Theo SCMP, phong trào Black Lives Matter (tạm dịch: Người da đen đáng được sống) nhận được sự ủng hộ đáng kinh ngạc từ cộng đồng người châu Á, nhất là các diễn viên và người hâm mộ của họ.
Phong trào trên phát triển mạnh mẽ giữa lúc các cuộc tấn công chống lại người gốc Á xuất hiện nhiều ở Mỹ. Các ngôi sao toàn cầu liên tục lên tiếng chống lại nạn phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng diễn ra suốt nhiều thập kỷ.
Song, vẫn có nhiều ngôi sao gốc Á vướng cáo buộc phân biệt chủng tộc, chiếm đoạt văn hóa với những bình luận thiếu tế nhị. Có người lên tiếng xin lỗi, số khác bị phản ứng mạnh đến mức phải nghỉ việc, bị công ty sa thải.
Awkwafina và Lưu Tư Mộ trong Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings. Ảnh: Marvel Studios. |
Sao nữ Shang-Chi từ bỏ mạng xã hội
Trường hợp bị cáo buộc phân biệt chủng tộc, chiếm đoạt văn hóa da màu gần đây nhất là từ Awkwafina - nữ diễn viên nổi tiếng với hai bộ phim Crazy Rich Asians và Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings.
Nhiều năm liền, Awkwafina bị chỉ trích vì sử dụng tiếng Anh bản ngữ của người Mỹ gốc Phi (AAVE) và "blaccent" - từ kết hợp giữa "black" và "accent" - bắt chước nói tiếng Anh giống người da đen dù không liên quan gì đến nguồn gốc châu Phi.
Sao phim Con nhà siêu giàu châu Á từng bị phản đối trong vai trò rapper khi trình làng bản rap nhạy cảm My Vag. Nữ diễn viên nhiều lần né tránh câu hỏi về chiếm đoạt văn hóa, gần nhất là tại họp báo phim Shang-Chi. Điều này khiến người hâm mộ phẫn nộ.
Awkwafina là một trong những ngôi sao gốc Á thành công nhất ở Hollywood. Ảnh: Getty. |
Nora Lum - tên thật của nữ diễn viên - sau đó chọn cách giải quyết tranh cãi bằng mạng xã hội giữa lúc bị tẩy chay.
"Với tư cách người da màu không phải da đen, tôi luôn lắng nghe và làm việc không mệt mỏi để hiểu hơn lịch sử, bối cảnh của AAVE. Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng mình không có ý coi thường, chế nhạo hoặc gây tổn hại đến người khác", cô viết trên Twitter trước khi quyết định dừng sử dụng nền tảng mạng xã hội này.
Theo New Yorker, lời giải thích của Awkwafina là thiếu chân thành. Bài viết trên Twitter không giúp ích gì cho nữ diễn viên, thậm chí gây ra hiệu ứng ngược. Ngôi sao gốc Trung - Hàn chối bỏ việc lợi dụng văn hóa da đen giúp cô thăng tiến trong sự nghiệp.
Independent cho rằng nữ diễn viên 33 tuổi bị khán giả cáo buộc "không xin lỗi chân thành" khi đổ lỗi người hâm mộ đang tìm cách bắt nạt mình.
Ngôi sao gốc Việt bị sa thải
Phát ngôn thiếu chừng mực trong vụ của George Floyd khiến Jennie Nguyen - ngôi sao truyền hình thực tế chỉ mới tham gia vài chương trình - bị sa thải, mất cơ hội nổi tiếng.
Trong vụ George Floyd xô xát với cảnh sát người Mỹ, Jennie đi ngược dư luận, có bài viết dài đặt nghi vấn về nguyên nhân qua đời của nạn nhân người Mỹ gốc Phi.
Cô sau đó dán nhãn người chống nạn phân biệt chủng tộc là "côn đồ", "băng đảng bạo lực", đồng thời kêu gọi phong trào “White Lives Matter” để chống lại làn sóng người da đen đáng được sống tại Mỹ.
Jennie Nguyen bị cắt hợp đồng vì phát ngôn thiếu chừng mực. Ảnh: @jennienguyenluv. |
Ngôi sao 44 tuổi lên tiếng xin lỗi vì đã khiến người khác tổn thương sau khi bị chỉ trích nặng nề. Cô sau đó cho rằng bản thân đang bị bắt nạt trên mạng xã hội.
"Chúng ta đang bị bắt nạt vì những gì mình không làm và điều đó không hề công bằng. Quan điểm của tôi là đang từ bi cho những người đau khổ chứ không phải phân biệt chủng tộc", cô nói vào thời điểm đó.
Vụ việc trở nên tồi tệ hơn khi Jennie chuyển trọng tâm vụ việc sang công ty cô đang làm việc. Kết quả là Jennie Nguyen bị mạng truyền hình đang hợp tác cắt hợp đồng, sa thải.
Nhóm Mamamoo xin lỗi vì lạm dụng văn hóa da đen
Năm 2017, các thành viên nhóm Mamamoo phải lên tiếng xin lỗi cộng đồng người gốc Phi sau khi video nhóm tô mặt đen, cover ca khúc Uptown Funk của Bruno Mars và Mark Ronson ở Nhật Bản lan truyền trên mạng.
Trong clip, 4 cô gái mặc trang phục đặc trưng trong MV của Bruno Mars. Mamamoo cũng trang điểm màu nền tối hơn da thật để giống với bản gốc. Song, điều đó nhận nhiều phản hồi tiêu cực.
Các thành viên nhóm Mamamoo xin lỗi vì không tìm hiểu văn hóa da màu. Ảnh: @mamamoo_official. |
Sau vụ việc, đại diện của Mamamoo cho biết họ không hề biết lịch sử phân biệt chủng tộc của người da trắng. Trong quá khứ, một số nghệ sĩ phương Tây vẽ đen mặt để tô đậm định kiến tiêu cực, thể hiện người da đen là tầng lớp thấp kém.
"Chúng tôi thiếu hiểu biết về vấn đề blackface và chưa hiểu rõ ý nghĩa hành động của mình. Chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm về người hâm mộ quốc tế và đảm bảo điều này không bao giờ tiếp diễn", Mamamoo tuyên bố vào thời điểm đó.
Ca sĩ xin lỗi vì chiếm đoạt văn hóa
Brian Imanuel Soewarno trước đây có nghệ danh là Rich Chigga. Nam ca sĩ người Indonesia sau đó vấp phải chỉ trích của người hâm mộ vì cách đặt tên. Rap name của Brian là sự kết hợp giữa "Chinese" và chữ "N" để ám chỉ văn hóa da đen.
Chủ nhân ca khúc Dat $ tick cũng thường xuyên sử dụng chữ "N" trong lời bài hát và đi theo phong cách rap gangsta trong các MV.
Năm 2018, Rich Chigga đổi nghệ danh thành Rich Brian. Nam rapper xin lỗi vì những sai lầm trong quá khứ và những lần tranh cãi với công chúng trên mạng xã hội.
Trưởng nhóm BTS và rapper Rich Brian phải xin lỗi vì chiếm đoạt văn hóa da màu. Ảnh: Chosunilbo JNS, @tae_san30. |
Trước đó, trưởng nhóm RM của BTS cũng bị cáo buộc chiếm đoạt văn hóa da màu. Thời kỳ đầu BTS mới thành lập, RM để kiểu tóc đen xoăn đặc trưng của người gốc Phi. Nam ca sĩ còn gây tranh cãi khi bắt chước tiếng mẹ đẻ của người Mỹ da đen trong các cuộc phỏng vấn.
Sau khi bị chỉ trích, RM nhiều lần đưa ra lời xin lỗi. Nam ca sĩ tự nhận mắc sai lầm vì tuổi trẻ bồng bột.