sa Huỳnh. Ảnh: Minh Hoàng.
Le hoi cau ngu Sa Huynh anh 1
Le hoi cau ngu Sa Huynh anh 1
Các cô gái trong trang phục màu vàng rực rỡ hát sắc bùa trong lễ hội cầu ngư đầu xuân mới ở làng chài Sa Huỳnh. Ảnh: Minh Hoàng.

Đến với lễ hội cầu ngư sáng mùng 3 Tết, nhóm trai trẻ làng chài hò reo thể hiện sức mạnh thi kéo co còn các cô gái mặc trang phục rực rỡ vào vai diễn viên hò bả trạo (dân ca của ngư dân vùng duyên hải miền Trung), hát sắc bùa đậm nét văn hóa biển đảo trong ngày Tết cổ truyền dân tộc.

Trong khi đó, hàng chục thiếu niên hăng hái tham gia vào đội múa lân cầu may mắn, tài lộc cho làng chài vào đầu xuân mới.

Ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, cho biết lễ hội cầu ngư hay còn gọi là lễ ra quân đánh bắt thủy sản đầu năm mới diễn ra theo nghi lễ truyền thống của địa phương hàng năm vào mùng 3 Tết. Lễ này có  ý nghĩa đặc biệt là cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, được mùa cá tôm. 

Theo ông Trinh, toàn xã có 965 tàu cá công suất lớn với hơn 5.000 lao động chủ yếu hành nghề lưới vây rút chì, câu cá ngừ đại dương ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Nhờ áp dụng kỹ thuật hiện đại nên vụ mùa năm 2016, ngư dân địa phương đánh bắt thủy sản bội thu, trung bình mỗi lao động thu nhập 100 triệu đồng/năm; nhiều chủ tàu thu lãi hơn 1 tỷ đồng.

Le hoi cau ngu Sa Huynh anh 2
Các ngư dân hát bả trạo trong lễ hội cầu ngư Sa Huỳnh. Ảnh: Minh Hoàng.

Năm 2017, ngư dân Phổ Thạnh đặt mục tiêu đánh bắt 42.500 tấn thủy sản các loại, cao hơn 500 tấn so với vụ mùa năm ngoái.

Theo quan niệm của ngư dân Sa Huỳnh, mùng 3 Tết là ngày tốt nên năm nào ngư dân cũng chọn ngày này để "mở cửa biển" đầu năm, với mong muốn mỗi chuyến ra khơi đánh bắt đều thuận buồm xuôi gió, thuyền về tôm cá đầy khoang.

45 năm tham gia lễ hội cầu ngư ở làng chài Sa Huỳnh, nghệ nhân Nguyễn Thuận (66 tuổi, ngụ xã Phổ Thạnh), bộc bạch mỗi lần vào vai trưởng lái trong đội hò bả trạo đầu năm mới tôi cảm thấy mình như trẻ lại, lòng phấn khởi tự hào về di sản văn hóa của tổ tiên được lưu giữ, bảo tồn truyền đời cho con cháu hôm nay và mai sau. 

Còn ngư dân Nguyễn Hơn (ngụ xã Phổ Thạnh), thổ lộ lễ ra quân chính là ngày  bà con ngư dân thể hiện tấm lòng thành kính của mình đối với biển mẹ, trời đất đã che chở cho họ bình yên trở về, tàu đầy ắp cá tôm sau những chuyến ra khơi lênh đênh trên biển cả. 

Le hoi cau ngu Sa Huynh anh 3
Ngư dân Sa Huỳnh trang hoàng cờ Tổ quốc, cờ phướn ra khơi làm lễ "mở cửa biển" đầu năm mới. Ảnh: Minh Hoàng.

Sau khi kết thúc phần hội với các trò chơi dân gian, các vị bô lão chủ vạn làng chài thành kính tế cáo thần linh cùng các vị thần biển cả, sau đó đánh trống rộn vang làm lễ mở cửa biển đầu năm.

Ngư dân ăn mặc đẹp, chít khăn màu đỏ trên đầu ngồi trên tàu cá trang hoàng cờ Tổ quốc, cờ rẽ sóng ra khơi khí thế giữa mùa xuân mới trong tiếng reo hò vang dậy của bà con làng chài. Loa phóng thanh trong ngày hội cũng vang vọng lời ca "mong đầu năm, cuối năm gặp may. Ra quân năm nay hạnh phúc sum vầy".

Ông Lê Hồng Khánh, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, cho hay, lễ hội cầu ngư đầu năm mới của các làng chài duyên hải miền Trung nói chung, ngư dân Sa Huỳnh nói riêng, ngoài ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa biển bội thu còn thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" tri ân công đức các vị tiền hiền, có công lập làng, dựng nghề.

Khoảng 10 năm gần đây, đời sống người dân dần cải thiện, việc làm xuôi chèo mát mái, lễ hội cầu ngư được chuẩn bị khá chu đáo, tàu thuyền dự hội trang trí công phu, người dự hội ăn mặc đẹp, nghi thức tiến hành khá chu đáo.

"Di phong hoán tục", âu cũng là việc cần làm, cốt là phải giữ cho được thần thái của lễ hội và nhất là giữ gìn, bồi đắp ý nghĩa nhân văn cao cả thể hiện ý thức tri ân, khát vọng no đủ, thanh bình của người miền biển.

Bài liên quan

Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm