Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngồi tù vẫn làm giám đốc doanh nghiệp ở Hà Nội

Cục trưởng Cục thuế Hà Nội Hà Minh Hải cho biết đã phát hiện các ổ nhóm tội phạm thuê xe ôm, hoặc sử dụng chứng minh thư của tù nhân để lập doanh nghiệp mua bán hóa đơn khống.

Mở đầu phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND Hà Nội, ông Hà Minh Hải - Cục trưởng Cục thuế Hà Nội - nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan tới tình trang trốn, nợ thuế trên địa bàn thủ đô khi số nợ thuế đã lên tới 21.000 tỷ đồng.

Trước chất vấn của đại biểu Lê Văn Thành (Thanh Xuân) về tình trạng thất thu thuế từ việc thành lập công ty rồi xuất hóa đơn đỏ, ông Hải cho biết, thời qua qua Cục đã phát hiện các ổ nhóm tội phạm thuê xe ôm, hoặc sử dụng CMND của tù nhân để lập doanh nghiệp rồi mua bán hóa đơn, gây thiệt hại lớn cho nhà nước.

Ông Hải phân tích, hiện nay nhiều doanh nghiệp thành lập để buôn bán hoá đơn, làm ăn bất hợp pháp nên lập xong thì giải thể ngay, rất khó phát hiện. Cục Thuế phát hiện gần 400 tỷ nợ thuế của nhóm doanh nghiệp này và chuyển hồ sơ sang công an.

"Nhiều doanh nghiệp ngay khi vừa thành lập, chúng tôi đến kiểm tra đã không có. Có trường hợp 5-7 doanh nghiệp thuê 1 phòng ở chung cư rồi chia ô, lấy địa chỉ thành lập. Vì vậy phải có cơ chế xác minh nhân thân khi cho phép thành lập doanh nghiệp", ông Hải nói.

Ông Hà Minh Hải - Cục trưởng Cục thuế Hà Nội.
Ông Hà Minh Hải - Cục trưởng Cục thuế Hà Nội. Ảnh: Công Khanh.

Ông Hải cho hay, cơ quan chức năng đánh mạnh vào ổ nhóm cầm đầu mua bán hóa đơn khống vì chúng rất tinh vi, thường mượn, CMND hoặc thuê người làm giám đốc.

"Cơ quan công an mất nhiều thời gian mới tiếp cận được các giám đốc doanh nghiệp, nhưng họ lại là xe ôm, được thuê làm giám đốc, đang trong tù, người mất CNND nên xử lý rất khó. Muốn phát hiện, công an phải bắt quả tang để xử lý", ông Hải chia sẻ.

Theo Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, nhiều doanh nghiệp thành lập ra nhưng gặp khó khăn phải nghỉ hẳn thì không nhận diện được.
Ngoài ra, nhiều người bỏ doanh nghiệp này để lập doanh nghiệp khác với ý đồ chiếm đoạt thuế. Cục Thuế đang phối hợp với cơ quan công an để nhận diện, kiến nghị về hình thức xử lý.

Có sự tiếp tay của cán bộ thuế

Trước đề nghị của chủ tọa, ông nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an Hà Nội đã trả lời thêm về tình hình tội phạm thành lập công ty để mua bán hóa đơn. 

Tướng Chung cho hay, thời gian qua công an thành phố và Cục Thuế đã xác minh hàng trăm công ty bỏ trốn. Năm 2014, công an phát hiện một loạt công ty do Nguyễn Trường (SN 1963, Thanh Nhàn, Hà Nội) vi phạm hoạt động.

Trường đã cùng Chu Ngọc Thảo, Nguyễn Thị Thu Hương thành lập 16 công ty TNHH: Phương Bắc, Ngọc Châu, Hoa Việt, Hồng Tiến, Đức Quang, Xuân Lộc, Nam Quân, Nhất Trung, Mạnh Tuấn, Phúc Minh...

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Công an Thành phố Nguyễn Đức Chung
Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Công an thành phố Nguyễn Đức Chung.

Sau khi thành lập các công ty này với ngành nghề khác nhau, cả ba người vào TP HCM thuê in hóa đơn để bán cho hơn 2.000 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với giá trị lên đến hơn 5.000 tỷ đồng. Khi chuyển tiền, các công ty mua hóa đơn cầm tiền mặt và trả cho Trường 12% số tiền ghi trên hóa đơn. 

Những hóa đơn vi phạm này sau đó được dùng cho hợp thức hóa các khoản chi tiêu công, hợp thức hóa đơn đầu vào của các hàng hóa nhưng cũng có dấu hiệu tham nhũng.

Cơ quan công an đang phân loại những người mua hóa đơn để có biện pháp xử lý và đã truy thu được hơn 50 tỷ đồng, hơn 2.000 m2 đất từ người mua hóa đơn. Đồng thời, phối hợp với Viện KSND TP truy tố những người này trước pháp luật. 

Qua thực tiễn, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết, hoạt động quản lý các doanh nghiệp đang bộc lộ sơ hở như việc xác minh nhân thân với những người thành lập công ty là chưa chặt chẽ.

"Nguyễn Trường đã thuê các lái xe ôm 1 triệu đồng để đem CMND lên Sở Kế hoạch & Đầu tư đăng ký thành lập doanh nghiệp. Sau đó Trường đứng ra điều hành doanh nghiệp để mua bán hóa đơn khống. Công an TP còn phát hiện hành vi tiếp tay của một số cán bộ thuế", thiếu tướng Chung nói.

Ông Chung cũng cho hay, cơ chế quản lý tiền mặt trong hệ thống ngân hàng còn lỏng lẻo, để doanh nghiệp rút tiền mặt quá quy định; việc quản lý hóa đơn do doanh nghiệp tự in còn sơ hở.

Sắp tới, khi Hà Nội có mạng dùng chung để quản lý hóa đơn của các doanh nghiệp thì sẽ giúp việc quản lý doanh nghiệp chặt chẽ hơn và các vi phạm cũng sẽ giảm. Phát hiện sở hở thiếu xót trong quản lý liên hóa đơn mà các công ty tự in.

Giám đốc Công an TP đề nghị Cục Thuế kiến nghị với Bộ Tài chính cần thiết lập mạng dùng chung để quản lý việc sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp giúp quản lý doanh nghiệp chặt chẽ hơn.

Cuối phần trả lời, ông Chung khẳng định, các hành vi vi phạm liên quan đến việc thành lập công ty để bán hóa đơn sẽ bị xử lý nghiêm minh và sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian tới.

Hà Nội chất vấn 4 nhóm vấn đề nóng

Nợ thuế, quản lý đô thị, xây dựng quản lý công viên, an toàn vệ sinh thực phẩm là những nhóm vấn đề nóng được HĐND thành phố Hà Nội dành trọn 1 ngày tập trung chất vấn.

Công Khanh

Bạn có thể quan tâm