Một buổi chiều thứ Sáu sau Lễ tạ ơn, Randal Quran Reid đang lái chiếc xe Jeep màu trắng của mình về nhà của mẹ mình ở ngoại ô Atlanta.
Bất ngờ, anh bị chặn lại trên một đường cao tốc đông đúc. Một sĩ quan cảnh sát sau đó đến tiếp cận chiếc xe của Reid và yêu cầu xem bằng lái xe của anh. Reid nói mình để quên ở nhà.
Tiếp theo, viên cảnh sát hỏi Reid có mang vũ khí trên người hay không và yêu cầu anh bước ra khỏi chiếc xe. Đúng lúc này, cảnh sát bất ngờ còng tay anh với sự giúp đỡ của hai sĩ quan khác vừa mới đến.
Ngồi tù oan vì sai sót công nghệ
"Tôi đã làm gì?", Reid bất ngờ hỏi nguyên nhân vì sao mình bị bắt giữ. Viên cảnh sát cho biết anh ta mang trên người 2 lệnh truy nã tội trộm cắp ở Baton Rouge và Jefferson Parish, một quận ở ngoại ô New Orleans.
“Họ nói rằng tôi đang bị truy nã ở Jefferson Parish nhưng tôi còn không biết Jefferson Parish là ở đâu”, Reid nói. Anh cho biết mình chưa từng đến Louisiana nên chẳng thể có chuyện cướp bóc ở đây.
Chuyên gia ngành giao thông vận tải bị giam tại nhà tù quận DeKalb để chờ dẫn độ từ Georgia đến Louisiana. Phải mất nhiều ngày sau, Reid mới biết chính xác mình bị buộc tội vì sử dụng thẻ tín dụng bị đánh cắp để mua một chiếc ví hàng hiệu.
Máy quay camera trên người cảnh sát quận DeKalb ghi lại cảnh Reid bị bắt giữ. Ảnh: New York Times. |
“Tôi bị giam giữ vì một điều gì đó mà tôi còn không biết", chàng trai 29 tuổi nói.
Cha mẹ Reid liên tục gọi điện hỏi thăm tình hình, rồi quyết định thuê luật sư và chi hàng nghìn USD để tìm hiểu lý do tại sao cảnh sát cho rằng anh phải chịu trách nhiệm về tội này.
Cuối cùng, phía cảnh sát cũng phát hiện ra nguyên nhân bởi Reid có nét giống với một nghi phạm đã bị camera giám sát ghi lại. Vụ việc cuối cùng đã ngã ngũ và trát tòa được thu hồi.
Sau cùng, Reid phải ngồi tù 6 ngày và nghỉ làm một tuần chỉ vì bị công nghệ nhận diện nhầm là tội phạm truy nã.
Việc Reid bị bắt giữ oan dường như là kết quả của một loạt sai sót công nghệ nghiêm trọng, bắt nguồn bằng kết quả nhận diện khuôn mặt tồi tệ.
Mục đích của việc áp dụng công nghệ này là để giúp công việc của phía cảnh sát hiệu quả và chính xác hơn. Tuy nhiên, mặt trái là khi có sai sót, việc bắt nhầm người vô tội cũng trở nên quá dễ dàng.
Theo các chuyên gia pháp lý và những người bảo vệ công chúng, đây là một hành vi điển hình và rất đáng lo ngại.
Không hề có công nghệ nào được đề cập trong các tài liệu chính thức, còn Reid cũng không được cho biết chính xác lý do tại sao mình bị giam giữ.
“Trong một xã hội dân chủ, người dân cần được biết những công cụ nào đang được sử dụng để kiểm soát chúng ta", Jennifer Granick, luật sư tại American Civil Liberties Union cho biết.
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt sai sót khiến Reid phải ngồi tù gần một tuần. Ảnh: New York Times. |
Trở lại với vụ của Reid, trong cơn hoảng loạn sau khi được tin anh bị bắt, gia đình Reid ngay lập tức thuê một luật sư ở Atlanta.
Mặc dù vậy, người này cho biết mình không thể đưa ông Reid ra khỏi tù và cố gắng thu thập thêm thông tin. Sau đó, vị luật sư đề nghị các thành viên trong gia đình của Reid thuê ai đó ở Louisiana.
Người thân của anh liên tục gọi điện cho các công ty luật ở Jefferson Parish và Baton Rouge cho đến khi họ tìm thấy Thomas Calogero, một luật sư chuyên bào chữa các vụ án hình sự.
Ông Calogero phát hiện ra rằng Reid bị buộc tội ăn cắp hai chiếc ví Chanel và một chiếc túi Louis Vuitton màu nâu, trị giá tổng cộng gần 13.000 USD từ Second Act, một cửa hàng ký gửi ở ngoại ô New Orleans.
Luật sư này nhanh chóng đến cửa hàng và nói chuyện với người chủ. Chủ cửa hàng sau đó đã cho Calogero xem một bức ảnh tĩnh từ camera giám sát. Vị luật sư nhanh chóng nhận ra rằng một trong những kẻ lừa đảo bị cáo buộc trông giống Reid nhưng nặng cân hơn.
"Gã đó có cánh tay rất to nhưng thân chủ của tôi thì không", Calogero nói.
Reid được xác định là thủ phạm trong vụ cướp trang sức quý giá trong một cửa hàng cầm đồ ở vùng ngoại ô Metairie, Louisiana hồi tháng 6. Trong vụ cướp, số trang sức Chanel và Louis Vuitton bị đánh cắp trị giá hơn 10.000 USD. Ảnh: New York Times. |
Ngoài vóc dáng, khuôn mặt thủ phạm xuất hiện trong đoạn băng ghi hình vẫn có nhiều điểm khác biệt so với Reid. Cụ thể, Reid có một nốt ruồi trên mặt. Do đó, cảnh sát quận Jefferson Parish đã nhanh chóng rút lại lệnh truy nã.
Lỗ hổng của công nghệ nhận diện
Khi được Calogero đặt câu hỏi, một sĩ quan tại Văn phòng cảnh sát quận Jefferson Parish, bang Louisiana vẫn khẳng định Reid "trùng khớp" với thủ phạm.
Trả lời tờ báo địa phương NOLA, Calogero cho biết ông lập tức nhận ra đây là dấu hiệu cho thấy phía cảnh sát đã dùng đến công nghệ nhận dạng khuôn mặt để truy bắt tội phạm.
Theo một người trực tiếp tham gia cuộc điều tra xác nhận với New York Times, công nghệ nhận khuôn mặt đã được sử dụng để xác định ông Reid là thủ phạm. Tuy nhiên, không có tài liệu nào về vụ bắt giữ tiết lộ điều đó.
“Đối với tôi, theo thủ tục tố tụng hình sự cơ bản, những người bị bắt giữ mà không được thông báo về điều gì đã đưa họ đến đó là điều không thể chấp nhận được", Barry Friedman, giáo sư luật tại Đại học New York đưa ra ý kiến.
Theo các tài liệu mà New York Times có được trong một yêu cầu hồ sơ công khai, Văn phòng cảnh sát quận Jefferson Parish có hợp đồng với Clearview AI, nhà cung cấp công nghệ nhận dạng khuôn mặt với bản hợp đồng trị giá 25.000 USD/năm. Ảnh: New York Times. |
Dù phía cảnh sát không thừa nhận, nhưng theo các tài liệu mà New York Times có được trong một yêu cầu hồ sơ công khai, Văn phòng cảnh sát quận Jefferson Parish có hợp đồng với Clearview AI, nhà cung cấp công nghệ nhận dạng khuôn mặt với bản hợp đồng trị giá 25.000 USD một năm.
Clearview đã thu thập hàng tỷ bức ảnh từ những nguồn công cộng, bao gồm các trang mạng truyền thông xã hội để tạo ra một công cụ tìm kiếm dựa trên khuôn mặt đang được các cơ quan thực thi pháp luật trên nước Mỹ sử dụng.
Reid cũng là một nạn nhân khi rất nhiều ảnh công khai của anh trên các web được liên kết với tên của mình, kể cả trên LinkedIn hay Facebook.
Hoan Ton-That, CEO của Clearview AI cũng khẳng định một vụ bắt giữ không nên dựa hoàn toàn vào kết quả tìm kiếm nhận dạng khuôn mặt.
“Ngay cả khi Clearview AI đưa ra kết quả nhận dạng khuôn mặt trùng khớp thì đó chỉ là bước khởi đầu cho cuộc điều tra của cơ quan thực thi pháp luật để xác định. Cần có thêm nhiều yếu tố khác để xác định cảnh sát có bắt được đúng người hay không. Hơn một triệu lượt tìm kiếm đã được thực hiện bằng Clearview AI. Một vụ bắt nhầm là quá nhiều và chúng tôi đồng cảm với người bị buộc tội oan”, CEO của Clearview AI trả lời.
Theo The Times-Picayune, Reid đã bị nhốt ở nhà giam quận DeKalb vì cho rằng anh đang cố tẩu thoát, nhưng được thả vào ngày 1/1.
Theo AP, vụ án kỳ lạ của Randall Reid đã dấy lên nhiều lo ngại liên quan đến việc sử dụng công nghệ nhận diện ở bang Louisiana nói riêng và các khu vực khác ở nước Mỹ nói chung.
Vụ án kỳ lạ của Randall Reid đã dấy lên nhiều lo ngại liên quan đến việc sử dụng công nghệ nhận diện ở bang Louisiana nói riêng và các khu vực khác ở nước Mỹ nói chung. Ảnh: GIGAZINE. |
Từ trước đến nay, công nghệ này luôn bị chỉ trích vì có thể bị lợi dụng để theo dõi, ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dân.
Một số nghiên cứu còn chỉ ra các công cụ thường nhận diện nhầm những người da màu trong khi xác suất đúng với người da trắng lại cao hơn. Điều này đã gây ra không ít án oan cho người dân.
Ngồi trong tù, Randall Reid lo sợ rằng mình sẽ mất việc và bị kết án cho một tội danh mà anh chẳng hề liên quan. “Tôi đã không ăn, không ngủ mà cứ suy nghĩ mãi về án phạt. Tôi còn chẳng biết chuyện gì đang xảy ra với mình”, anh nói.
Nhân loại sẽ đối đầu với trí tuệ nhân tạo như thế nào
Trong cuốn sách "Framers - Nhân loại đối đầu nhân tạo", các tác giả nhận định con người vẫn có lợi thế trong thời đại công nghệ.