Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi ở Thanh Hóa

Ngôi nhà được khởi dựng từ năm 1810, mới trải qua duy nhất một lần trùng tu. Năm 2004, nó đã được USNESSCO công nhận là "Nhà cổ dân gian Việt Nam".

Ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi ở Thanh Hóa

Ngôi nhà được khởi dựng từ năm 1810, mới trải qua duy nhất một lần trùng tu. Năm 2004, nó đã được USNESSCO công nhận là "Nhà cổ dân gian Việt Nam".

Chủ ngôi nhà cổ trên là ông Phạm Ngọc Tùng (SN 1952, trú xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Ngôi nhà nơi cư trú qua 7 đời trong đại gia đình ông Tùng và cũng chính nơi đây, thời còn chiến tranh loạn lạc nó dùng làm chỗ cho bộ đội ta dự trữ quân lương. Nó cũng là nơi nuôi dưỡng lớp lớp con cháu được học hành đỗ đạt, trở thành những tri thức góp sức xây dựng đất nước và rạng danh văn hóa gia đình.

Toàn cảnh ngôi nhà cổ 200 tuổi.

Kiến trúc độc đáo hiếm có từ thời Nguyễn

Với nhiều du khách xa gần, nếu có dự định đến thăm thành nhà Hồ thì chắc không ai muốn bỏ lỡ dịp được chiêm ngưỡng không gian, kiến trúc độc đáo của ngôi nhà cổ này. Nó không đơn thuần là di sản trải qua hơn 200 năm tuổi mà kiến trúc tinh xảo của ngôi nhà đã chinh phục được các chuyên gia nước ngoài, vừa được UNESSCO công nhận là “Nhà cổ dân gian Việt Nam”. Ngôi nhà cổ này nằm cách vách tường thành nhà Hồ khoảng 200m, do gia đình ông Tùng làm chủ và cư trú qua nhiều thế hệ.

Ông Tùng cho biết, nguồn gốc của ngôi nhà này là do cụ Bát, giữ chức quan bát phẩm đời nhà Nguyễn khởi dựng. Ông Tùng là đời thứ 7 được thừa kế di sản đặc biệt này. Ban đầu, ngôi nhà gồm có 9 gian rộng lớn, đến năm 1961 do bị chiến tranh tàn phá nên chỉ còn lại 7 gian và được duy trì cho đến nay. “Năm đó do chiến tranh nên bị hỏng mất hai gian, chỉ còn lại 7 gian như hiện nay”, ông Tùng cho biết.

Ngôi nhà cổ được đặt trên nền địa thế chếch hướng Đông Nam, chiều rộng là hơn 9m, dài 21,7m và 8m là chiều cao. Ngôi nhà 7 gian gồm có 3 gian chính giữa dùng để thờ tự dòng họ Phạm, các gian còn lại dùng để sinh hoạt trong gia đình ông Tùng. Kết cấu trong nhà có 3 chuồng cửa chính với 12 cánh, mỗi chuồng cửa rộng từ 2,8 – 3m, ngoài ra còn có 2 chuồng cửa phụ. Trong 3 gian thờ tự đặt 8 câu đối làm bằng gỗ, khắc chữ nho và có ấn điểm của nhà Nguyễn.

 
Nhiều họa tiết trong ngôi nhà được chạm trổ rất tỉ mỉ, chi tiết, độc đáo.

Họa tiết trang trí trong ngôi nhà này được trình bày hết sức tinh tế và hiếm gặp nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa, thể hiện nét văn hóa độc đáo của thời kỳ nhà Nguyễn mà không phải ngôi nhà nào cũng có được. “Đây là ngôi nhà cổ được dựng theo kiến trúc đời Nguyễn, nhà thiết kế theo kiểu lộn thềm, chồng giường kẻ bảy, tiết tấu hoa văn long ly quy phượng, tùng trúc cúc mai. Hiện nay, tại địa phương ngoài ngôi nhà của gia đình tôi thì còn có một nhà khác cũng có tuổi thọ hàng trăm nay nhưng do không đảm bảo tính họa tiết nên chưa được nhà nước công nhận”, ông Tùng giới thiệu thêm về kiến trúc ngôi nhà.

Về vật liệu dựng ngôi nhà này, ông Tùng cho biết, nó có kết cấu từ 9 loại gỗ khác nhau và có sẵn tại địa phương như sến, táu, xoan, lác, xà đanh…, trong đó chủ yếu là gỗ xoan. “Nếu dỡ ra thì phải đến mấy xe ô tô tải gỗ nguyên bản”, ông Tùng nói thêm.

Trải qua hơn 200 năm trường tồn, ngôi nhà cổ này đã được các chuyên gia Nhật phối hợp với UNESSCO cấp miễn phí hơn 40.000 USD giúp đỡ trùng tu lại trong vòng 7 tháng liên tiếp, đơn vị thi công là công ty xây dựng Lam Kinh. Việc trung tu được các chuyên gia tiến hành dựa trên nguyên tắc bảo đảm tính nguyên bản, xử lý chống mối mọt từ nền nhà đến các họa tiết, kết cấu gỗ ngôi nhà. Dự kiến sau ngày được trùng tu, ngôi nhà này sẽ tồn tại thêm được ít nhất 100 năm nữa.

Từng là nơi chứa quân lương, phục vụ chiến đấu

Sau khi dẫn khách đi thăm quan một vòng quanh và giới thiệu tỉ mỉ kiến trúc ngôi nhà. Ông Tùng kể tiếp, để làm nên được công trình vô giá này, tổ tiên ông Tùng đã phải mất hơn 3 năm liên tiếp mới hoàn thành.

“Sinh ra rồi được ông bà bố mẹ nuôi lớn, chứng kiến bao nhiêu kỷ niệm xảy ra dưới ngôi nhà này, nhưng dù vui hay buồn thì nó gắn bó với gia đình và sẽ mãi như vậy”, ông Tùng bộc lộ cảm xúc.

Ông Phạm Ngọc Tùng, chủ nhân của ngôi nhà cổ 200 tuổi nói trên.

Trong giai đoạn từ năm 1959 – 1973, chính ngôi nhà này là nơi quân đội ta dùng để dự trữ quân lương phục vụ chiến đấu chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. “Ngày đó cả xã này đều tập trung quân lương ở ngay nhà ông Tùng để bộ đội ta chiến đấu”, cụ Tâm một cựu chiến binh tại địa phương nói. Cả 3 gian này đều chất đầy quân lương, chủ yếu là lạc, bông vải…, chỗ còn lại thì dùng để bộ đội ta dừng chân nghỉ ngơi.

Không chỉ vậy, ngôi nhà này còn là nơi chứng kiến bao thế hệ con cháu trong nhà ông Tùng trưởng thành, thành đạt. Riêng, ông Tùng có 4 người con hiện đã có sự nghiệp vững vàng và cũng đã lập gia đình.

Hằng ngày, gia đình ông Tùng đón hàng chục lượt khách xa gần lui tới thăm quan, tìm hiểu về ngôi nhà này và đều được ông Tùng tận tình giới thiệu.

A . Thanh

Theo Infonet

A . Thanh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm