Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngôi sao Trung Quốc phải tự trả tiền để lồng tiếng

Quy định mới yêu cầu nghệ sĩ phải tự thu âm cho nhân vật mình đảm nhiệm, nếu không hoàn thành nhiệm vụ, họ phải trả chi phí cho diễn viên lồng tiếng.

Ngày 8/5, HK01 đưa tin các cơ quan quản lý nghệ thuật Trung Quốc đã đưa ra những quy định mới trong việc lồng tiếng của diễn viên nhằm hạn chế tình trạng diễn viên lười học lời thoại và diễn viên phụ thuộc vào khâu lồng tiếng.

Phải tự trả tiền nếu sử dụng diễn viên lồng tiếng

Theo Nhật báo Nhân dân, Liên đoàn phát thanh và truyền hình Trung Quốc (thuộc Tổng cục phát thanh truyền hình Trung Quốc), Hiệp hội dịch vụ truyền thông mạng Trung Quốc (tổ chức ngành nghề cấp quốc gia) phối hợp phát hành Văn bản mẫu của hợp đồng tuyển dụng diễn viên, áp dụng thử trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình, web drama.

Văn bản nêu rõ: Trong hợp đồng sử dụng lao động, diễn viên dựa theo quy ước về thời gian, địa điểm với nhà sản xuất để hoàn thành công tác hậu kỳ lồng tiếng cho phim.

Nếu các ngôi sao không thể hoàn thành yêu cầu thu âm cho nhân vật họ đảm nhiệm (lồng tiếng kém hoặc thời gian không đúng), nhà sản xuất có quyền thuê diễn viên lồng tiếng thay thế. Chi phí phát sinh như thù lao lồng tiếng, tiền đi lại, ăn ở sẽ do phía diễn viên chi trả hoặc trừ vào tiền thù lao.

Theo Sina, quy định mới của các cơ quan quản lý nghệ thuật nhận được sự đồng thuận của công chúng. Họ cho rằng diễn viên nhận được mức thù lao khổng lồ thì phải có trách nhiệm với nhân vật của mình. Việc trau dồi diễn xuất, khả năng đọc thoại là yêu cầu bắt buộc nếu các ngôi sao muốn tiếp tục hành nghề.

"Quy định này nên có từ sớm, diễn viên vốn phải tự đảm nhận lồng tiếng, khả năng đọc thoại tốt là yêu cầu tối thiểu của nghệ sĩ", "Lời thoại là một phần quan trọng của diễn xuất, diễn viên phải hoàn thành các khâu hậu kỳ mới xứng đáng nhận toàn bộ thù lao", là bình luận nhận được hàng nghìn lượt đồng tình trên mạng xã hội Weibo.

Hiện tại, các giải thưởng phim ảnh của Trung Quốc đưa ra tiêu chí chỉ xét duyệt những phim mà diễn viên dùng giọng thực.

Ngoài ra, khán giả cũng đặt ra câu hỏi, quy định mới áp dụng cho tất cả diễn viên, dự án phim hay chỉ áp dụng cho phim cổ trang thần tượng?

Mặt khác, cũng có những khán giả cho rằng quy định mới khiến nhiều diễn viên lâm vào thế khó. Ví dụ Xa Thi Mạn, Thái Thiếu Phân, Trần Vỹ Đình,... những diễn viên Hong Kong bị hạn chế trong việc nói tiếng phổ thông. Nếu quy định nghiêm khắc bắt họ phải tự lồng tiếng, sẽ khiến khán giả khó theo dõi, giảm chất lượng của phim.

Sina phân tích thêm việc sử dụng diễn viên lồng tiếng bị hạn chế, nhưng nếu đoàn phim cho rằng việc lồng tiếng phù hợp với dự án phim, thì tìm người thay thế thu âm vẫn được chấp nhận.

Tôn Lệ trong phim Hậu cung Chân Hoàn truyện hay Lưu Thi Thi trong Bộ bộ kinh tâm đều nỗ lực sử dụng giọng thật để tự lồng tiếng nhân vật. Nhưng nhà sản xuất đánh giá giọng của họ không phù hợp, do đó đoàn phim phải thuê diễn viên lồng tiếng.

Trường hợp khác như Dương Mịch, giọng thoại của cô không khó nghe nhưng âm sắc trẻ con, không thích hợp khi đóng vai phụ nữ trưởng thành. Khi Dương Mịch tự thu âm trong các phim Bạo phong nhãn hay Hộc Châu phu nhân đều không phù hợp với tính cách, bối cảnh của nhân vật. Do đó, trong trường hợp của Dương Mịch, khán giả cho rằng việc sử dụng diễn viên lồng tiếng thay thế là hợp lý.

Vấn nạn lười đọc thoại của diễn viên Trung Quốc

Thoại là một trong những kỹ năng cơ bản bắt buộc phải có của diễn viên khi đứng trước ống kính. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, không phải ngôi sao nào cũng phát âm tròn vành rõ chữ tiếng phổ thông. Người được đánh giá cao về năng lực diễn xuất lại mất đài từ, người được đài từ lại diễn không ra thần thái của nhân vật.

Theo Sina, nếu trước đây lồng tiếng được xem là "cứu tinh" cho các bộ phim mang ngôn ngữ quốc tế, tiếng vùng miền và dành cho những nghệ sĩ có chất giọng khó nghe, thì ngày nay việc này lại được xem là vấn nạn trong showbiz.

Tuy nhiên, ngày nay kỹ thuật này lại bị lớp nghệ sĩ "lười" lạm dụng quá đà. Trong thời đại phim công nghiệp, đòi hỏi việc sản xuất nhanh chóng, nghệ sĩ nhận một lúc 2-3 phim, đã hình thành thói ỷ lại và lười học thuộc lời thoại trong thế hệ diễn viên trẻ.

Việc lạm dụng diễn viên lồng tiếng dẫn đến các nhân vật do Địch Lệ Nhiệt Ba, Triệu Lệ Dĩnh, Đường Yên khác nhau, nhưng giọng nói hoàn toàn giống nhau. Biên Giang nhờ chất giọng nam tính, mạnh mẽ đã được Hoắc Kiến Hoa, La Tấn và Trần Vỹ Đình chọn phụ trách giọng cho nhân vật của họ trong nhiều dự án.

Theo Sina, vì lệ thuộc vào khâu lồng tiếng, họ mỗi khi quên lời hoặc bị vấp thoại cũng không đồng ý quay lại phân cảnh. Thậm chí, khi diễn, họ chỉ đọc thoại một cách vô hồn, thiếu cảm xúc.

Tháng 5/2020, nữ diễn viên Chu Tử Hinh bị dư luận chỉ trích dữ dội vì để lộ khoảnh khắc đếm số thay lời thoại trên phim trường Trần Thiên Thiên trong lời đồn.

Vào vai quận chúa Trần Sở Sở, cô có câu thoại: "Huyền Hỏa Thành mang đá đen chế thành thuốc nổ", nhưng sao nữ lại qua loa đọc thành "1, 2, 3, 4, 5". Bởi sau đó, bộ phim có giai đoạn lồng tiếng nên nữ diễn viên không chuyên tâm học kịch bản, tìm cách đối phó với cảnh quay.

"Rất nhiều diễn viên trẻ khi đến phim trường trong đầu hoàn toàn là trang giấy trắng, một chữ cũng không có. Đáng sợ nhất là nhiều người mắc phải tình trạng 'học gạo', thoại nhưng chẳng biết mình thoại cái gì. Kịch bản yêu cầu khóc, diễn viên lại cười. Với những nghệ sĩ như vậy, người lồng tiếng chuyên nghiệp như tôi cũng bó tay chịu trận", diễn viên lồng tiếng kỳ cựu Quý Quán Lâm chia sẻ.

Cúc Tịnh Y cũng là trường hợp đáng chê trách khi lạm dụng diễn viên lồng tiếng. Theo Sina, nữ thần tượng đã quay hơn 10 tác phẩm phim truyền hình, nhưng chưa có bất kỳ dự án nào cô dùng giọng thật.

"Cúc Tịnh Y là ngôi sao cá biệt. Diễn dở, thoại dở. Gọi cô ấy bằng danh xưng diễn viên thật sự ngượng miệng. Trên phim trường, ai nghe được cô Cúc đọc gì tôi mới hay", nghệ sĩ lồng tiếng giấu tên nói với Sina.

Để triệt để giải quyết vấn nạn nhức nhối này, cuối năm 2020, Hiệp hội Sản xuất phim Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc ban hành văn bản về quy tắc hành xử của diễn viên trên phim trường. Trong đó nêu rõ nhà sản xuất phải kiên quyết chống lại việc không học thuộc kịch bản, dùng chiêu trò như đếm số, lạm dụng kỹ thuật lồng tiếng để "lách cửa" của giới nghệ sĩ.

Diễn viên Trung Quốc bị cấm nhận cát-xê bằng tiền mặt

Quy định mới của Trung Quốc yêu cầu các nghệ sĩ viết rõ thù lao đóng phim trong hợp đồng, không được nhận thêm bằng các hình thức khác như cổ phần.

Triệu Lệ Dĩnh và Lâm Canh Tân tái hợp sau 5 năm

Triệu Lệ Dĩnh và Lâm Canh Tân từng hợp tác thành công trong bộ phim "Sở Kiều truyện". Sắp tới, họ cùng tham gia phim truyền hình "Dữ phượng hành".

Phim cổ trang phải quay lại vì nam chính bị cấm sóng

Sau khi Trương Triết Hạn bị cấm sóng, phim truyền hình “Vân Tịch truyện” bị gỡ bỏ, nhà sản xuất có ý định làm lại với dàn diễn viên mới.

Đồ Nam

Bạn có thể quan tâm