Ngày 23/5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh này kiểm tra, giám định số hiện vật gốm sứ do ngư dân khai thác trái phép tại vùng biển xã Bình Hải, huyện Bình Sơn.
Sau khi mở niêm phong, các chuyên gia kiểm tra thực tế số hiện vật gồm: 33 đĩa gốm sứ, đường kính khoảng 20 cm và 7 tô (bát) đường kính khoảng 15 cm. Số cổ vật này được phân chia các loại đĩa, bát gốm sứ thành 3 nhóm, gồm: Nhóm 1: Đĩa ô xanh trắng, hoa văn tùng - lộc; nhóm 2: Đĩa men trắng, vẽ hoa đỏ gạch, ánh vàng; nhóm 3: Đĩa men ngọc, vẽ hoa lam ám họa.
Các chuyên gia giám định số cổ vật gốm sứ do nhóm ngư dân khai thác trái phép ở vùng biển xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Ảnh: T.Tanh. |
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, nhận định gốm sứ trục vớt tại vùng biển trên là cổ vật thuộc thời nhà Minh, có niên đại thế kỷ khoảng XVI-XVII, cách nay khoảng 600 năm. Nhiều khả năng nhóm ngư dân Bình Định đã lặn trục vớt dĩa, bát gốm sứ từ một tàu cổ chìm ở vùng biển gần bờ Bình Hải.
Trước đó, ngày 18/5, lực lượng tuần tra thuộc Đồn Biên phòng Bình Hải, huyện Bình Sơn phát hiện ông Nguyễn Văn Triển (42 tuổi, ngụ huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) cùng 8 ngư dân khai thác cổ vật trái phép. Họ sử dụng máy nén khí, dây hơi lặn khai thác cổ vật, gây mất an ninh trật tự cách khu vực Gành Yến (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải) khoảng 3 hải lý về hướng đông bắc.
Tại hiện trường, lực lượng tuần tra phát hiện nhóm ngư dân này cất giấu 33 đĩa gốm sứ cổ (đường kính khoảng 20 cm) và 7 tô (bát) có đường kính khoảng 15 cm trong các khoang tàu.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…