Xã hội
Ảnh & Video
Ngôi nhà 25 m2 của 22 cụ già bán vé số ở Sài Gòn
- Chủ nhật, 28/6/2015 08:07 (GMT+7)
- 08:07 28/6/2015
5 năm nay, căn nhà rộng 25 m2 giữa trung tâm Sài Gòn là nơi hơn 20 cụ già và những người đồng hương bán vé số chung sống. Cuộc sống khó khăn nhưng đầy tình thương, ấm áp.
|
Nằm khuất trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ (phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM), căn nhà số 24/22A rộng khoảng 25 m2, có gác là nơi 22 cụ già và những người đồng hương bán vé số cùng quê Phú Yên trú ngụ. Để có chỗ sinh hoạt, phía ngoài căn nhà được tận dụng để treo đồ đạc, những chiếc xe lăn hư, cũ.
|
|
Cuộc sống ở quê nghèo khó, quanh năm hạn hán mất mùa, họ đành rời quê hương vào đây mưu sinh và rủ nhau cùng sống chung, để giảm tối thiểu chi phí giữa thành phố đắt đỏ và tiện giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau.
|
|
Căn nhà nhỏ được các cụ thuê với giá 5 triệu đồng/tháng. Thời điểm đông nhất có đến hơn 30 người cùng chung sống. "Giữa trung tâm thành phố, nếu vài người lao động nghèo như chúng tôi thuê giá như thế này thì không thể bám trụ được. Ở đông, mỗi người một ít chia nhau, chịu khó sẽ tiết kiệm được chi phí”, ông Ngô Văn Tiến (51 tuổi, quê Phú Yên), người đứng ra thuê nhà, tâm sự.
|
|
Ông Tiến được xem là "trưởng nhà", gánh vác nhiều việc từ dọn dẹp nhà cửa, lấy vé số, chở các cụ già yếu đến nơi bán... đến công việc chính là chạy xe ôm. "Trước khi thuê căn nhà, tôi thấy người em kết nghĩa mướn hẳn căn nhà rộng rồi gọi mấy cụ già bán vé số, lao động nghèo về ở cùng. Thấy việc làm này ý nghĩa nên tôi làm theo, các cụ già bán vé số thấy tôi mở lòng gọi về cùng sinh sống họ rất vui. Những việc mình làm trên hết là tình cảm của những người nghèo với nhau. Tuy nhiên, tôi chỉ nhận người đồng hương cho dễ gắn bó, tin tưởng hơn”, ông Tiến, cho biết. |
|
Không gian sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ của các cụ già khá chật, đồ đạc phải treo khắp tường từ ngoài vào trong nhà. Trời nắng, giữa trưa, căn nhà trở nên ngột ngạt, nóng bức. Tuy nhiên, do nhiều cụ có giờ làm việc khá lệch nhau, không ở nhà cùng lúc nên việc nghỉ ngơi cũng thoải mái. Nhiều cụ có sức khoẻ bán vé số vào thời gian từ 5h chiều đến 3h sáng, nên buổi sáng, trưa họ tranh thủ nghỉ ngơi.
|
|
Sau giấc ngủ trưa ngắn ngủi, hai cụ nhận vé số từ ông Tiến, liền xếp lại từng xấp cẩn thận trước khi đi bán. Có ba người con ở quê nhưng tất cả đều nghèo, làm ruộng không đủ sống nên ông Huỳnh Thu (76 tuổi) cũng phải tìm kế sinh nhai để tự nuôi bản thân ở Sài Gòn 4 năm nay. "Bán vé số lời chẳng được bao nhiêu, già cả rồi, mắt mũi kém nên chúng tôi sợ đưa nhầm nhiều tờ cho khách. Gặp những kẻ cướp giật vé số thì chúng tôi không thể làm được gì, ngồi khóc mà chịu đền thôi", ông Thu, chia sẻ. |
|
Hàng ngày, khoảng gần 3h chiều, chị Đào Thị Lơ hâm nóng thức ăn, dọn ra cho các cụ ăn để đi bán buổi chiều tối. Trước đây, chị Lơ cũng rời quê vào Sài Gòn đi bán vé số nhưng không bán được nhiều nên mọi người khuyên chị ở nhà và nấu ăn, lo việc bếp núc cho các cụ. Mỗi ngày chị chi hết khoảng 150.000 nghìn đồng cho việc đi chợ, nấu nướng. |
|
Thông thường, một gia đình có 2 bữa cơm chính, nhưng với ngôi nhà vé số, họ chỉ có bữa chính duy nhất vào 3h chiều trước khi đi bán. Mọi người quây quần bên nhau, bữa cơm đạm bạc nhưng ai cũng vui vẻ.
|
|
Bà Ba Sen (60 tuổi) hàng ngày đi bán vé số từ lúc 5h sáng tới 2h chiều mới về. Ăn cơm xong nghỉ ngơi khoảng 2 tiếng đồng hồ, bà lại đi bán tiếp đến 3h sáng hôm sau. Ngồi đếm lại tiền, bà Sen tâm sự: “Tui không có gia đình, lúc ở quê làm ruộng, chăn nuôi nhưng bị hạn hán, dịch bệnh suốt không đủ ăn, lại nuôi đứa cháu, nên 3 năm nay bỏ ruộng vào đây kiếm sống bằng nghề bán vé số, để dành gửi tiền về cho đứa cháu ăn học. Đạp xe khắp nơi, bán cả ngày, cả đêm cũng chỉ kiếm được trung bình 150.000 đồng”.
|
|
Cụ Võ Thị Mậu (84 tuổi ) là người nhiều tuổi nhất trong nhà, đã ở đây được 5 năm. Cụ bị điếc và hay đau nhức xương khớp nên phải uống thuốc thường xuyên. Ngoài cụ Mậu, còn có nhiều người khác phải uống thuốc hàng ngày hay lúc nào cũng có thuốc bên mình. Có cụ tiền bán vé số hàng ngày vừa đủ tiền mua thuốc để điều trị những bệnh mãn tính kéo dài.
|
|
Căn nhà chật hẹp, thiếu thốn nhưng luôn đầy ắp tiếng cười. Vì cùng nghề nghiệp, cùng quê hương lại chung cảnh nghèo khó nên mọi người sống vui vẻ, chan hòa.
|
|
Bình thường, khoảng vài tháng là các cụ lại về quê một lần, nửa tháng sau vào lại Sài Gòn. Mỗi lúc có người về quê, rất nhiều đồ được gửi về. Đó là những thùng mì, bao gạo, áo quần được các tổ chức xã hội tặng các cụ không dùng hết, hay chiếc quạt, nồi cơm điện các cụ mua và gửi về cho con cháu ở quê. |
|
Sau bữa ăn trưa, trời nắng nóng, căn nhà ngột ngạt, thiếu ánh sáng nên mỗi người tìm 1 góc nghỉ ngơi.
|
|
Vào khoảng 3h chiều, một số cụ bắt đầu hối hả chuẩn bị công việc của mình, trong khi người khác thong dong ngồi hàn huyên. |
|
Các cụ đều già yếu, di chuyển khó khăn nên hàng ngày vào 8h sáng ông Tiến lại đi đại lý lấy từng xấp vé số chia cho mọi người trước khi đi ra bến chờ khách đi xe ôm. |
|
Trước khi đi bán, một số cụ bà thắp hương, cầm xấp vé số cầu xin thần tài phù hộ buôn bán may mắn. |
|
Một đêm dài len lỏi khắp đường phố Sài Gòn để mưu sinh bắt đầu từ những bữa cơm chiều ăn vội.
|
|
3h30, bà Nguyễn Thị Thảo (63 tuổi) và ông Nguyễn Khói (76 tuổi) là anh em ruột dìu nhau đi bán vé số. Bà Thảo cho biết, gia đình ở quê quá nghèo, anh trai bị khiếm thị, không để con cháu phải khổ vì mình nên dắt nhau vào Sài Gòn bán vé số.
|
|
Trừ những lúc trời mưa to, đau ốm nặng cụ Mậu mới nghỉ ở nhà. Tháng trước cụ Mậu bị té, giờ vẫn còn đau nên cụ phải uống thuốc hàng ngày, việc đi bán vé số cũng hết sức khó khăn. Vì không muốn con cháu nghèo nuôi mình thêm khổ nên cụ cố gắng tự nuôi bản thân. |
|
Ngoài các cụ già, trong căn nhà còn có một gia đình trẻ cùng quê cùng sống chung. Tranh thủ lúc nghỉ hè, chị Nguyễn Thị Bích Đào (35 tuổi) dẫn 2 con vào Sài Gòn chơi và phụ giúp mẹ đi bán vé số, kiếm tiền mua sách vở, quần áo cho năm học mới.
|
đồng hương
vé số
khó khăn
mưu sinh
Sài Gòn