Đình Thượng Văn, xưa thuộc xã Thượng Văn, tổng An Hội, huyện An Xuyên, phủ Tân Thành (nay thuộc xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp). Do biến cố sạt lở phải di dời nhiều lần, đến nay đình tọa lạc tại xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp. Đây là một trong những ngôi đình xưa nổi tiếng thờ phụng một vị quan đại thần của triều Nguyễn là Thượng thư - Bảo hộ Chân Lạp Bùi Đức Minh. Đây là nơi yên nghỉ cuối cùng của vợ chồng ông Bùi Đức Minh với mộ phần và sắc phong nhân dân giữ gìn đến ngày nay.
Ông Bùi Đức Minh sinh năm 1773 tại phường Sùng Văn (sau đổi thành thôn Thượng Văn). Năm Bính Thìn (1796), ông thi đậu Cống sĩ (Cử nhân) tại Gia Định. Ông làm quan thăng trải dần đến Ký lục dinh Bình Hoà (1815), Cai Bạ Biên Hoà (1821), Ký lục trấn Phiên An (1823).
Khu mộ ông bà Bùi Đức Minh và ông Bùi Đức Tuyên được tu bổ lại sau này. |
Bùi Đức Minh là một đại thần có tài về thu phục nhân tâm. Những năm đầu triều Minh Mạng, một số vùng đất mới thâu thuộc ở Nam Bộ rất khó quản lý, nhất là những phủ Trà Vinh, Mân Thích. Năm Minh Mạng thứ 5 (1824), thấy được khả năng của Bùi Đức Minh, vua thăng cho ông lãnh chức Tuyên phủ sứ hai phủ Trà Vinh, Mân Thít, kiêm quản đồn Uy Viễn. Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), ông lại được giữ chức Tả tham tri bộ Binh.
Khi Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại) mất, triều đình bàn đặt quan bảo hộ mới. Tháng 6 năm 1829, vua cho Bùi Đức Minh tới nhậm chức hiệp đồng Bảo hộ Chân Lạp cùng với Thống chế Nguyễn Văn Tuyên lãnh ấn “Bảo hộ Chân Lạp quốc”. Quyền lực của ông trong giai đoạn này rất lớn, ngang hàng với Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Đến tháng 10, vua gia hàm Thượng thư Bộ Binh cho Bùi Đức Minh, vẫn hiệp đồng bảo hộ quốc ấn Chân Lạp, án thủ đồn Châu Đốc, kiêm lãnh Biên vụ trấn Hà Tiên. Mọi vấn đề ở Chân Lạp đều phải thông qua Bùi Đức Minh và ông là người trực tiếp giải quyết các vấn đề quan hệ giữa Chân Lạp và triều đình nhà Nguyễn. Việc bảo hộ Chân Lạp thời bấy giờ vốn dĩ rất phức tạp, thường xảy ra mâu thuẫn giữa các quan Bảo hộ và quan lại người Chân Lạp. Việc các phiên quan kiện tụng quan Bảo hộ thường xuyên xảy ra. Hầu như các quan lại đến trấn nhậm tại Trấn Tây đều bị vua quan Chân Lạp gởi sớ về triều kiện về hành động nhũng nhiễu và lấn át các phiên quan rất gay gắt. Thoại Ngọc Hầu, Tuyên Trung Hầu khi lãnh trọng trách Bảo hộ Chân Lạp đều bị vướng phải vấn đề trên, Bùi Đức Minh cũng không ngoại lệ. Tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 13 (1832), ông bị các quan Chân Lạp kiện, ông bị cách chức giao cho Thành Tào điều tra làm rõ.
Tờ sắc truy phong cho ông cha Bùi Đức Minh năm Minh Mạng thứ 9 (1828). |
Sự việc chưa xong thì bỗng nổi lên việc Lê Văn Khôi làm phản. Cuộc nổi dậy bất ngờ này đã không được triều đình dự phòng trước. Quân nổi dậy nhanh chóng tràn đi các tỉnh đồng bằng Nam Bộ và đánh chiếm. Trong vòng 3 ngày lục tỉnh Nam kỳ đã nằm trong tay lực lượng nổi dậy. Nhân đó, Bùi Đức Minh trốn đi tới Bình khấu đạo trình bày xin đua sức làm việc để chuộc tội. Tướng quân Trần Văn Năng báo về Bộ để đề đạt cho. Vua chuẩn cho ông được tòng quân để sai phái.
Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vì tuổi cao sức yếu, Bùi Đức Minh chết trong quân thứ lúc theo đánh giặc. Vua Minh Mạng xuống dụ rằng: “Nguyên Tham tri Bộ binh gia hàm Thượng thư, Bảo hộ ấn nước Cao Miên bị cách chức là Bùi Đức Minh cho truy cấp hàm Chủ sự (Chánh lục phẩm).” Ban sắc thụ là Thừa vụ lang. Mộ ông bà cùng với mộ em trai ông là Bùi Đắc Tuyên được an táng tại đình thôn Thượng Văn.
Cổng đình Thượng Văn, ấp Bình Mỹ A, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh. |
Đình Thượng Văn ngày nay hiện còn lưu giữ 2 sắc truy phong (truy tặng cho người đã qua đời) bằng lụa của vua Minh Mạng ban cho thân phụ và thân mẫu ông Bùi Đức Minh khi ông giữ chức Công bộ Tả Tham tri. Trước sân đình là mộ phần của ông bà Bùi Đức Minh và người em ruột của ông. Lăng mộ ngày xưa được xây dựng bằng đá ong và ô dước với quy mô rất lớn, có tường thành bao bọc, bia mộ bằng đá trắng được chạm trổ tinh xảo. Trải qua dâu bể, di dời nhiều lần tuy bia mộ xưa không còn nhưng nội dung bia mộ vẫn còn nguyên vẹn. Đình đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.