Câu 1: Căn bệnh truyền nhiễm đã lấy đi tính mạng của khoảng 500 triệu người trong lịch sử?
Bệnh đậu mùa là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất từng xuất hiện trong lịch sử xã hội loài người. Bệnh do virus variola gây ra, dễ dàng lây lan qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc. Triệu chứng ban đầu đơn giản chỉ là những nốt mụn mủ trên da. Bệnh được đánh giá rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong 30%, những người sống sót sẽ bị biến chứng do nhiễm trùng như sẹo, mù lòa, viêm khớp. Trong thế kỷ 18, căn bệnh đậu mùa trung bình giết chết 400.000 người dân châu Âu mỗi năm. Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết riêng năm 1967, 15 triệu người mắc bệnh, 2 triệu người chết. Theo các nhà nghiên cứu, căn bệnh này đã lấy đi tính mạng của khoảng 500 triệu người trong lịch sử cho đến khi nó được điều trị dứt điểm năm 1979. |
Câu 2: Hoàng tử nào con Nguyễn Ánh (vua Gia Long) chết vì bệnh đậu mùa?
Theo sách Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nguyễn Phúc Cảnh (hoàng tử Cảnh) sinh ngày 2 tháng 3 năm Canh Tý (tức ngày 6/4/1780) tại Gia Định. Ông là con cả của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Năm 1783, Gia Long nhờ Giám mục Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện, hoàng tử Cảnh theo làm con tin. Năm 1789, ông trở về. Năm 1892, ông được sách lập làm Đông cung Cảnh quận công (Thế tử). Ông mất vào ngày 7 tháng 2 năm Tân Dậu (20/3/1801) vì mắc bệnh đậu mùa. Năm 1804, ông được vua Gia Long ban thụy là Anh Duệ hoàng thái tử. |
Câu 3. Người con nào của Anh Duệ hoàng thái tử được các quan xin dựng ngôi Trừ nhị (người dự bị để nối ngôi vua)?
Theo Đại Nam liệt truyện, Nguyễn Phúc Mỹ Đường, con trai lớn của Hoàng tử Cảnh và bà Tống Thị Quyên (con trai thứ hai là Mỹ Thùy). Theo truyền thống “phụ truyền tử kế”, hoàng tử Cảnh sẽ nối nghiệp Gia Long. Nhưng không may, hoàng tử mất trước khi thân phụ lên ngôi (năm 1801). Khi vua Gia Long ở ngôi, tuổi đã cao, các quan xin dựng ngôi Trừ nhị (người dự bị để nối ngôi vua). Có người xin lập hoàng tôn Mỹ Đường, vua không nghe. Năm 1820, vua qua đời, Hoàng tử Đảm lên ngôi lấy niên hiệu là Minh Mệnh. Năm Minh Mệnh 5 (1824), xảy ra vụ án Nguyễn Phúc Mỹ Đường (con trai hoàng tử Cảnh) thông dâm với mẹ đẻ mình (vợ hoàng tử Cảnh). Mãi đến đời vua Thiệu Trị, họ mới được giải oan và phục hồi danh dự. Vụ này đã đặt ra câu hỏi, liệu vua Minh Mệnh có dựng nên câu chuyện tội lỗi trên để triệt dòng đích hoàng tử Cảnh. |
Câu 4. Vua Tự Đức bị mắc bệnh mùa vào thời gian nào?
Theo sách Nguyễn Phúc tộc thế phả, tháng 6 năm Đinh Mùi (1847), ngài (chỉ Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, tức vua Tự Đức sau này) bị bệnh đậu mùa, suốt tháng thuốc thang mới tạm lành. Lúc mới lành đã được Hiến Tổ (vua Thiệu Trị) cho vào chầu và ban cho bộ sách “Chí Thiện Đường Thi Văn Hội Tập” và dụ rằng “Bộ sách này là ý chỉ của hoàng tổ ta để lại, tâm pháp và trị pháp đều ở trong đó con nên bắt chước”. Ý định của Hiến Tổ cho ngài nối ngôi đã khởi từ đó. |
Câu 5. Di chứng bệnh đầu mùa nào khiến vua Tự Đức buồn phiền và ám ảnh?
Vua Tự Đức mất khả năng sinh dục (bất lực) do biến chứng khi bị bệnh đậu mùa, nên không sinh được người con nào để nối dõi. Người xưa coi tuyệt tự là một trong 3 tội lớn. Sau cùng, vua phải nhận 3 người cháu làm con nuôi đó là Nguyễn Ưng Ái (sau này là vua Dục Đức), Nguyễn Ưng Đăng (sau này là vua Kiến Phúc), Nguyễn Ưng Đường (sau này là vua Đồng Khánh). |