Chỉ trong 3 tháng đầu năm, giá đất nền đường song hành quốc lộ 22, khu vực Hóc Môn tại những vị trí đẹp đã tăng đến hơn 30%.
Một người chuyên nhận ký gửi mua bán đất đai khu vực này cho biết giá đất thậm chí được cập nhật hàng tuần, vì liên tục được chủ đất ký gửi yêu cầu điều chỉnh tăng theo giá “thị trường”.
Tính giá đất từng ngày
Con đường song hành quốc lộ 22 có lộ giới khoảng 24 m đang là một trong những điểm có giá đất được chào bán cao ngất tại xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn. Giá đất ở những vị trí có mặt tiền đẹp được rao bán 28-30 triệu đồng/m2. Khu vực ngã tư Lê Thị Hà và quốc lộ 22, giá chạm mốc 38-40 triệu đồng/m2.
Nếu đất nằm sâu bên trong hoặc trong hẻm nhỏ, giá quanh mức 22-24 triệu đồng/m2...
Chị H.V, người môi giới đất tại ấp Đình, cho biết cơn sốt đất tại Hóc Môn xuất hiện từ đầu năm. Đặc biệt giá đất tăng mạnh trong những ngày gần đây, nhất là những vị trí mặt tiền các con đường được mở rộng hoặc chuẩn bị mở rộng lộ giới.
Chỉ riêng khu đất mặt tiền đường có diện tích 5,3 m x 40 m, nơi chị đang thuê mặt bằng để bán nước giải khát, cũng là để mở dịch vụ ký gửi nhà đất, vào tháng 1 có giá 4,2 tỷ đồng, đến tháng 4 này đã có người trả lên 6,5 tỷ đồng nhưng chủ đất chưa bán.
Dọc các tuyến đường lớn ở Củ Chi, bảng quảng cáo ký gửi, mua bán đất vườn xuất hiện nhiều nơi. Ảnh: V. Vân. |
Ở huyện Củ Chi, đất cũng bị đẩy giá từng ngày. Tại đường Hương lộ 2, huyện Củ Chi, nhiều khu đất trống hoặc nhà đã xây sẵn đang được rao bán với giá 20-28 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí và “độ đẹp” của khu đất .
Tại đường Nguyễn Thị Lắng, giá miếng đất 52 m2 được rao bán 900 triệu đồng, tăng 30-40% so với cách đây 3 tháng.
Chị H.V cho biết đất nền khu vực Hóc Môn, quận 12 và Củ Chi được chị cập nhật hàng tuần, và nay thì cập nhật hàng ngày vì liên tục được chủ đất ký gửi yêu cầu điều chỉnh tăng theo “thị trường”.
“Ở đây người ta mua bán sang tay liền liền, như căn nhà kế bên đã được sang tay mấy lượt. Cứ chủ đất thấy có lời, giá tăng lên 100-200 triệu là sang tay ngay. Chủ yếu khách từ trung tâm thành phố ra đây mua”, chị V cho biết.
Quanh các đường Hà Huy Giáp, Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ, đường Tỉnh lộ 8, Tỉnh lộ 15… (quận 12) giá đất cũng đã tăng lên 30-50% trong vòng 3 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, theo dân môi giới, tốc độ tăng tại quận này không đồng đều giữa các con đường.
Nở rộ mua bán, ký gửi đất vườn ở Củ Chi
Đi dọc quốc lộ 22 từ quận Tân Bình về phía Củ Chi thời điểm này, dễ bắt gặp các bảng hiệu ghi dịch vụ “Mua bán, ký gửi nhà đất”. Đặc biệt càng về địa phận huyện Củ Chi, mật độ xuất hiện các dịch vụ mua bán và ký gửi nhà đất, đất vườn càng nhiều.
Chỉ riêng trên 1 km đoạn đường tại địa phận xã Tân Phú Trung,cứ 20-50 m là gặp một bảng quảng cáo đặt trước nhà với nội dung “Nhận ký gửi nhà đất”, “Bán đất nhà vườn”, kèm số điện thoại di động.
Anh L., chủ điểm ký gửi nhà đất ở đường Hồ Văn Tắng, cho biết nhiều người đang đổ về mua nhà đất tại Củ Chi. Khách mua chia làm hai nhóm. Nhóm mua để ở chủ yếu là khách bình dân có khoảng 200-500 triệu đồng, nhưng đối tượng này không nhiều. Nhóm mua để đầu tư chiếm số đông và mục đích là săn tìm những khu đất vườn có diện tích 1.000-3.000 m2.
Một góc khu vực thuộc quy hoạch 9.000 ha của Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi giai đoạn 2007-2027 vẫn còn bỏ hoang. Ảnh: V.Vân. |
Anh cũng không ngần ngại chia sẻ cách của nhóm mua đất vườn để đầu tư, là tìm mua vườn lớn rồi xin chuyển mục đích sử dụng đất thành thổ cư, sau đó phân lô bán nền với giá 10-15 triệu đồng/m2, gấp 4-5 lần so với giá mua ban đầu.
Vì thế mà nhu cầu mua bán đất vườn tại Củ Chi đang rất lớn. Có ngày anh tiếp 3-4 lượt khách mua.
Nguy cơ bẫy đất quy hoạch treo
Một người có thâm niên môi giới nhà đất và dự án tại TP.HCM cho biết đất tại Hóc Môn đột ngột có lượng giao dịch lớn và giá tăng cao là khi có thông tin huyện Hóc Môn được đề xuất nâng lên thành quận Hóc Môn.
Anh Hải, nhân viên một sàn giao dịch, khẳng định theo kinh nghiệm của anh, chuyện từ đơn vị hành chính là “huyện” được đề xuất nâng cấp lên thành “quận” cũng không quá xa lạ, trước đây từng có đề xuất nâng “huyện Bình Chánh” thành “quận Bình Chánh”.
Người mua nên thận trọng, vì việc trở thành “quận” mới chỉ là đề xuất, chưa biết khi nào thực hiện. Tác động phát triển kinh tế thực sự của đề xuất này cũng chưa có cơ sở dữ liệu nào được công bố chính thức.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thì cho rằng chuyện sốt đất thời gian gần đây tại huyện Củ Chi và Hóc Môn, chủ yếu do ảnh hưởng bởi thông tin “chúa đảo” Tuần Châu đề xuất đầu tư siêu dự án tại địa phận Củ Chi.
Khu vực Tây Bắc TP.HCM, trong đó huyện Củ Chi từng có nhiều siêu dựng án đề xuất đầu tư nhưng đến nay đều chưa triển khai. |
Ông khẳng định đây mới chỉ là đề xuất chứ chưa có quyết định đầu tư. Việc giá đất tăng đột biến là hiện tượng cục bộ, mà chủ yếu mặt bằng giá mới này được thổi phòng bởi “cò”, hay những người “đầu cơ đất”.
Một chuyên gia bất động sản khác cho rằng giai đoạn 2006-2008, thị trường bất động sản khu vực Tây Bắc TP.HCM cũng đã có nhiều nhà đầu tư “xí” đất tại nhưng khu vực giáp ranh giữa Hóc Môn và Củ Chi, dọc theo quốc lộ 22, để làm dự án nhà ở cao tầng. Tuy nhiên, sau nhiều năm vẫn không được triển khai, khiến một diện tích lớn đất khu vực này bị bỏ hoang và đã được trả lại dần cho Nhà nước.
Nhưng điều này khiến không ít người từng bỏ tiền “ăn theo” và rơi vào khó khăn. Bởi đa số nguồn đất tại đây là đất nông nghiệp, thanh khoản thấp, khó sang nhượng và cũng không cho thuê được.
Khu vực Tây Bắc của TP.HCM không phải lần đầu tiên được đề xuất triển khai siêu dự án bất động sản như “chúa đảo” Tuần Châu vừa đề xuất.
Giai đoạn đầu những năm 2000 từng có nhiều siêu dự án được đề xuất hoặc được quy hoạch triển khai với diện tích vài trăm đến vài nghìn ha như quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, một trong bốn đô thị vệ tinh của TP.HCM; Dự án làng hoa, cây kiểng và cá cảnh Củ Chi…nhưng đến nay gần như chưa dự án nào được hiện thực hóa, mặc dù đã có quy hoạch cách đây gần 10 năm.
Giá đất tại những khu vực lân cận các khu quy hoạch sau một thời gian tăng sốc đã nguội lạnh và dậm chân tại chỗ suốt một thời gian dài.