'Ngôi sao' Internet ở Nhật và những mục tiêu di động
Hiroshi Mikitani là điển hình cho sự thịnh vượng của cộng đồng Internet ở Nhật Bản.
Hiroshi Mikitani, "nhà cách mạng" bán lẻ trực tuyến của Nhật. |
Ông bắt đầu chỉ với 2 người và giờ đây có gần 10 ngàn nhân viên. Ông chưa bao giờ đặt ra mục tiêu cố định cho mình. Mục tiêu của Hiroshi luôn thay đổi.
Hiroshi Mikitani trở thành biểu tượng doanh nghiệp sáng tạo ở Nhật Bản với các tính cách quyết đoán, dám phá bỏ những lệ thường, tự tin, và không bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì mình đạt được.
Năm 1997, khi Internet còn khá xa lạ với những thương nhân nhỏ, Hiroshi Mikitani từ bỏ công việc ở một ngân hàng và mở ra chợ ảo trên Interner đầu tiên ở Nhật với chỉ 13 nhà cung cấp, đa số là bạn bè, rồi từ đó gây dựng nên trung tâm bán lẻ trên mạng lớn nhất Nhật Bản - Rakuten.
Trung tâm này đem lại doanh thu 3,2 tỷ đô la Mỹ vào năm 2009, và ông muốn nó trở thành trung tâm lớn nhất thế giới.
Managing Asia có cuộc phỏng vấn với nhà sáng lập thương hiệu bán lẻ trực tuyến hàng đầu Nhật Bản:
- Về mặt doanh số, Amazon vẫn lớn hơn Rakuten rất nhiều…
- Có sự cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhưng chúng tôi có du lịch và nhiều ngành nghề kinh doanh khác. Chúng tôi có nhiều thương hiệu, vì thế đó không phải là một cuộc cạnh tranh trực diện với Amazon. Tôi rất tôn trọng họ, vì thế chúng tôi chỉ cạnh tranh với họ trong một phân khúc mà thôi.
Rakuten là nhà phân phối của 35 ngàn nhà cung cấp, thu hút 350 ngàn giao dịch mỗi ngày. Điểm khác biệt của Rakuten với những trang bán hàng trực tuyến khác là không có hàng tồn kho. Rakuten hoạt động như một sàn điện tử cho người bán và người mua, Rakuten chỉ thu phí giao dịch và ăn hoa hồng. Trong những năm qua Rakuten đã mở rộng sang các lĩnh vực khác như là du lịch và tài chính.
Nhìn chung tôi tự tin rằng chúng tôi có thể kết hợp tài chính cá nhân, thương mại điện tử cùng với du lịch và truyền thông, đó sẽ là một bộ ba đầu tư hoàn hảo.
- Một phần tham vọng đó sẽ tạo ra 70% doanh số của công ty ông trên thị trường nước ngoài. Như vậy có phải có một công ty chuyên mua bán và sáp nhập phía ông?
- Điều đó còn tùy thuộc vào cơ hội, chúng tôi đang thành lập liên doanh mua một số công ty nhưng không phải những công ty lớn. Chúng tôi tiến hành những vụ sáp nhập nhỏ và phát triển có hệ thống.
- Đây có phải là năm mua sắm tốt nhất không? Đồng yen dường như đang mang lại cho ông nhiều lợi nhuận hơn trước?
- Trong việc mua lại các công ty ư? Đúng là chúng tôi rất may mắn! Chúng tôi đã mua Priceminister ở Pháp, và cũng mua Buy.com ở Mỹ. Cả hai công ty này rất hấp dẫn và đang tăng trưởng nhanh. Chúng tôi thích mô hình quản lý, thích mô hình kinh doanh của họ và cảm thấy thật là may mắn.
- Rakuten trao quyền cho những thương nhân nhỏ, họ có thể mở cửa hàng ảo này, tiếp cận trực tiếp khách hàng của mình. Điều này có thể hợp lý ở một thị trường như Nhật Bản - nơi mối liên hệ cá nhân được đánh giá cao. Nhưng ông có nghĩ rằng ở thị trường nước ngoài, đặc biệt như ở Châu Âu và Mỹ, người tiêu dùng cũng thực sự muốn tương tác với doanh nghiệp?
- Chắc chắn là có. Hiện nay Châu Âu và Mỹ cũng có một xu hướng gọi là mua sắm xã hội. Mọi người muốn liên lạc với bạn bè và người bán cũng muốn hỏi khách hàng về yếu tố sản phẩm. Thông tin liên lạc sẽ là yếu tố chính và điều đó sẽ thay đổi hành vi tiêu dùng của người Mỹ.
- Ông nói rằng muốn tăng giao dịch hàng năm lên gấp 5 lần trong 10 năm. Sau giai đoạn 10 năm này thì liệu ông có thể tạo ra cái gọi là thâm nhập cầu hoàn?
- Trong tương lai tôi nghĩ rằng thị phần trong mua sắm trên mạng ở mỗi khu vực sẽ tỷ lệ thuận với thị trường tiêu dùng ở các quốc gia. Vì thế Trung Quốc có thị trường tiêu dùng gấp đôi Nhật Bản thì thị trường thương mại điện tử ở Trung Quốc cũng sẽ lớn gấp đôi hoặc hơn nữa. Đối với những nước đang phát triển, rất có khả năng thương mại điện tử sẽ phát triển hơn cả những nước phát triển. Vì mạng lưới bán lẻ của họ không mạnh lắm nên dễ dàng bù đắp bằng thương mại điện tử, và điều này đã xảy ra ở Trung Quốc rồi.
- Vậy ông sẽ làm gì với Baidu của Trung Quốc khi mà Alibaba và taobao đã không thể làm được?
- Rõ ràng là chúng tôi đã chậm chân, vì thế cần cung cấp dịch vụ tốt hơn, lựa chọn nhãn hàng tốt hơn. Rakuten sẽ hành động mạnh mẽ hơn đối với hàng giả và hàng nhái và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho các nhà cung cấp.
- Ông làm thế nào để có thể quyết liệt hơn với vấn đề hàng giả, trong tất cả các ngành chứ không riêng gì với mua sắm trực tuyến? Và với một thị trường rộng lớn, liệu kế hoạch của ông có khả thi hay không?
- Chúng tôi có Price Minister, họ đang làm mô hình C2C và có mối liên hệ chặt chẽ với những thương hiệu lớn ở Pháp và Ý. Price Minister có phần mềm cực tốt cũng như đầy kinh nghiệm để đấu tranh với hàng giả. Chúng tôi phân tích trang web, mô tả sản phẩm, giá cả và lịch sử bán hàng của từng người bán, đó là thế mạnh của chúng tôi.
- Ông đang chuyển hướng sang sử dụng tiếng Anh. Tại sao vậy?
- Lý do Rakuten thành công vang dội ở Nhật là nhờ tôi đã buộc các cơ sở kinh doanh của chúng tôi phải chia sẻ chuyên môn với nhau. Ngân hàng Rakuten, du lịch Rakuten, Rakuten Ichibank và chứng khoán Rakuten.
Chúng tôi cùng làm việc trong một tòa nhà, ăn trưa cùng căn tin và mọi người là một đội, và chúng tôi cần tạo ra điều này xuyên quốc gia. Cách duy nhất là mọi người phải liên hệ trực tiếp với nhau, không thông qua phiên dịch, không thông qua quản lý. Tất cả các kỹ sư của tôi, kỹ sư Nhật Bản liên hệ trực tiếp với các đồng nghiệp ở Pháp, ở Trung Quốc. Họ phải chất vấn nhau thông qua các cuộc họp trực tuyến và thư điện tử, đó là cách duy nhất để tạo ra một công ty cạnh tranh toàn cầu.
- Liệu điều đó có khả thi hay không?
- Chúng tôi đã thực hiện khoảng10 tháng nay rồi. Đã có một sự thay đổi lớn! Người quản lý nước ngoài của chúng tôi cảm thấy thực sự thoải mái, họ cảm thấy họ là một phần của Rakuten. Mọi việc đang bắt đầu vào nhịp.
- Như vậy những ai không thể nói tiếng Anh sẽ phải nghỉ việc khi giai đoạn này kết thúc hay sao?
- Nếu đến tháng 3/2013 mà không đáp ứng được, họ sẽ bị hạ bậc lương.
- Có nhiều người phản đối chính sách này hay không?
- Một số người tỏ ra rất căng thẳng. Nhưng tôi nghĩ rằng đây là con đường họ phải đi và họ biết rằng tôi không định thay đổi chính sách của tôi.
Theo Nhượng quyền Việt Nam