Nhiều ngày qua, người dân xã Tam Hiệp và thị trấn Núi Thành (huyện Núi Thành, Quảng Nam) phản ứng về việc chủ đầu tư dự án đường biển 129 (đường chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng, TP Tam Kỳ, đi cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai) và 2 dự án Khu đô thị sinh thái cao cấp vịnh An Hòa 1, 2, lấp vịnh An Hòa gây khó khăn trong việc mưu sinh.
Ông Võ Anh Vũ (64 tuổi, người dân xã Tam Hiệp) cho hay người dân sống tại khu vực vịnh An Hòa mưu sinh bằng nghề khai thác thủy sản. Tuy nhiên, khi có dự án làm đường và khu đô thị, đơn vị đầu tư lấp vịnh khiến việc hành nghề gặp khó.
Người dân huyện Núi Thành căng băng rôn phản đối việc lấp vịnh An Hòa để làm dự án. Ảnh: Sơn Thủy. |
"Mỗi ngày chúng tôi thu nhập 200.000-300.000 đồng từ việc đánh bắt tôm, cá, ốc. Giờ họ lấp vịnh An Hòa, dân không có lối ra, nên đề nghị chính quyền và chủ đầu tư các dự án chừa đường hoặc làm cầu bắt qua vịnh để ngư dân ra vào, hành nghề", ông Vũ nói.
Ông Vũ cho rằng đơn vị đã san lấp mặt sông khiến tàu thuyền ra vào khó khăn, ngư trường khai thác cũng như môi trường sinh sống của thủy sản vì thế cũng bị thu hẹp.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chu Lai Hội An (chủ đầu tư dự án Khu đô thị vịnh An Hòa) cho biết dự án Khu đô thị Vịnh An Hòa chia thành hai khu bao gồm KĐT Vịnh An Hòa 1 và KĐT Vịnh An Hòa 2.
"Đối với phần diện tích thuộc dự án có ảnh hưởng đến hoạt động ghe thuyền của bà con, chủ đầu tư đã không thi công hơn một năm nay từ khi có phản ánh của dân. Chúng tôi chờ kết quả thương lượng và thực hiện đền bù cho người dân", đại diện đơn vị cho hay.
Người dân địa phương cho rằng dự án đường ven biển 129 và dự án Khu đô thị vịnh An Hòa sẽ khiến họ không có đường mưu sinh. Ảnh: Thanh Đức. |
Tại dự án Khu đô thị vịnh An Hòa 1, đơn vị thi công đang giải phóng mặt bằng, bồi thường đất cho 2/39 hộ và đã chi trả tiền hỗ trợ di dời ghe thuyền cho 4/24 hộ.
Tại dự án khu đô thị vịnh An Hòa 2, có 43 hộ dân nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nhưng không phải di dời do chỉ thu hồi đất sản xuất nông nghiệp (ao tôm) và 19 hộ phải di dời chỗ neo đậu ghe thuyền, hiện đã chi trả tiền hỗ trợ di dời ghe thuyền được 8/19 hộ.
"Chúng tôi thống nhất với chính quyền nâng mức bồi thường cho bà con có ghe thuyền trong khu vực bị ảnh hưởng từ 2 triệu lên mức 7 triệu đồng/ghe", đơn vị này cho biết.
Trong khi đó, ông Trương Văn Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Núi Thành, cho biết tại 3 dự án trên có 57 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 26 hộ nhận tiền hỗ trợ.
"UBND huyện hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ theo quyết định của UBND tỉnh, còn đơn vị thi công là Công ty TNHH xây dựng Phú Vinh hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/hộ. Việc người dân yêu cầu hỗ trợ 50-70 triệu đồng/hộ để chuyển đổi nghề thì nằm ngoài thẩm quyền của huyện", ông Trung nói.
Còn ông Võ Như Toàn, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường Quảng Nam, cho biết với 3 dự án đường 129, Khu đô thị An Hòa 1 và An Hòa 2 đã có đánh giá tác động môi trường.
"Dự án đường 129 có đánh giá tác động môi trường số 3643 ngày 5/12/2018; dự án Khu đô thị An Hòa 2 có đánh giá tác động môi trường số 3192 ngày 24/10/2018 và dự án An Hòa 1 có báo cáo đánh giá tác động môi trường số 813 ngày 15/3/2019", ông Toàn nói.
Ngày 19/1/2017, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định số 273 do ông Đinh Văn Thu (lúc này là Chủ tịch UBND tỉnh) ký phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị sinh thái cao cấp vịnh An Hòa (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) với tổng diện tích 99,62 ha.
Ngày 24/3/2017, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ký công văn về việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần Chu Lai Hội An thực hiện dự án Khu đô thị vịnh An Hòa 2, với tổng diện tích 53,95 ha.
Đến ngày 26/5/2017, ông Huỳnh Khánh Toàn tiếp tục ký công văn về việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty Chu Lai Hội An thực hiện dự án Khu đô thị vịnh An Hòa 1 với tổng diện tích 45,68 ha.
Dự án Khu đô thị cao cấp vịnh An Hòa ở huyện Núi Thành, Quảng Nam (chấm đỏ). Ảnh: Google Maps. |