Biển Hồ là hồ lớn nhất của Đông Nam Á. Nước sông Mekong ở khu vực giao với Biển Hồ thường dâng lên vào mùa mưa, khiến nước chảy ngược về Biển Hồ, “làm đầy” vùng hồ này và mang theo nguồn cá trù phú, nhờ đó tạo sinh kế cho cả triệu người. Nhưng hiện tượng nước chảy ngược này có thể sẽ không xảy ra cho đến tháng sau - năm thứ hai liên tiếp xảy ra tình trạng này. Trong ảnh là một dòng nhánh khô cạn ở gần Biển Hồ. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức cho biết thời tiết hạn hán và hơn chục đập thủy điện ở Trung Quốc và Lào làm gián đoạn dòng chảy tự nhiên của sông Mekong, gây khó khăn cho những người sống phụ thuộc vào Biển Hồ. “Tôi đi đánh cá hai đêm liên tiếp và không bắt được đủ cá”, Khon Kheak, 37 tuổi, ở làng nổi Kampong Khleang, nói với Reuters. Anh chỉ kiếm được 3 USD sau chuyến đánh cá đó, so với 12-25 USD/ngày vào năm ngoái, đủ để nuôi gia đình 6 người. Ảnh: Reuters. |
Vợ anh, Reth Thary, lo rằng những ngày đủ sống đó có thể không còn nữa. “Nếu cứ tiếp tục thế này thì chúng tôi coi như xong, chúng tôi cũng nợ người ta tiền”, cô nói với Reuters về khoản nợ 1.000 USD. Ảnh: Reuters. |
Nước thường chảy ngược về Biển Hồ trong 120 ngày, “làm đầy” lượng nước Biển Hồ tới 6 lần, trước khi chảy xuôi lại ra sông Mekong khi mùa mưa kết thúc, thường là tháng 9. Dựa vào dữ liệu lượng mưa và dự báo, hiện tượng chảy ngược sẽ bắt đầu vào tháng 8 năm nay, theo Long Saravuth, Phó tổng thư ký Ủy ban Quốc gia về Mekong của Campuchia. Ảnh: Reuters. |
Trong bức ảnh năm 2018, ngư dân đang chở cá bắt được, ở làng Chong Khneas tại Biển Hồ. Ủy hội sông Mekong cho biết việc nước chảy ngược vào Biển Hồ bị chậm là do lượng mưa thấp (đối với năm 2019) và hoạt động của các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, trong đó hai đập ở Lào và 11 đập ở Trung Quốc. “Từ bây giờ, thời điểm mà nước chảy ngược (về Biển Hồ) nhiều khả năng sẽ không như trước”, Ủy hội sông Mekong cho biết. Ảnh: New York Times. |
Lào và Trung Quốc lại khẳng định các đập đem lại lợi ích kinh tế, và giúp điều tiết dòng chảy, ngăn lũ và hạn hán. Nhưng ngư dân San Savuth, 25 tuổi, muốn chính phủ Campuchia đàm phán với các đập về việc xả nước, để giúp 2.000 gia đình tại làng Kampong Khleang. Anh có thể sẽ phải chuyển tới thành phố Siem Reap cách đó 55 km để làm thợ xây. “Chúng tôi không bắt được gì, không có nước, không có cá”. Trong ảnh, một ngư dân Campuchia và con trai chuẩn bị thả lưới xuống sông Mekong, gần đoạn giao với Biển Hồ. Ảnh: AP. |
Cũng không còn hy vọng thu hút du khách đi thuyền như trước đây, lúc mà Kampong Khleang thu hút 600 khách mỗi ngày. Văn phòng du lịch bị bỏ không của làng nay đã bị khóa lại, cỏ dại mọc vây quanh và 130 thuyền du lịch nằm chờ. “Người ở làng Kampong Khleang là ngư dân mà không có cá”, Ly Sam Ath, một chủ thuyền, nói với Reuters. “Làm nông cũng không được”. Trong ảnh, một ngư dân Campuchia thả lưới xuống Biển Hồ. Ảnh: Reuters. |