Để bám biển làm kinh tế và khẳng định chủ quyền, nhiều ngư dân Việt Nam giờ đây đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Thế nhưng, ghi nhận của phóng viên tại các cảng cá miền Trung và cùng với ngư dân theo tàu đánh bắt dài ngày tại vùng biển Hoàng Sa cho thấy họ vẫn quyết tâm bám biển.
“Biển của ta, ta cứ đánh bắt” - đó là khẳng định của hầu hết ngư dân khi chúng tôi tiếp xúc, dù giờ đây họ gặp rất nhiều khó khăn khi ngư trường truyền thống bị xâm lấn bởi tàu cá và tàu quân sự Trung Quốc.
22h ngày 21/5, cặp tàu làm nghề lưới rê (giã cào) do anh Võ Kiểm (38 tuổi, người xã Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng (tài công) rời cảng cá Thọ Quang (TP Đà Nẵng) trực chỉ vùng biển bắc Hoàng Sa. Đây là chuyến đi biển thứ tư trong năm 2014 của cặp tàu này.
Phải đi vòng để tránh...
Theo thuyền trưởng Võ Kiểm, ba chuyến trước có hai chuyến lời và một chuyến lỗ. “Chuyến này chưa biết thế nào vì tình hình trên biển phức tạp quá, nhiều khi không thể đánh cá tại ngư trường quen của mình được” - anh Kiểm cho biết. Tình hình phức tạp mà anh Kiểm nói là việc tàu của Trung Quốc ngày càng hung hăng tấn công tàu của ngư dân Việt Nam, đặc biệt từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 đầu tháng 5 và ban hành lệnh cấm đánh bắt từ ngày 16/5 đến đầu tháng 8.
Sau 12 giờ lênh đênh trên biển, 11h trưa 23/5 tàu đã ra đến nơi đánh cá đầu tiên, cách vị trí của giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 50 km. Thuyền trưởng Võ Kiểm ra lệnh cho các ngư dân thả lưới. Cuộn dây dài hơn 1km chạy hết tốc lực kéo theo tấm lưới nặng chìm xuống đáy biển sâu khoảng 120m. Hai con tàu chạy song song tạo thành một vòng vây hình bán nguyệt. Xung quanh tàu là biển xanh mênh mông, yên bình, thấp thoáng những tàu cá của Việt Nam ở phía xa xa. Chỉ ra phía biển xa, thuyền trưởng Võ Kiểm cho hay cứ chạy theo hướng đó khoảng 4-5 giờ nữa là đến vị trí của giàn khoan Hải Dương 981. “Trung Quốc năm nào cũng cấm biển nhưng chúng tôi vẫn ra khơi. Năm nay họ đưa giàn khoan với các loại tàu quân sự đến vùng biển Hoàng Sa nên tình hình phức tạp. Nhiều tàu cá của ta phải đi vòng tránh khu vực này để ra ngư trường đánh bắt” - anh Kiểm nói. Sau sáu giờ, đến 17h30 mẻ lưới đầu tiên được kéo lên nhưng kết quả không được nhiều, chỉ khoảng 500-600 kg cá, trong đó gần 90% là cá nhỏ.
Tàu của thuyền trưởng Võ Kiểm thu lưới cá tại vùng biển Hoàng Sa. |
Liên tiếp những ngày sau đó, mỗi ngày hai tàu thả hai lần lưới nhưng sản lượng đánh bắt đều không như mong đợi. Thuyền trưởng Võ Kiểm liên tục lắc đầu mỗi khi được hỏi đã hòa vốn chưa. Trong hơn mười ngày đi cùng tàu, cặp tàu này đã di chuyển liên tục từ vĩ độ 16 (từ quần đảo Hoàng Sa) lên đến vĩ độ 20 (gần đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng). Anh Kiểm cho hay do sản lượng đánh bắt quá thấp nên thay vì đi 16-17 ngày, chuyến đi phải kéo dài trên 20 ngày mới quay trở về. “Ra khơi là hên xui chứ biết làm sao, năm ngoái tôi đi 11 chuyến trúng cả 11. Với phí tổn mỗi chuyến đi gồm xăng dầu, nước đá, thực phẩm vào khoảng 250 triệu đồng thì mỗi ngày phải kiếm được 20 triệu đồng mới có lời” - anh Kiểm phân tích.
Trong suốt chuyến đi, thuyền trưởng Võ Kiểm liên tục lấy cuốn sổ tay nhỏ ra xem. Trong sổ ghi chi chít những con số kinh độ, vĩ độ với các chú giải như đá ngầm, san hô, không làm được, nhiều cá, đi qua được... Đây là những địa điểm mà người đi biển ghi nhận được trong quá trình đánh bắt thực tế. Mỗi khi lưới bị mắc cạn do vướng đá ngầm hay san hô, gặp cá hay dòng nước đều được ghi chú lại để sử dụng cho những chuyến biển tiếp theo. Thông tin từ cuốn sổ được đời cha truyền cho đời con, các thuyền trưởng san sẻ nhau qua mỗi đợt ra khơi. Qua thời gian và qua nhiều thế hệ người đi biển, cuốn sổ ngày một dày hơn với đầy ắp thông tin từ đáy biển Đông. Thế nhưng qua tiếp xúc với nhiều thuyền trưởng ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, những khu vực có tiềm năng đánh bắt lớn trên biển Đông tập trung chủ yếu quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa thì ngày càng trở nên khó tiếp cận hơn do sự xâm lấn và tấn công của cả tàu cá và tàu quân sự Trung Quốc.
Đụng tàu Trung Quốc
Ngay trong buổi chiều ngày đầu tiên đánh bắt trên biển cách Hoàng Sa khoảng 50km về phía tây bắc, thuyền trưởng Võ Kiểm chỉ về hướng chân trời có một tàu cá của Trung Quốc. “Tàu nó làm nghề lưới đó nhưng ở xa quá không nhìn rõ. Cứ đợi mấy ngày nữa thì có đầy tàu Trung Quốc” - anh Kiểm cho hay.
Và đúng như vậy, lúc 11h30 ngày 27/5, khi đang đánh bắt tại tọa độ 17o05’ vĩ bắc, 109o01’ kinh đông, tàu chúng tôi gặp một tàu câu của ngư dân Trung Quốc. Như vậy, ngay trong những ngày Trung Quốc tuyên bố cấm biển thì ngư dân của họ vẫn ra khơi, thậm chí còn tràn sang ngư trường của Việt Nam đánh bắt.
Ngày 28/5, chúng tôi tiếp tục gặp thêm một tàu câu của Trung Quốc ở tọa độ 17o03’ vĩ bắc, 109o09’ kinh đông. Hai ngày liên tiếp gặp tàu Trung Quốc, các ngư dân trên tàu chúng tôi không giấu được sự bức xúc. Thấy tàu Trung Quốc, tất cả ngư dân đều bỏ cả bữa cơm trưa chuẩn bị ăn ào ra phía trước boong tàu hướng mắt về phía tàu Trung Quốc. “Quay hình nó đi, coi vậy có được không, vùng biển của mình mà họ qua làm như vậy đó” - ngư dân Trần Hoa (56 tuổi), người lớn tuổi nhất trên tàu, giọng bức xúc.
Chiếc tàu câu của Trung Quốc chạy quay vòng nhiều lần ở hướng phía trước mũi tàu của chúng tôi, sau đó chạy gần sát với chiếc tàu thứ hai trong đoàn và ngang nhiên đặt câu.
“Nó quá đáng lắm, may là tàu này công suất nhỏ nên nó không làm gì, chứ tàu sắt lớn là nó đe dọa mình rồi” - ngư dân Phan Văn Rở (44 tuổi) góp lời.
NTàu cá Trung Quốc đánh bắt ngay trước tàu cá của thuyền trưởng Võ Kiểm. |
Trước đó hai ngày (ngày 26/5), lúc đang lênh đênh trên biển thì nghe được thông tin từ radio về việc tàu cá của ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi bị tàu lạ đâm chìm khi đang đánh bắt trên biển khiến một người chết và một người mất tích; ngay sau đó lại là sự việc tàu cá Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm một cách thô bạo. Anh Võ Kiểm là một trong những người nghe tin tức này đầu tiên từ radio, nhưng điều khiến chúng tôi bất ngờ là thái độ điềm tĩnh của thuyền trưởng Võ Kiểm và sau đó là của các ngư dân đi cùng. “Biển của mình thì mình cứ làm, lo gì!” - vị thuyền trưởng 38 tuổi tự tin nói.
Ngoài biển khơi, phương tiện duy nhất để liên hệ giữa các tàu và tàu với đất liền là máy Icom. Các chủ tàu thường xuyên mở máy này để liên hệ với nhau, thông báo tình hình đánh bắt, dự báo ngư trường hay đơn giản chỉ là bàn luận về thông tin thời sự. Thông tin chính thống duy nhất là từ chiếc radio để nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Tuy nhiên, có những khu vực sóng radio của Trung Quốc cạnh tranh dữ dội với sóng của đài Việt Nam. Hầu hết ngư dân trên tàu đều thích nghe chương trình thời sự lúc 18h. Họ ngồi trong khoang thuyền lắng nghe, có người vào luôn khoang lái để nghe cho rõ. Thông tin mà họ quan tâm nhất trong những ngày chúng tôi có mặt ở biển không phải là tình hình thời tiết mà là tình hình giàn khoan Hải Dương 981.
Những lúc như vậy cả tàu như một hội nghị “Diên Hồng” thu nhỏ. Ngư dân Phan Văn Rở mỗi khi nghe đến thông tin về sự dịch chuyển của giàn khoan Hải Dương 981 giọng lại bức xúc: “Biển của mình mà nó dám đem giàn khoan vô khoan là không thể chấp nhận được”.
Ra khơi trong tình hình căng thẳng do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, những câu chuyện bên ấm trà, ly cà phê của ngư dân sau những giờ kéo lưới cũng đậm chất thời sự, trong đó có cả những tiếng thở dài về việc sản lượng đánh bắt ngày càng giảm. Hơn 30 năm gắn bó với ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Trần Hoa xót xa: “Mỗi năm sản lượng giảm đi khoảng vài mươi phần trăm đấy. Chẳng hạn năm qua mười thì năm nay còn tám do tàu đông. Bây giờ Trung Quốc lấn chỗ giàn khoan nữa thì ngư trường mình càng bị bó hẹp”.
Tàu Trung Quốc đe dọa tàu Việt Nam
Cuối tháng 5/2014, tại cảng cá P.6, TP Tuy Hòa (Phú Yên), con tàu PY90288 chuyên nghề câu cá ngừ đại dương của thuyền trưởng Nguyễn Văn Cháu cập bến đổ cá. Lắc đầu ngán ngẩm, ông Cháu cho biết hơn một tháng trời lênh đênh trên biển nhưng chỉ được 1 tấn cá. Với giá 140.000 đồng/kg tính ra vẫn lỗ gần 20 triệu đồng. “Xác định được luồng cá, tàu chúng tôi quyết định thả câu nhưng ngay lập tức đụng tàu Trung Quốc đến đe dọa nên đành phải dong tàu xuống vĩ độ dưới. Tàu Trung Quốc đi một đội cả chục chiếc tàu sắt lớn, trang bị đèn đuốc sáng rực nên nguyên luồng cá bị họ chiếm hết cả. Ngày trước chúng tôi theo luồng cá thả câu lên tận vĩ độ 17-18 nhưng nay đánh ở vĩ độ 14 cũng bị đe dọa nên đành đi mãi xuống phía dưới, nguồn cá ngày càng hiếm, chi phí tăng cao” - ông Cháu thở dài cho hay.
Theo ông Phan Thuẩn - chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá P.6, trường hợp của ông Cháu còn may mắn hơn khá nhiều tàu cá khác bởi mức lỗ... chấp nhận được. Ông Thuẩn thống kê đợt đánh bắt vừa rồi cứ 100 tàu cá ra khơi có đến 70 tàu cá lỗ, nhiều tàu lỗ trên 50 triệu đồng. “Dò được luồng cá ngừ đại dương ngoài kinh nghiệm còn đòi hỏi có sự may mắn. Khi xác định được luồng cá, các ngư đội thông báo cho nhau cùng khai thác. Tuy nhiên bức xúc nhất là việc vừa đón được luồng cá cũng là lúc tàu Trung Quốc có mặt tranh đánh bắt, đe dọa” - ông Thuẩn cho hay.